Thách thức lớn tại quốc gia có tỷ lệ phủ 5G cao nhất thế giới

Người dùng vẫn tỏ ra thờ ơ với 5G khi cho rằng 4G đủ dùng cho nhu cầu hiện tại...
KT và các nhà mạng khác phủ sóng 5G tới 90% diện tích Hàn Quốc
KT và các nhà mạng khác phủ sóng 5G tới 90% diện tích Hàn Quốc

Trên chuyến tàu sáng ở thủ đô Seoul, chở đa số dân văn phòng tới công sở làm việc, một người đàn ông đang chăm chú nhìn xem video phát trực tuyến trên màn hình smartphone. Trong khi video có thể được xem bằng tín hiệu 5G tốc độ cao, anh này chủ động đặt điện thoại ở chế độ thu sóng 4G.

“4G đủ tốt để xem video”, người đàn ông 29 tuổi nói, “Kết nối 5G làm hao pin nhanh hơn”.

Đây là thực tế các nhà mạng viễn thông Hàn Quốc đang phải đối mặt khi cơ sở hạ tầng của 5G phát triển nhanh chóng, phủ sóng khắp đất nước nhưng những dịch vụ, nội dung phục vụ cho 5G còn đang rất hạn chế. Khách hàng cảm thấy “đủ dùng” với kết nối 4G trước đây.

Hàn Quốc vượt qua cả Mỹ và Nhật Bản về vùng phủ sóng 5G, bắt đầu triển khai công nghệ di động thế hệ thứ 5 cách đây 3 năm. Tuy nhiên, quốc gia này phải đối mặt với việc thiếu các dịch vụ và nội dung 5G độc quyền dành cho các thuê bao.

Tỷ lệ phủ 5G cao nhất thế giới

3 công ty viễn thông lớn của Hàn Quốc mở rộng vùng phủ sóng 5G tới hơn 90% khu vực thành thị. Lãnh thổ tương đối nhỏ và mật độ dân số cao của Hàn Quốc thúc đẩy tiến độ lắp đặt trạm gốc 5G.

Trong năm đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G thương mại vào năm 2019, 3 hãng viễn thông tăng chi tiêu đầu tư lên khoảng 50% so với năm 2018. Số tiền đầu tư này vẫn tiếp tục tăng cao.

Mức đầu tư cho 5G của 3 nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc (đơn vị: nghìn tỷ won)
Mức đầu tư cho 5G của 3 nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc (đơn vị: nghìn tỷ won)

Bà Lim Hye-sook, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, quảng cáo về phạm vi phủ sóng 5G rộng khắp của đất nước trong bài phát biểu hồi tháng 3 tại triển lãm viễn thông lớn toàn cầu Mobile World Congress năm nay.

“Hàn Quốc sẽ dẫn đầu xu hướng 5G toàn cầu với các công nghệ nổi bật đồng thời đi trước trong việc hình thành hợp tác giữa các quốc gia”, bà Bộ trưởng nói.

Các nhà mạng di động lớn SK Telecom, KT và LG Uplus có 21,56 triệu thuê bao đăng ký 5G tính đến cuối năm 2021, chiếm khoảng 30% trong tổng số 73,15 triệu hợp đồng di động tại Hàn Quốc. Mỹ và Nhật Bản chỉ có khoảng 20% thuê bao đăng ký sử dụng 5G.

3 hãng viễn thông lớn Hàn Quốc khuyến khích người dùng chuyển sang 5G bằng cách giảm giá dịch vụ. Khách hàng có thể truy cập kết nối siêu nhanh trong khi chỉ thanh toán tương tự như đường truyền 4G.

Quan chức Hàn Quốc cho biết tốc độ tải xuống của 5G đạt 800 MBps, nhanh hơn khoảng 10 lần so với 4G. Tuy nhiên, các nhà viễn thông vẫn chưa tận dụng hết lợi thế của công nghệ để cung cấp sản phẩm cho người dùng cuối.

Khi được hỏi cung cấp những dịch vụ nào dành riêng cho 5G, các câu trả lời của 3 nhà mạng hầu như chỉ giới hạn ở các luồng phát sóng trực tiếp hoặc mạng 5G cục bộ cho các nhà máy và các nhu cầu kinh doanh khác.

Năm 2011, Hàn Quốc bắt đầu triển khai dịch vụ 4G trùng với sự gia tăng của điện thoại thông minh. Nhu cầu phát trực tuyến video, cũng như hàng loạt app ra đời, tạo ra động lực lớn cho 4G phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, phản ứng của người dùng với 5G hoàn toàn trái ngược với sự “phấn khích” mà 4G mang tới cho khách hàng.

Xây dựng hạ tầng để đón xu thế

Tuy nhiên, các nhà viễn thông vẫn đang phát triển mạng 5G để đón đầu những thay đổi trong tương lai.

Đại diện của SK Telecom cho biết: “Cơ sở hạ tầng 5G cơ bản sẽ cung cấp nền tảng để thúc đẩy các đổi mới công nghệ như lái xe tự hành và tàu siêu tốc”.

KT đang hợp tác với 1 công ty khởi nghiệp để phát triển nền tảng phát sóng thể thao tích hợp trí tuệ nhân tạo. Camera độ nét cao đang được lắp đặt tại các địa điểm thể thao để ghi lại chuyển động của các cầu thủ và trái bóng. Chương trình AI tự động chỉnh sửa chương trình phát sóng 5G để phù hợp với sở thích của người xem.

LG Uplus đang tập trung vào các dịch vụ 5G giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hãng viễn thông này lắp đặt các cảm biến tại 1 khu phức hợp hóa dầu ở thành phố cảng phía đông Ulsan. Các thiết bị xác định xem các đường ống bị lão hóa hoặc các bộ phận khác cần thay thế trước khi tai nạn xảy ra.

Tại cảng Busan, các dịch vụ 5G của LG Uplus được sử dụng để điều khiển cần cẩu từ xa tại các bến container, tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa.

Hoạt động kinh doanh tại 3 công ty viễn thông đang thiên về tiêu dùng nội địa. Trước tiên, các hãng sẽ triển khai các dịch vụ tại Hàn Quốc trước khi nghĩ tới việc đầu tư ra nước ngoài. Hiện tại, mới chỉ có nhà mạng KT hợp tác với hãng viễn thông EasTone của Đài Loan về 5G, trong đó công ty Hàn Quốc chịu trách nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng và bán nội dung. LG Uplus đang cung cấp hệ thống liên lạc cho tại Thái Lan.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE