Tâm điểm chứng khoán: "Hụt hơi" trước 1.200 điểm và áp lực bước qua tháng 8

Chuyên gia cho rằng thị trường đối diện nhiều rủi ro do đang ở vùng trũng thông tin, thiếu tin tích cực hỗ trợ trong khi có nhiều yếu tố bất lợi trên thế giới…
VN-Index gặp ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm
VN-Index gặp ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm

Chốt tuần qua, VN-Index vẫn chưa chinh phục được mốc 1.200 điểm với thanh khoản sụt giảm đáng kể so với các phiên trước. Có phải do hiện nay đang ở vùng trũng thông tin khi mà kết quả kinh doanh chưa được công bố nhiều, cộng thêm các yếu tố thế giới tác động? Bức tranh kinh doanh được công bố rộng hơn thời gian tới sẽ mang gam màu gì?…

Chúng tôi ghi nhận quan điểm của một số chuyên gia trong ngành xoay quanh các vấn đề trên:

Nhà đầu tư bị tâm lý khi tiếp nhận kết quả lợi nhuận doanh nghiệp

Ông Trương Hiền Phương, Chuyên gia cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Thị trường có vài phiên tích lũy tăng dần dù tốc độ tăng không cao, biên độ tăng cổ phiếu không nhiều, nhưng việc tăng giá lan tỏa nhiều cổ phiếu, nhiều ngành. Nhưng thị trường chưa tăng mạnh do bối cảnh thị trường hiện không quá nhiều thông tin tích cực, đâu đó còn nỗi quan ngại của nhà đầu tư về lạm phát kiểm soát ra sao.

Kế đến là thông tin ECB nâng lãi suất 0,75% sau thời gian dài duy trì lãi suất âm. Điều này làm cho nhà đầu tư thận trọng, e dè, dẫn tới phiên cuối tuần thiên về chốt lời ngắn hạn

Thị trường cũng đang ở vùng trũng thông tin. Về báo cáo kết quả kinh doanh, hiện chỉ một số ngành, doanh nghiệp công bố. Nhà đầu tư chưa mạnh dạn mua vào, giải thích vì sao thanh khoản sụt giảm, do nhà đầu tư chưa đủ thông tin tích cực thúc đẩy họ giải ngân.

Tôi đánh giá kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp vẫn là khả quan. Về cơ bản các doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận, chỉ có một vài doanh nghiệp tốc độ tăng trưởng bị âm so với cùng kỳ.

Tôi nhấn mạnh doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng âm nhưng vẫn có lãi. Vì 2021 so với 2020 tăng trưởng tốt nên 2022 so với 2021 tốc độ tăng trưởng không bằng. Đây là góc nhìn chứ không thực sự phản ánh doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hay quá khó khăn. Năm trước tăng trưởng quá mạnh, năm nay không vượt được nên nhìn vào thấy doanh nghiệp bị tăng trưởng âm.

Nhiều khi nhà đầu tư bị yếu tố tâm lý khi nhìn vào các thông tin đăng tải trên truyền thông, kể cả xem trực tiếp BCTC, báo cáo phân tích ghi nhận doanh nghiệp tăng trưởng bị âm, bị giảm, có động thái e ngại, thận trọng, lo lắng. Tôi nghĩ điều này sớm qua vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị như vậy. Có thể kể đến các ngành gặp vấn đề này như ngành chứng khoán, trong 2021 thị trường thanh khoản tăng mạnh nên lợi nhuận tăng cao; hay ngành thép trong 2021 tăng trưởng bùng nổ…

Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố khác bù vào quan ngại nêu trên. Cụ thể, qua tháng 8 nếu không có thay đổi quy trình thanh toán rút xuống T+2, làm cho thị trường sôi động hơn, nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi không phải nắm giữ cổ phiếu qua thêm 1 ngày, có thể đẩy mạnh vòng quay vốn…

Một thông tin nữa, trong thời gian tới NHNN có thể cân nhắc mở room tín dụng cho ngân hàng, một số dự báo có thể trong tháng 8…

Đó là những thông tin tích cực điều tiết lại những thông tin chưa được tích cực. Nhà đầu tư có thể phản ứng nhất thời, sẽ sớm gia tăng đầu tư vào thị trường trong thời gian tới.

Về việc room tín dụng 14%, không phải ngân hàng nào cũng còn dư room, có ngân hàng đã gần chạm ngưỡng chỉ tiêu tăng trưởng cả năm, một số chưa dùng hết room. Những ngân hàng nào chưa dùng hết room không gặp vấn đề. Với ngân hàng gần tới hoặc vừa chạm chỉ tiêu, họ sẽ tạm dừng cho vay mới, tập trung những khoản vay cũ, xử lý dư nợ nhóm nợ xấu, tạo khoảng trống room cho mình. Như vậy, sẽ có một số doanh nghiệp bất động sản vay ở ngân hàng gần chạm room thì gặp khó khăn. Một họ là phối hợp với ngân hàng xử lý khoản vay đến hạn, hai là đi tìm ngân hàng còn room.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể huy động vốn qua kênh trái phiếu. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ, Bộ Tài chính có hành động chấn chỉnh quyết liệt làm cho minh bạch, tuân thủ chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hoạt động phát hành trái phiếu vẫn là hợp pháp, thực sự là công vụ nợ giúp cho doanh nghiệp bất động huy động vốn. Điều quan trọng là doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích, đủ dòng tiền trả nợ cho trái chủ.

Tôi nghĩ trong tình huống này, các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có chiến lược kinh doanh phát triển đúng, các cơ chế quản trị dòng vốn tuân thủ chặt chẽ sẽ cân nhắc thêm sử dụng công cụ trái phiếu, bên cạnh đi vay ngân hàng.

Khó thì gặp khó ở một số doanh nghiệp chứ không phải toàn ngành gặp khó. Trong cái khó doanh nghiệp tìm hướng đi mới, như đề cập ở trên. Tựu chung lại vẫn có khó khăn nhất định nhưng không phải quá nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới ngành bất động sản.

Kỳ vọng định hướng trong quý 3 từ nhà điều hành

Ông Trần Hà Xuân Vũ, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, CTCK Rồng Việt (VDSC)

Mức 1.200 điểm hiện là mức kháng cự mạnh về mặt tâm lý, do đó thường sẽ xuất hiện tâm lý thận trọng khi VN-Index tiến về vùng này. Ngoài ra, diễn biến thiếu tích cực từ nhóm VIC, VHM hay một số cổ phiếu lớn khác cũng khiến cho nhóm VN30 bị ảnh hưởng từ đó kiềm mức tăng của VN-Index.

Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh quý 2 nhiều khả năng vẫn sẽ tích cực khi tăng trưởng kinh tế trong quý 2 cao. Sơ lược lợi nhuận nhóm ngân hàng – nhóm chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Trong nửa cuối năm, yếu tố lạm phát hay chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ là các yếu tố cần phải quan sát. Việc cấp thêm tín dụng cho nền kinh tế nửa cuối năm sẽ quyết định đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành 14% là mức mà chúng tôi kỳ vọng từ đầu năm, do vậy đây là tin tức phù hợp kỳ vọng nhưng cũng có phần tích cực nếu so sánh với việc thị trường đã lo ngại trong thời gian vừa qua về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng chung do các áp lực vĩ mô. Do vậy, tác động lên cổ phiếu ngân hàng và tâm lý thị trường là tích cực nhẹ.

Yếu tố còn chưa chắc chắn là thời điểm cấp hạn mức mới và việc phân bổ hạn mức còn lại cho các ngân hàng, vốn sẽ là điều các ngân hàng và nhà đầu tư đang rất quan tâm. Chúng tôi cho rằng khó để dự báo với độ chắc chắn cao về thời điểm nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhưng kỳ vọng sẽ có thêm tin tức về định hướng trong quý 3 từ nhà điều hành.

Không quá khả quan để kỳ vọng một đợt tăng lớn

Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)

Phiên cuối tuần vừa rồi, chỉ số VN-Index đạt 1.194 điểm, giảm nhẹ so với phiên trước đó, tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực thì chỉ số này đã có hai tuần tăng liên tiếp, điều này cho thấy có dòng tiền bắt đáy khi giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn. Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam tương tự với thị trường chứng khoán thế giới, cũng hồi phục khá trong hai tuần vừa rồi và hầu hết cũng giảm nhẹ vào phiên thứ 6 chốt tuần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn hiện nay đang chờ đợi xu hướng chủ đạo của thị trường thế giới sau kỳ họp nâng lãi suất của FED vào ngày 28/7 tới đây. Nếu như sau kỳ họp FED nâng lãi suất mà các thị trường chứng khoán đều tăng thì tôi cho rằng VN-Index cũng sẽ tiếp tục tăng và ngược lại.

Thị trường tăng lên cũng do kết quả kinh doanh quý 2 các doanh nghiệp không quá tệ trong khi giá cổ phiếu đã chiết khấu sâu. Tôi cho rằng nhà đầu tư đang sợ tháng 8 sắp tới là vùng trũng thông tin khi mà không có nhiều thông tin tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, xu hướng nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn và sẽ giải ngân khi giá cổ phiếu giảm sâu. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Bức tranh lợi nhuận quý 2 đã được hé lộ khá đầy đủ và cũng đi đúng với dự đoán của đại đa số nhà đầu tư, chỉ bất ngờ một vài doanh nghiệp lỗ lớn do đầu tư chứng khoán. Về mặt bằng chung, các doanh nghiệp hầu như đều có sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận riêng quý 2 thì đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại hoặc giảm tăng trưởng.

Hiện tại, các doanh nghiệp dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt thì cũng khó tăng giá cổ phiếu do định giá của các doanh nghiệp này bị hạ xuống thấp hơn. Ví dụ PE trung bình của VN-Index thời điểm 1.500 điểm là 16-17 lần, các doanh nghiệp tốt được định giá khoảng 20 lần thì bây giờ khi VN-Index còn 1.200 điểm, PE là 12-13 lần thì PE doanh nghiệp đó chỉ còn khoảng 16-17 lần, tương đương mức giảm khoảng 20% so với định giá trước đó.

Xét về triển vọng thị trường từ đây đến cuối năm, tôi cho rằng VN-Index sẽ đi ngang trong biên độ 1.100 – 1.300 điểm, còn các cổ phiếu phải có câu chuyện hấp dẫn thì mới có thể tăng mạnh trở lại được.

Để giải thích về điều này, trước hết chúng ta phải quan sát xu hướng lớn của dòng tiền trong nền kinh tế. Từ bây giờ đến cuối năm, FED sẽ họp 4 lần cụ thể là vào ngày 28/7, 22/9, 03/11 và 15/12, dự kiến nâng lãi suất từ 0,5 – 1% mỗi lần họp. Tức là xu hướng tiền gửi tiết kiệm ở mỗi quốc gia cũng sẽ tăng tương ứng từ 2-5%. Hiện tại các ngân hàng Việt Nam đều ghi nhận dòng tiền tiết kiệm đang tăng lên mạnh cho thấy nhà đầu tư đang ưa chuộng gửi tiết kiệm nhiều hơn là đầu tư vào các tài sản rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, vì vậy nếu nói về triển vọng 6 tháng cuối năm thì không quá khả quan để chúng ta có thể kỳ vọng một đợt tăng lớn.

Xét về xu hướng ngắn hạn hơn, tôi cho rằng tháng 8 sẽ là tháng thiếu hụt thông tin tích cực cho các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, vì vậy khả năng giá cổ phiếu sẽ giảm khá cao, đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư giá trị mua vào cổ phiếu ở vùng giá tốt. Ngành nghề có thể xem xét là ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi do lợi nhuận ổn định và giá chiết khấu sâu. Kế đến là dòng dầu khí, hưởng lợi nhờ vào việc giá dầu đang neo ở mức cao, ngành chứng khoán có thể kỳ vọng sẽ tăng trưởng do sẽ triển khai T+2 vào cuối tháng 8 năm nay.

Tôi cho rằng việc giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2022 ở mức 14% không phải thông tin quá xấu đối với ngành ngân hàng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng 14% so với năm cũ và mức tăng trưởng này cũng tương đương với các năm trước. Việc hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là ổn định do trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, nếu ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tín dụng sẽ gây áp lực lớn đến tỷ giá và lạm phát, việc này rõ ràng sẽ gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn.

Đọc tiếp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Từ ngày 8/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin (CBTT) một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chat với BizLIVE