Thế khó của các cửa hàng sau khi mở bán iPhone 14

Apple cố tình tạo ra tình huống khan hiếm, để các đại lý phải tìm cách bán những phiên bản ít được quan tâm như iPhone 14 hay iPhone 14 Plus.
Đại lý Việt Nam phải tìm cách bán mẫu iPhone 14/14 Plus để được nhập thêm bản Pro. Ảnh: Quỳnh Danh.
Đại lý Việt Nam phải tìm cách bán mẫu iPhone 14/14 Plus để được nhập thêm bản Pro. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đợt phát hành đầu tiên, các phiên bản thuộc iPhone 14 series được Apple phân bổ đều chứ không đúng với tình hình thực tế đặt hàng tại Việt Nam. Phiên bản Pro/Pro Max rơi vào tình trạng cháy hàng, nhanh chóng hết máy. Ngược lại, iPhone 14 và iPhone 14 Plus bị người dùng thờ ơ, dẫn đến ế ẩm.

Mặt khác, nhà bán lẻ trong nước chịu áp lực doanh số nặng nề ở đợt hàng đầu tiên. Các hệ thống phải tìm cách giảm lượng tồn kho, tăng số máy kích hoạt trong tuần này để được cung ứng thêm máy.

Áp lực vô hình

Apple dùng chỉ số velocity, lượng kích hoạt trên tổng số hàng hãng cung ứng đến đại lý, để đánh giá năng lực đối tác. Nếu hệ thống bán được ít, tồn kho nhiều, công ty sẽ không cung ứng, hoặc hạn chế lượng sản phẩm ở các đợt hàng kế tiếp.

Không trực tiếp đưa ra chỉ tiêu doanh số, Apple dùng cách phân bổ hàng nhằm tạo áp lực lên các nhà bán lẻ. Điều này buộc đối tác của Táo khuyết tự xoay sở để bán máy cho công ty.

Với thực trạng hiện tại, sản phẩm iPhone 14 và iPhone 14 Plus không được người dùng trong nước quan tâm. Do đó, lượng tồn kho hệ thống bán lẻ phải giải quyết rất lớn.

Apple cố tình "giam" hàng iPhone 14 Pro Max để đại lý phải bán bản thường. Ảnh: Phương Lâm.

“iPhone 14 Pro/Pro Max gần như hết sạch rồi nhưng nhà phân phối không ra thêm hàng, bắt đợi đến tuần sau. Đây như một khoảng trống cho đại lý tìm cách bán hai bản iPhone 14 và iPhone 14 Plus ít được quan tâm”, đại diện một nhà bán lẻ trong nước chia sẻ với Zing.

Tình hình khan hàng dòng Pro/Pro Max xuất hiện ở hầu hết nhà bán lẻ ủy quyền trong nước. Đại diện Thế Giới Di Động, CellphoneS xác nhận tình trạng khan hiếm ở hầu hết phiên bản bộ nhớ của model iPhone 14 Pro Max. Trong khi đó, website FPT Shop đã đưa mẫu máy nói trên về tình trạng chờ hàng, không thể mua trực tiếp.

Ngược lại, mẫu iPhone 14 và iPhone 14 Plus vẫn có sẵn để mua ngay lập tức, với đầy đủ bộ nhớ, màu sắc.

Theo nguồn tin từ nhà phân phối, thực tế nguồn hàng iPhone 14 Pro/Pro Max chưa khan hiếm, còn sẵn trong kho. Tuy nhiên, Apple không đưa lượng máy này ra thị trường. Đơn vị bán lẻ phán đoán lý do là hãng muốn tranh thủ giai đoạn mở bán, xuất thêm được nhiều iPhone 14 và 14 Plus.

Đại lý tự xoay sở

Theo các hệ thống bán lẻ trong nước, đợt hàng tiếp theo của Apple sẽ cập bến vào đầu tuần sau. Trong thời gian chờ đợi, nhà bán lẻ phải tìm cách giải quyết lượng lớn tồn kho của iPhone 14/14 Plus.

Đại lý phải tìm cách bán mẫu iPhone 14/14 Plus để có thêm hàng vào tuần sau. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chỉ 3 ngày sau đợt phát hành đầu tiên, các hệ thống chính hãng đã buộc phải giảm giá 1-2 triệu đồng cho hai model nêu trên. Đây là biện pháp tức thời nhằm kích cầu mua sắm, tăng sức hút cho thiết bị kém hấp dẫn của Apple.

Tuy nhiên, với giá bán hiện tại, người dùng vẫn không có nhiều lý do để mua iPhone 14 và iPhone 14 Plus. iPhone 13 rẻ hơn phiên bản mới nhất 3-4 triệu đồng nhưng không thua kém về ngoại hình, tính năng. Trong khi đó, iPhone 13 Pro/Pro Max vẫn được kinh doanh tại Việt Nam. Thiết bị có ngoại hình, chất liệu cao cấp cùng nhiều tính năng hơn mẫu iPhone 14 Plus cùng giá.

Apple đang phải chịu áp lực tồn kho trên toàn cầu bởi sự ế ẩm của iPhone 14 và iPhone 14 Plus. Bản Pro/Pro Max rơi vào tình trạng cháy hàng, phải đợi nhiều tháng. Trong khi đó, người dùng thể hiện sự thờ ơ với bộ đôi iPhone thường.

Bên cạnh việc giam hàng để ép đại lý đẩy doanh số cho hai mẫu iPhone 14 cơ bản, Apple còn dùng chiêu trò để bán bản bộ nhớ cao, thu được thêm lợi nhuận. Cụ thể, theo tiết lộ từ nhà bán lẻ, lượng iPhone 14 Pro Max bản 128 GB không dồi dào, dù đây là bộ nhớ mặc định, được quan tâm và đặt hàng nhiều nhất.

Trong khi đó, lựa chọn 256 GB lại được cung ứng thoải mái hơn. Một đại lý (yêu cầu giấu tên) nhận xét đây là cách Táo khuyết tạo ra khan hiếm ảo, khuyến khích khách hàng mua bộ nhớ cao, giá đắt hơn.

Trước đây, công ty này từng áp dụng cách phân bổ bộ nhớ cách xa, ép người dùng mua bản cao. Ví dụ, iPhone 6 chỉ có tùy chọn 16 GB, 64 GB và 128 GB, không có tùy chọn 32 GB ở giữa.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE