Thị trường lao động Canada gây khó khăn cho kế hoạch của Ngân hàng trung ương

Nền kinh tế Canada đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 4/2023, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này tiếp tục ở mức thấp kỷ lục trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nền kinh tế Canada (Ca-na-đa) đã tạo thêm nhiều việc làm hơn dự kiến trong tháng 4/2023, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này tiếp tục ở mức thấp kỷ lục trong tháng thứ 5 liên tiếp. Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục phục hồi bất chấp các dấu hiệu về suy thoái kinh tế.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Canada, được công bố ngày 5/5, đã có hơn 41.000 việc làm mới được đưa vào thị trường lao động trong tháng 4/2023, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 5%. Các dự báo trước đó đều cho thấy chỉ có khoảng 20.000 việc làm mới, với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,1%.

Đây là lần tăng thứ tám liên tiếp, nâng tổng số người có việc làm kể từ tháng 9/2022 đến nay lên 423.000 người và tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ cao hơn một chút so với mức thấp kỷ lục 4,9% hồi tháng 12 năm ngoái. Số việc làm tăng phần lớn là công việc bán thời gian, góp phần bù đắp cho việc làm toàn thời gian bị mất và đây là lần đầu tiên công việc bán thời gian tăng lên kể từ tháng 10/2022.

Chuyên gia kinh tế Andrew Grantham của Ngân hàng thương mại hoàng gia Canada (CIBC) nhận xét mặc dù mức tăng trưởng việc làm lần này khá hạn chế bởi được thúc đẩy bằng những công việc bán thời gian, nhưng thị trường lao động rõ ràng là mạnh hơn và chặt chẽ hơn mọi người dự đoán trước đó do có những dấu hiệu giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế Canada trong tháng 3/2023 có một chút suy thoái nhẹ (tăng trưởng âm 0,1%) dẫn đến tăng trưởng GDP trong ba tháng đầu năm chỉ đạt 2,5%. Đồng CAD tăng 0,6% lên mức cao nhất trong hai tuần qua, với tỷ lệ đổi 1 USD tương đương 1,345 CAD. Ngân hàng trung ương Canada (BoC) dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức yếu trong ba quý còn lại của năm 2023 do những tác động vẫn còn của các đợt tăng lãi suất trước đây nhằm kiềm chế lạm phát đã có lúc tăng tới mức 8,1%.

Thị trường lao động và đặc biệt là việc tăng tiền lương là điểm mấu chốt trong chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của BoC nhằm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%. Kể từ tháng 6/2022, tăng trưởng tiền lương luôn được duy trì ở mức trên 5% và điều này khiến cho lãi suất có thể sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện nay vì áp lực tiền lương và giá cả dịch vụ.

Trưởng ban thị trường vốn Doug Porter của Ngân hàng Montreal (BMO) nhận định tăng trưởng việc làm kết hợp với sự phục hồi của thị trường nhà đất có thể mở đường cho làn sóng tăng lãi suất mới của BoC.

BoC đang tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất từ đầu năm nay để kiềm chế lạm phát. Với lãi suất cơ bản ở mức 4,5%, chi phí đi vay cao hơn sẽ buộc người dân và doanh nghiệp phải giảm chi tiêu và các nhà tuyển dụng phải suy nghĩ lại về kế hoạch tăng nhân công của họ. Tuy nhiên, cho tới nay thị trường lao động vẫn tăng ổn định cho dù có những dự báo về sự phát triển kinh tế chậm lại. Mục tiêu đưa lạm phát về 2% sẽ trở nên khó khăn bởi tiền lương tăng lên sẽ gây áp lực tăng giá.

Thống đốc BoC Tiff Macklem nói rằng ông "sẵn sàng tăng lãi suất" nếu lạm phát bị mắc kẹt trên mức 2% do tiền lương tăng. Kịch bản mà BoC mong muốn là thị trường lao động dịu lại để giảm bớt các áp lực. Tháng trước, BoC từng thảo luận về việc tăng lãi suất một lần nữa, nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định giữ nguyên.

Trong khi đó, Giám đốc kinh doanh của Ngân hàng TD, James Orlando, lại cho rằng nếu nền kinh tế tiếp tục chống lại sự suy giảm mà BoC đang cố gắng đặt ra thì có thể lãi suất vẫn chưa đủ cao. Ngân hàng trung ương có lẽ phải đánh giá lại mức độ phù hợp hoặc để lãi suất ở mức nào đó nhằm tạo đà suy giảm ở mức cần thiết để đưa lạm phát giảm trở lại.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE