Quay về eMagazine
Thấy gì từ Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam tại Báo cáo PAPI 2021?

Thấy gì từ Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam tại Báo cáo PAPI 2021?

Lần đầu tiên sau 7 năm, chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" của báo cáo PAPI có sự sụt giảm về điểm số. Nhiều tỉnh, thành phía Nam lọt vào nhóm cao nhất trong kiểm soát tham nhũng khu vực công, đây là "sự thay đổi thú vị".

Ngày 10/5, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì vừa chính thức được công bố.

PAPI năm 2021 tiếp tục sử dụng khảo sát dựa trên 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Theo đó, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là Chỉ số nội dung thứ 4 trong bộ 8 chỉ số thường niên của báo cáo PAPI hằng năm.

Chỉ số nội dung này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền, đồng thời phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân.

Trong đó, 4 nội dung thành phần cấu thành gồm "Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương", "Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công", "Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công" và "Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương".

Chỉ duy nhất 1 chỉ số có sự cải thiện so với kết quả khảo sát PAPI của 2 năm liền kề.

Chỉ duy nhất 1 chỉ số có sự cải thiện so với kết quả khảo sát PAPI của 2 năm liền kề.

Theo nhóm nghiên cứu, tương tự với phát hiện của PAPI năm 2020, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và tăng cường công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có mối tương quan tích cực và có ý nghĩa thống kê với mức độ hài lòng của người dân với cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của chính quyền các cấp.

Tuy nhiên, PAPI 2021 lần đầu tiên ghi nhận điểm chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" giảm sút kể từ năm 2016 - thời điểm chiến dịch phòng, chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, Chính phủ bắt đầu.

Ngoài ra, khác với kết quả khảo sát ở 10 năm trước, riêng năm 2021, sự phân bố các tỉnh trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố đều hơn ở phía Bắc và phía Nam.

Theo TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), việc năm nay có nhiều tỉnh, thành phía Nam lọt vào nhóm cao nhất trong kiểm soát tham nhũng khu vực công, đây là "sự thay đổi thú vị".

Công bố của nhóm nghiên cứu phân Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công thành 4 nhóm xếp hạng bao gồm cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất.

Cụ thể, điểm thấp nhất và điểm cao nhất cấp tỉnh có khoảng cách tương đối xa, từ 5,42 đến 8,15 điểm trên thang điểm từ 1-10.

Có 3 địa phương là Quảng Ninh, Bắc Giang và Bắc Ninh thuộc nhóm không thể đo lường vì "khuyết dữ liệu".

Có 3 địa phương là Quảng Ninh, Bắc Giang và Bắc Ninh thuộc nhóm không thể đo lường vì "khuyết dữ liệu".

Qua hai năm 2020 và 2021, có 20 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể. Đồng thời, lại có 20 tỉnh, thành phố khác có mức giảm đáng kể so với 2020.

Trong đó có Bình Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lâm Đồng đạt mức gia tăng đáng kể trên 15% điểm qua 2 năm.

Chiều ngược lại, điểm của Bến Tre, Điện Biên và Đồng Tháp lại có sự sụt giảm trên 15%.

Về các điểm thành phần, điểm nội dung "Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công" vẫn là phần thấp nhất trong 4 nội dung thành phần cấu thành chỉ số nội dung này.

Theo phản ánh của người dân, hiện trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở các địa phương giàu có cũng như còn nghèo.

Đặc biệt, mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường).

Theo công bố, vẫn có tới 58,7% đến 63,5% số người trả lời cho biết muốn xin vào làm 1 trong 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã. Đồng thời, họ vẫn phải dựa vào quan hệ với người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước để được việc.

Sự phổ biến trên được thể hiện khi việc chung chi diễn ra ngay cả ở những tỉnh được điểm cao ở chỉ tiêu này như Bình Dương và Thanh Hóa.

Đáng chú ý, tương tự kết quả năm 2020, Sơn La và Điện Biên vẫn là những tỉnh nơi hiện trạng "vị thân" vẫn phổ biến nhất.

Theo kết quả khảo sát, có dưới 70% số người trả lời ở tất cả các tỉnh, thành phố cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc trong phòng, chống tham nhũng.

Trong khi cũng có hơn 30 tỉnh, thành phố, tỷ lệ người trả lời cho rằng chính quyền địa phương đã nghiêm túc chỉ ở mức dưới 50%.

Một điểm đáng quan ngại, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Để thấy rõ, con số này cao hơn hẳn kết quả PAPI 2020 với chỉ 32% người dân được hỏi trả lời đã phải chi "lót tay" để làm thủ tục sổ đỏ.

Thêm vào đó, hiện trạng "chung chi" để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy CNQSD đất lại phổ biến ở các tỉnh còn nghèo như Cao Bằng, Đắk Lắk và Sóc Trăng.

Trong khi đó, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn dao động từ 40% đến 80% xuất hiện ở khoảng 40 tỉnh, thành phố.

Đồng thời, tỷ lệ người trả lời cho biết bệnh nhân/người nhà bệnh nhân vẫn phải "lót tay" để được khám, chữa bệnh tốt hơn ở bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ từ 27% năm 2020 lên 28% năm 2021

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011.

Năm 2021, có 15.833 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI. Trong suốt 13 năm qua, có tới 162.066 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE