Tâm điểm chứng khoán: Dòng tiền sẽ “lướt” nhanh

Nhận định từ giới chuyên môn, dòng tiền hiện xoay chuyển qua các nhóm ngành, chưa tìm được nhóm đủ sức dẫn dắt thị trường…
Từ trái qua: ông Trương Hiền Phương, ông Huỳnh Anh Tuấn, ông Phan Dũng Khánh
Từ trái qua: ông Trương Hiền Phương, ông Huỳnh Anh Tuấn, ông Phan Dũng Khánh

Sau khi hồi phục lên trên mốc 1.260 điểm, VN-Index tuần qua đã có lúc lên trên mốc 1.275 điểm. Tuy nhiên kết thúc tuần vẫn ở dưới vùng 1.270 điểm. Thanh khoản trong tuần qua nhích nhẹ so với tuần trước, nhưng vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể.

Việc sắp tới đây khi áp dụng giảm thời gian thanh toán về T+2 liệu có là chất xúc tác giúp thị trường sôi động? VN-Index có đủ sức vượt lên chinh phục 1.300 như nhiều kỳ vọng? Nhóm chiếm vốn hóa lớn - ngân hàng có “sáng” khi mà bức tranh tăng trưởng tín dụng chậm lại, room tín dụng chưa rõ có được nới?…

Nhịp sống doanh nghiệp xin ghi nhận nhận định của một số chuyên gia xoay quanh các nội dung trên:

Sẽ có những nhịp điều chỉnh

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Do thị trường đã tăng điểm liên tục, hồi phục từ dưới 1.200 lên gần vùng 1.300 điểm, nhiều mã cổ phiếu tăng một khoảng, về mặt kỹ thuật thị trường cần có nhịp điều chỉnh do một số nhà đầu tư chốt lời, một số nhà đầu tư e ngại.

Tuy nhiên tôi cho rằng thị trường khó có khả năng giảm sâu vì những thông tin tiêu cực ảnh hưởng tới thị trường đã dần qua đi, còn lại thông tin tích cực chờ đón phía trước. Lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh, việc làm mới là hơn 500.000 vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia, cho thấy kinh tế Mỹ chưa vào suy thoái như nhiều lo lắng.

Với vị thế là nền kinh tế đầu tàu của thế giới, với những tín hiệu trên, Fed sẽ có những quyết sách có tính mềm mỏng hơn, sẽ không đẩy lãi suất điều hành lên cao nữa, các quốc gia theo đó nhìn vào Fed mà không tăng mạnh lãi suất, giúp chi phí vốn giảm.

Trải qua mùa COVID, ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu bởi giá dầu tăng cao, một số vấn đề quan ngại như nền kinh tế thế giới, Mỹ, châu Âu suy thoái nhưng kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp Việt đa phần tăng trưởng, cho thấy sức bật của doanh nghiệp còn tốt. Tín hiệu từ quý 3 trở đi tích cực, cơ hội các doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, biên lợi nhuận tốt hơn.

Thị trường sắp tới sẽ có những nhịp điều chỉnh, sau đó lấy đà tích lũy tăng tiếp. Thực tế trong 2, 3 phiên gần đây đã có dấu hiệu điều chỉnh, VN-Index trong phiên có khi giảm 8,9 điểm, cuối phiên giảm ít hơn, thậm chí chuyển đỏ sang xanh, dấu hiệu cho thấy thị trường điều chỉnh theo hướng tích cực đi lên.

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN thận trọng cho nới room tín dụng. Việc tăng trưởng tín dụng chậm này là có lý do và phải chấp nhận. Hiện giờ các ngân hàng kiến nghị xin nới room tín dụng làm sao hỗ trợ cho không chỉ ngân hàng, mà doanh nghiệp được nâng room tín dụng. Sắp tới có thể NHNN cân nhắc nới thêm, có thể không nới toàn bộ mà mở một số ngân hàng hoạt động kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt, hay các ngân hàng tham gia tái cơ cấu. Tôi cho rằng sắp tới sẽ có sự cởi mở hơn.

Tôi cho rằng triển vọng vẫn sáng với cổ phiếu ngân hàng trong cuối năm. Dựa theo tình hình trong nước, thế giới, các ngân hàng sẽ sớm được mở room tín dụng. Khi đó tốc độ tăng trưởng, biên lợi nhuận của ngân hàng tốt hơn, cổ phiếu ngành này sẽ ổn.

Về việc hàng loạt ngân hàng phát hành tăng vốn vào cuối năm, tôi cho rằng rủi ro không nhiều. Việc tăng vốn đáp ứng nhiều tiêu chí như hệ số an toàn, tăng nguồn vốn cho ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu giảm bớt đi trên bảng cân đối tài sản. Rủi ro tăng vốn lớn khi mà ngân hàng không hoạt động hiệu quả. Trong khi hiện nay các ngân hàng hầu như sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích, không cho vay khách hàng rủi ro cao.

Các ngân hàng nếu được nới room sẽ có thêm nguồn vốn cho vay, cơ hội nhiều hơn dành cho phát triển kinh tế cuối năm. Bởi đặc thù văn hóa kinh doanh tại Việt Nam thì quý 3, 4 doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, việc tăng vốn ngân hàng cũng là để đón cơ hội này.

Với thông tin giảm thời gian thanh toán, trước đó VSD công bố chính thức áp dụng T+2 trong tháng 8 này. Khi quy trình thanh toán rút ngắn, nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro do không phải chờ đợi nhiều. Nhà đầu tư có thể bán được cổ phiếu sớm, có khả năng mua nhanh hơn, tốc độ vòng quay vốn, thị trường sôi động hơn. Tôi dự đoán thanh khoản sẽ tăng 20-30% tùy vào sự hưng phấn của thị trường, thông tin tích cực xung quanh.

Tôi nghĩ đây là điều tích cực cơ quan quản lý đã và đang làm cho thị trường chứng khoán. Xa hơn, đây là tiền đề tiến tới rút ngắn về T+0, đáp ứng được một trong những tiêu chí nâng hạng thị trường.

Dòng tiền xoay chuyển các nhóm, chưa tìm được nhóm dẫn dắt

Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á

Thị trường đang giao dịch trong vùng kháng cự 1.260-1.280 điểm, quanh vùng kháng cự tương đối mạnh. Hiện giờ có rất ít thông tin hỗ trợ cho thị trường, lợi nhuận doanh nghiệp đã công bố, tăng trưởng GDP quý 3 đã được dự báo, thông tin lạm phát ở Mỹ suy giảm có kích thích dòng tiền…

Có thể thấy tính thanh khoản thị trường bấp bênh không bền. Khi thị trường lên vùng quanh 1.270-1.280 điểm lập tức xuất hiện áp lực chốt lời khá mạnh, là một cản trở khi thị trường tăng lên vùng kháng cự, thanh khoản không đủ mạnh, về nguyên tắc thị trường có nhịp điều chỉnh để tích lũy lại.

Thứ hai trong suốt tuần qua hầu như thị trường giao dịch theo hướng không có dòng cổ phiếu nào đủ mạnh để dẫn dắt thị trường vượt qua vùng kháng cự. Đa số dòng tiền luân chuyển từ nhóm này qua nhóm kia, từ ngân hàng, bất động sản, rồi thủy sản… mỗi nhóm được một vài phiên, cuối cùng dòng tiền không tìm được nhóm đủ mạnh để vượt qua vùng kháng cự.

Diễn biến thị trường vừa qua theo mô hình phân phối nhẹ ở vùng kháng cự, cho nên kịch bản tuần mới khả năng thị trường lùi test lại vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm là phù hợp.

Về thông tin giảm thời gian thanh toán, tôi cho rằng có hai mặt. Điều này có thể giúp gia tăng thanh khoản, thay vì phải chờ đến ngày kế tiếp thì nhà đầu tư có thể bán trong phiên chiều. Nhưng trong trường hợp thị trường yếu thì áp lực chỉnh càng gia tăng hơn, gia tăng thanh khoản thì gia tăng lực bán.

Có điểm chúng ta có thể nhìn thấy, chính sách room tín dụng hiện đang bóp chặt, hầu như trong nhiều lĩnh vực, trong đó bất động sản chịu áp lực lớn. Trên thị trường, nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, trên 30%. Trong khi hai nhóm này lại chịu tác động mạnh từ room tín dụng bị kiểm soát chặt. Lợi nhuận của nhóm ngân hàng quý 3 có thể giảm mạnh so với quý 1 và 2.

Nhóm bất động sản hiện khát vốn, không chỉ gặp khó trong tiếp cận vốn ngân hàng mà việc phát hành trái phiếu cũng bị kiểm soát chặt. Cho nên ngoại trừ doanh nghiệp bất động sản có dòng tiền, sản phẩm tốt mới kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp không có sản phẩm tốt, dòng tiền yếu, nợ nhiều, thì cuối quý 3 đầu quý 4 chịu tác động lớn.

Nếu nhìn kết quả cho quý 3 đầu quý 4, bỏ qua tăng trưởng GDP thì thị trường có nhiều áp lực. Nhóm thủy sản, phân bón bị suy giảm từ tháng 4 khi giá cả đi xuống, đang trong giai đoạn tích lũy chưa thể quay trở lại vì các chính phủ trên thế giới ở trạng thái chống lạm phát quyết liệt.

Tôi nghĩ kịch bản thị trường điều chỉnh và đi ngang là phù hợp vì có nhiều rào cản vĩ mô cản trở. Chỉ số VN-Index khó bứt mạnh trên 1.300 điểm.

Dòng tiền sẽ di chuyển nhanh

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Việt Nam

Sau nhiều tuần tăng liên tục, hiện VN-Index tiến đến vùng kháng cực mạnh 1.280 điểm khiến thị trường liên tục thử thách vùng này nhiều ngày trong cả tuần trước nhưng không vượt qua được. Việc thị trường điều chỉnh tại vùng này cũng không có gì là xấu mà dễ chạy đà để vượt qua trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên đà phục hồi trong tháng 8 vẫn được xem là xu hướng tích cực ngắn hạn vì trung hạn áp lực lên thị trường vẫn còn lớn và sau 1 tháng "nghỉ ngơi" thì Fed sẽ họp lại vào tháng 9 trong bối cảnh lạm phát Mỹ, châu Âu đều còn cách rất xa so với mục tiêu.

Thông tin giảm thời gian thanh toán xuống T+2 đã có từ trước nhưng bây giờ mới chính thức thực hiện. Yếu tố này mang tính kỹ thuật nhiều, trong khi hiện nay nhà đầu tư quan tâm là lạm phát, lãi suất, suy thoái toàn cầu…

Với cổ phiếu ngân hàng, tôi không rằng có triển vọng tích cực ngắn hạn, trung hạn phải phụ thuộc vào những yếu tố nới room tín dụng và dòng tiền thị trường dù cải thiện nhưng vẫn còn cách rất xa với năm ngoái.

Về dòng tiền trên thị trường, theo tôi thấy dòng tiền sẽ di chuyển nhanh qua từng nhóm chứ khó có ngành cụ thể nào trụ tới cuối năm.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Từ ngày 8/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin (CBTT) một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

1 ngày ra 15 "án phạt" - số tiền gần 7 tỷ đồng

1 ngày ra 15 "án phạt" - số tiền gần 7 tỷ đồng

Chỉ trong ngày 7/2/2024, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông báo phạt đến 15 tổ chức, cá nhân vi phạm trên thị trường chứng khoán với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Chat với BizLIVE