Thâm hụt thương mại Hàn Quốc cao kỷ lục trong 25 năm

Nguyên nhân chính khiến thâm hụt thương mại Hàn Quốc cao nhất trong ¼ thế kỷ chính là do giá năng lượng và hàng hóa tăng quá cao đẩy tăng giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Thâm hụt thương mại Hàn Quốc cao kỷ lục trong 25 năm

Hàn Quốc có thâm hụt thương mại cao nhất tính từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khi mà giá năng lượng và hàng hóa tăng cao dẫn đến việc giá trị hàng hóa nhập khẩu liên tục cao hơn giá trị hàng hóa xuất khẩu, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.

Trong tháng 9/2022, mức thâm hụt thương mại ước tính khoảng 3,77 tỷ USD. Như vậy đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại cao, theo số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Hàn Quốc. Giá trị hàng hóa nhập khẩu tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước còn giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 2,8%.

Thâm hụt thương mại Hàn Quốc vẫn ở mức cao trong bối cảnh đồng won yếu và giá dầu cao.

Các nước phụ thuộc vào xuất khẩu chứng kiến thâm hụt thương mại dai dẳng trong năm nay khi mà căng thẳng Nga – Ukraine khiến cho giá năng lượng và hàng hóa tăng mạnh, đồng thời đẩy cao áp lực lạm phát. Thâm hụt thương mại Hàn Quốc lập kỷ lục trong tháng 8/2022, đồng nội tệ yếu khiến cho những thách thức mà các nhà sản xuất phải đối mặt lớn dần.

Hàn Quốc sản xuất nhiều mặt hàng quan trọng ví như chip, ô tô, màn hình hiển thị và điện thoại thông minh. Tình hình sản xuất và xuất khẩu của Hàn Quốc giúp người ta có thể hình dung được cục diện của toàn cầu ở bối cảnh mà nỗi lo liên quan đến suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một lớn dần.

Lạm phát hiện vẫn ở mức cao trên khắp thế giới, ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới buộc phải siết chặt chính sách tiền tệ bất chấp các thiệt hại về kinh tế. Các hãng sản xuất chip của Hàn Quốc vào tháng 8/2022 đã giảm quy mô sản xuất lần đầu tiên trong hơn 4 năm nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho khoảng thời gian nhu cầu suy giảm.

Tăng trưởng xuất khẩu vững vàng là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) không ngừng nâng lãi suất. Thống đốc BOK hiện đang để ngỏ khả năng nâng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 12/10/2022.

Trong tháng gần nhất, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc hạ 6,5%, châu Âu hạ 0,7%. Trong khi đó xuất khẩu sang Mỹ tăng 16% còn xuất khẩu sang Nhật tăng 2,5%.

So với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu xuất khẩu giảm 5,7% trong tháng 9/2022.

Tổng giá trị xuất khẩu ô tô tăng 34,7% còn xuất khẩu pin dùng nhiều lần tăng 30,4%.

Theo bài đăng gần đây trên Nikkei, những nỗi lo lớn dần về nhu cầu sản phẩm bán dẫn đang khiến cho các doanh nghiệp ở Bắc Á lo sợ, nhu cầu chip thông thường vốn được coi như “hàn thử biểu” quan trọng của kinh tế quốc tế.

Tập đoàn điện tử Hàn Quốc Samsung Electronics và SK Hynix đã nói đến những kế hoạch nhằm thu hẹp hoạt động đầu tư. Còn tại khu vực Đông Á, hãng chip lớn nhất Đài Loan TSMC cũng nói đến kỳ vọng tương tự.

Việc nhu cầu với các sản phẩm công nghệ giảm không khỏi cho thấy bức tranh đang trở nên u ám hơn khi mà căng thẳng Nga – Ukraine và lãi suất leo thang ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.

Những tuần gần đây, nhiều hãng sản xuất chip lớn của thế giới bao gồm Micron Technology, Nvidia Corp hay Intel và AMD đều cảnh báo về khả năng xuất khẩu suy giảm.

Tổ chức nghiên cứu Gartner dự báo về khả năng chu trình tăng trưởng mạnh của ngành sẽ kết thúc. Gartner hạ dự báo triển vọng tăng trưởng doanh thu xuống chỉ còn 7,4% trong năm 2022, giảm đáng kể so với con số 14% mới chỉ 3 năm trước đó. Gartner dự báo tăng trưởng doanh thu xuống còn 2,5% trong năm 2023.

Trong ngành sản xuất và kinh doanh chip quy mô 500 tỷ USD, chip nhớ là một trong những phân khúc dễ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thay đổi của kinh tế toàn cầu. Doanh thu từ bán chip nhớ DRAM, loại chip có khả năng lưu trữ dữ liệu tốt nhất, vô cùng quan trọng với thương mại Hàn Quốc.

Trong năm tới, nhu cầu của DRAM nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 8,3%, mức tăng trưởng thấp chưa từng thấy, theo nhận định của TrendForce. TrendForce dự báo nguồn cung sẽ có thể tăng 14,1%. Tăng trưởng bit là nói đến dung lượng bộ nhớ được sản sinh ra, đây cũng có thể coi như hàn thử biểu của nhu cầu toàn cầu.

Theo Nhịp sống Kinh doanh

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE