Quay về eMagazine
Thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp tại Việt Nam sắp tới có gì mới?

Thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp tại Việt Nam sắp tới có gì mới?

Sau 15 năm áp dụng, dự thảo mới với Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC đang được Bộ Công an xây dựng để khắc phục, xử lý một số điểm hạn chế, bất cập đã phát sinh...

Bộ Công an đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế mới về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

Nếu được ban hành, Quyết định này sẽ thay thế cho Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg ngày 28/02/2006, Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29/10/2015 về ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại; sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ thẻ đi lại của doanh nhân APEC.

Ngày 15/11/1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị liên Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10, tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Đây được xem là một dấu mốc lớn trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của Việt Nam.

APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán/chờ phê chuẩn là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 21 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.

TẠI SAO PHẢI BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH MỚI?

Ngày 09/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình thẻ đi lại doanh nhân APEC (thẻ ABTC). Trên cơ sở đó, ngày 28/02/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 45/2006/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 54/2015/QĐ-TTg ngày 29/10/2015.

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, sau 15 năm tổ chức thực hiện Quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC, bên cạnh những kết quả tích cực thì thời gian qua, Quy chế đã bộc lộ bất cập, hạn chế và phát sinh một số vấn đề. Cụ thể là 5 vấn đề được Bộ nêu tại tờ trình liên quan gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tiên là Quy chế hiện chưa có quy định chi tiết về thủ tục hành chính tiếp nhận, xử lý tại UBND cấp tỉnh, dẫn đến việc UBND cấp tỉnh không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các doanh nghiệp chứng minh tư cách pháp nhân cũng như không có căn cứ đánh giá về năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng hợp tác của các doanh nghiệp.

Do không có một quy định chung nên mỗi tỉnh, thành phố lại áp dụng tiêu chí riêng để xem xét cho phép doanh nhân được sử dụng thẻ. Điều này dẫn đến việc thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương.

Thứ 2, Quy chế chưa quy định trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý thẻ ABTC của các doanh nghiệp và việc sử dụng thẻ ABTC của các doanh nhân được cấp, cũng như chế độ báo cáo tình hình quản lý và sử dụng thẻ theo định kỳ.

Việc phối hợp trao đổi thông tin về cấp thẻ ABTC cho doanh nhân giữa Bộ Công an với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa được kết nối thường xuyên, nên địa phương không nắm được những trường hợp UBND cấp văn bản cho phép doanh nhân sử dụng thẻ nhưng không được Bộ Công an cấp thẻ. Do đó, cần phải có quy định về việc này.

Thứ 3, theo Quy chế thì cấp thẩm quyền xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC gồm có Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tổng Công ty do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Tuy nhiên, thực tế giải quyết hồ sơ có nhiều doanh nhân thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đề nghị cấp thẻ ABTC. Quy chế hiện chưa quy định cấp thẩm quyền nào được xét, cho phép sử dụng thẻ đối với doanh nhân thuộc các tổ chức này nên cần phải có quy định cụ thể để thực hiện.

Thứ 4, ngày 20/11/2020, tại Tuần lễ cấp cao APEC, Thủ tướng Úc đã chính thức thông báo triển khai thẻ ABTC điện tử. Thẻ ABTC điện tử là phiên bản kỹ thuật số của thẻ ABTC cứng, cho phép doanh nhân xuất trình thẻ ABTC qua “ứng dụng” trên thiết bị thông minh. Mỗi nền kinh tế thành viên APEC sẽ quyết định lộ trình chuyển đổi từ thẻ ABTC cứng sang sử dụng thẻ ABTC điện tử cho các doanh nhân của mình. Tính đến nay đã có 10 nước thành viên phát hành thẻ ABTC điện tử.

Theo Quy chế hiện nay thì thẻ ABTC đang được hiểu là một loại giấy tờ cấp cho doanh nhân (thẻ ABTC cứng). Do đó, cần thiết phải sửa đổi Quy chế để có cơ sở pháp lý cho việc triển khai cấp thẻ ABTC điện tử cho doanh nhân Việt Nam và kiểm soát đối với doanh nhân nước ngoài sử dụng hình thức thẻ này nhập cảnh.

Cuối cùng, để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 10695/QĐ-BCA ngày 25/12/2021 phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022, theo đó một số thủ tục cấp thẻ ABTC của doanh nhân Việt Nam được nâng lên cấp độ 4.

Và để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Quyết định này cần phải sửa đổi Quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC.

Quy trình xin cấp thẻ APEC hiện hành. Nguồn: CIS LAW

Quy trình xin cấp thẻ APEC hiện hành. Nguồn: CIS LAW

THẺ ĐI LẠI CỦA DOANH NHÂN APEC ĐƯỢC CẤP NHƯ THẾ NÀO?

Theo dự thảo Nghị định của Bộ Công an, các trường hợp được quy định cụ thể, có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp nơi công tác đề nghị.

Theo Quy chế này, tùy từng trường hợp, người có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm xét, cho phép sử dụng thẻ.

Doanh nhân làm việc tại các doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập nhưng đã được cổ phần hóa, không còn vốn nhà nước chi phối thì do Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC.

Đối với doanh nhân đang làm việc tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tài chính thì Thủ trưởng Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Tài chính xét, cho phép sử dụng thẻ ABTC.

Một điểm mới trong Quy chế, đối với một số trường hợp liên quan các tổ chức chính trị - xã hội hay VCCI có nhu cầu sử dụng thẻ ABTC phải được Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội hoặc Chủ tịch VCCI cho phép sử dụng thẻ ABTC.

Cuối cùng, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công an là người quyết định xét, cấp thẻ ABTC cho những người thuộc các đối tượng khác phù hợp, có nhu cầu.

Thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp tại Việt Nam sắp tới có gì mới? ảnh 2 Thẻ đi lại của doanh nhân APEC cấp tại Việt Nam sắp tới có gì mới? ảnh 3

Trình tự xét cho phép sử dụng thẻ ABTC tại các tỉnh, thành phố và trình tự, thủ tục cấp thẻ ABTC tại Bộ công an.

Về việc tổ chức thực hiện, Bộ Công an là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, kết nối dữ liệu về nhân sự người đề nghị cấp thẻ ABTC; cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, thực hiện việc trao đổi thông tin với cơ quan có thẩm quyền của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC gồm những thông tin như: Dữ liệu nhân sự của doanh nhân Việt Nam đề nghị cấp thẻ ABTC; Doanh nhân Việt Nam đề nghị cấp lại thẻ ABTC; Doanh nhân Việt Nam và doanh nhân các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC bị thông báo thẻ ABTC không còn giá trị; Kết quả xét duyệt cấp thẻ ABTC cho doanh nhân các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an để trao đổi thông tin, tra cứu, thống kê dữ liệu về nhân sự người đề nghị cấp thẻ ABTC trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Theo đó, mỗi bộ ngành, UBND, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp một mã điện tử để truy cập vào Cổng dịch vụ công Bộ Công an; được yêu cầu kiểm tra, xét duyệt chặt chẽ doanh nhân đủ điều kiện được sử dụng thẻ ABTC.

Về thẩm quyền xem xét nhân sự đối với doanh nhân nước ngoài, theo Quy chế, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) là đơn vị có thẩm quyền xem xét, trao đổi kết quả xét duyệt với cơ quan có thẩm quyền của các nước hoặc vùng lãnh thổ thành viên tham gia chương trình ABTC, khi doanh nhân của các nước hoặc vùng lãnh thổ đề nghị được cấp thẻ ABTC để nhập cảnh Việt Nam.

Hiện nay, APEC có 21 nền kinh tế tham gia bao gồm: Mỹ, Canada, Úc, Chi Lê, Trung Quốc, Brunei, Hồng Kông, Đài Loan, Peru, Papua New Guinea, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Mexico, Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện có 19 nước là tham gia chương trình thẻ APEC toàn diện, còn lại 2 nước là Mỹ và Canada tham gia chưa toàn diện (đang trong thời kỳ quá độ – transitional members).

Doanh nhân Việt Nam có thẻ APEC đi được những nước có danh sách dưới đây sẽ được kèm theo thời gian lưu trú tối đa đối với từng nhóm như sau:

- Úc, Chi Lê, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan, Brunei, Peru, Mexico: 90 ngày.

- Trung Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Singapore, Papua New Guinea, Việt Nam: 60 ngày.

- Philippines: 59 ngày.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE