Tâm điểm chứng khoán: Dòng tiền đang rút ra?

Chuyên gia cho rằng thị trường đang trong pha điều chỉnh lớn từ đầu năm, dòng tiền chỉ đang tạm thời rút ra…
Từ trái qua ông Đinh Quang Hinh, ông Lê Đức Khánh, ông Hoàng Anh Tuấn
Từ trái qua ông Đinh Quang Hinh, ông Lê Đức Khánh, ông Hoàng Anh Tuấn

Tuần qua, VN-Index tiếp tục xu hướng giảm điểm với 3 phiên đỏ và chỉ một phiên tăng. Đáng chú ý, thanh khoản trung bình chỉ hơn 20.800 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh hơn 24% so với mức trung bình 25.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.

Và đã gần một tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự thiếu vắng những phiên 30.000 tỷ đồng - quy mô rất bình thường chỉ vừa mới trước đó.

Diễn biến trên có khẳng định dòng tiền đã rút khỏi thị trường? Sau hai tuần liên tiếp, liệu xu hướng giảm của thị trường đã kết thúc? Nhà đầu tư nên hành động ra sao trong bối cảnh hiện nay?… Chúng tôi ghi nhận ý kiến một số chuyên gia.

ĐIỀU CHỈNH NGẮN HẠN LẠI LÀ CƠ HỘI CHO ĐẦU TƯ DÀI HẠN

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Đà giảm điểm của thị trường tuần qua một phần đến từ tâm lý thận trọng của giới đầu tư trong bối cảnh rủi ro thị trường gia tăng, làm hụt lực cầu trên thị trường. Hơn nữa, dòng tiền rút mạnh khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ khi các cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt đối với những giao dịch bất thường. Đà giảm giá mạnh của cổ phiếu đầu cơ đã kích hoạt làn sóng margin call tại các cổ phiếu này và để duy trì tỷ lệ an toàn tài sản đảm bảo, nhiều nhà đầu tư phải bán một số cổ phiếu khác trong danh mục.

Do đó, đà bán ra không chỉ trong nhóm cổ phiếu đầu cơ, mà còn lan ra một số nhóm cổ phiếu đại chúng, được nhiều nhà đầu tư nắm giữ như ngân hàng, thép, chứng khoán.

Động thái siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ và thông tin về một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý đã có tác động tâm lý tiêu cực đến một bộ phận nhà đầu tư và kích hoạt đà bán ra, qua đó khiến các chỉ số chứng khoán điều chỉnh ngắn hạn. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng những sự kiện trên chỉ tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng việc Chính phủ có những động thái quyết liệt trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng trên thị trường chứng khoán, bất động sản là hết sức cần thiết nhằm chấn chỉnh thị trường và phòng ngừa những rủi ro lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Do đó, nhìn về dài hạn, điều này sẽ giúp thanh lọc thị trường, đưa thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam hoạt động minh bạch, hiệu quả, đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô trong nước. Việc Chính phủ có những động thái quyết liệt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng là yếu tố tiên quyết giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán, giúp thị trường phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Trong tháng 3, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục lập đỉnh mới, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được củng cố.

Chúng tôi cho rằng đây không phải là lần đầu tiên thị trường có những đợt giảm điểm mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, qua mỗi lần giảm đó thị trường đều hồi phục và thiết lập những đỉnh cao mới. Do đó, nếu nền tảng vĩ mô vẫn được cải thiện tích cực trong những quý tới, lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2022 thì không có lý do gì phải quá bi quan về triển vọng của thị trường trong năm nay.

Nếu nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư dài hạn, việc điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt với giá hấp dẫn hơn và chờ đợi thời điểm những yếu tố cơ bản cải thiện được phản ánh vào giá cổ phiếu.

Nhìn theo phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index hiện tại vẫn đang trong xu hướng đi ngang từ đầu năm trong vùng 1.440-1.530 điểm. Trong ngắn hạn thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu thế đó. Nhà đầu tư có thể chủ động gia tăng tỷ trọng khi thị trường về cận dưới của kênh xu hướng và giảm tỷ trọng khi thị trường ở nửa trên của kênh xu hướng.

Lời khuyên quan trọng nhất cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại là ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin (tỷ lệ đòn bẩy), nếu margin cao thì nên chủ động hạ margin xuống mức an toàn để tránh lâm vào tình trạng "buộc phải bán ra-margin call" dẫn tới thiệt hại không đáng có.

Về nhóm ngành, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên nhóm cổ phiếu được hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại như giá hàng hóa tăng cao (xuất khẩu thủy sản, dệt may, đồ gỗ), môi trường lãi suất tăng (bảo hiểm), bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và logistic. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng đang giảm về vùng định giá hấp dẫn hơn và có thể mua tích lũy dần.

DÒNG TIỀN ĐANG TẠM THỜI RÚT RA

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Sau 2 tuần điều chỉnh, dấu hiệu tốt là VN-Index đã chững lại ở vùng 1.450-1.460 điểm. Tuy nhiên, đâu đó áp lực giảm tiếp vẫn còn vẫn hiện hữu. Các sự kiện không được nhà đầu tư không mong muốn khiến lực bán ra vẫn còn đeo bám ở một số cổ phiếu. Cùng với đó là dòng tiền cũng đang tạm rút ra khiến cho các nỗ lực trở nên khó khăn hơn.

Dù không mong muốn nhưng vẫn nên chừa lại kịch bản VN-Index có thể điều chỉnh xuống mức thấp hơn là về vùng 1.400-1.425 điểm, chạm xu hướng dài hạn tại đường MA200.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh vĩ mô, thị trường chứng khoán luôn đồng hành cùng nền kinh tế. Vĩ mô của chúng ta vẫn tích cực với triển vọng tăng trưởng GDP được các tổ chức quốc tế dự báo 6,5-6,8%. Các chủ đề như xuất nhập khẩu, đầu tư công, vốn FDI vẫn cho thấy bức tranh tươi sáng trong 3 tháng đầu năm.

Về bản chất, thị trường đang trong pha điều chỉnh lớn từ đầu năm. Quá trình này có thể kéo dài 3-6 tháng và hiện thị trường mới điều chỉnh được khoảng 3 tháng.

Theo đánh giá của tôi, dòng tiền tạm thời chỉ đang rút ra khiến giao dịch trong ngắn hạn kém sôi động. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn sẽ chờ giải ngân vào các cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn hơn. Xu hướng thị trường nhìn theo tháng hoặc theo tuần không hề xấu đi.

Cùng với đó, cơ hội thực tế vẫn có cho nhiều nhóm ngành cho câu chuyện tích cực như Dệt may, Bất động sản Khu Công nghiệp, Thủy sản, Bảo hiểm, Tiện ích, Công nghệ, Bán lẻ, Năng lượng. Đây chính là những điểm sáng giúp cho thị trường không quá tiêu cực trong 2 tuần vừa qua.

Với nhóm ngành Bất động sản, dù có nhiều quan điểm lạc quan nhưng tôi không đánh giá cao nhóm này. Do việc định giá tài sản và dòng tiền của các doanh nghiệp này thực sự không dễ dàng. Việc hạch toán doanh thu và lợi nhuận có thể không theo kịp chuyển động giá cổ phiếu. Thị giá của nhiều cổ phiếu thậm chí đã đi xa so với giá trị thực sự của doanh nghiệp.

Chỉ có những doanh nghiệp có quỹ đất lớn, triển vọng kinh doanh rõ ràng mới nên xem xét đầu tư. Còn về bức tranh chung, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu leo thang, lãi suất không còn rẻ khiến cho dòng tiền của các doanh nghiệp không thực sự khả quan.

Nhìn chung, thị trường sẽ tiếp tục phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn lẫn nhóm Midcap và Penny. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu Midcap và Penny có thể sẽ đi ngang hoặc điều chỉnh mạnh hơn các cổ phiếu lớn.

DÒNG TIỀN DỄ DÃI - THÔNG MINH - KHÓ TÍNH

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, Công ty Chứng khoán MB

Thị trường hiện nay đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều thông tin ví dụ như Fed sắp tới sẽ nâng lãi suất (ảnh hưởng tiêu cực dài hạn), ngoài ra còn bị ảnh hưởng bởi các thông tin như siết dòng vốn vay vào bất động sản, các thông tin bắt bớ lãnh đạo và nhất là sắp vào tháng 5 - "Sell in May and go away"…

Vì vậy xu hướng giảm điểm kèm call margin là có thể xảy ra và cũng là nỗi lo ngại của nhiều nhà đầu tư khiến họ bán trước cổ phiếu. Thanh khoản giảm là do nhà đầu tư không bán ra cắt lỗ, do trước đó đã quen với trạng thái gồng lỗ, sau đó có lợi nhuận. Thói quen này dễ làm cho các khoản lỗ ngày càng lớn, từ đó gây thiệt hại lớn hơn cho nhà đầu tư.

Thị trường tuần mới, tôi cho rằng chưa có nhiều khởi sắc do các thông tin tiêu cực vẫn đang ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn. Điển hình cho thông tin tiêu cực trong dài hạn đó chính là Fed sẽ họp và nâng lãi suất vào ngày 5/5 sắp tới khiến cho các dòng vốn vào thị trường chứng khoán đều đang e ngại trên toàn thế giới. Còn các thông tin tiêu cực trong ngắn hạn ví dụ như siết dòng vốn vào bất động sản hoặc các thông tin bắt bớ chỉ ảnh hưởng tới một nhóm cổ phiếu nhất định. Còn lại các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc khôi phục nền kinh tế hoặc hưởng lợi từ lạm phát (giá bán tăng kéo theo doanh thu, lợi nhuận tăng), thường tập trung vào nhóm sản xuất, xuất khẩu có nền tảng cơ bản tốt thì vẫn tiếp tục được dòng tiền chú ý tới và có khả năng tiếp tục tăng giá.

Thị trường hiện tại được trợ lực sẽ chủ yếu từ các thông tin tích cực từ đại hội cổ đông, thông tin tích cực quý 1, kế hoạch năm 2022 tăng trưởng. Các thông tin này hầu như nằm ở các cổ phiếu bluechip.

Tôi cho rằng chỉ dòng tiền thông minh mới rút ra khỏi thị trường thôi. Khi những nhà đầu tư kỳ cựu, người ta thấy trước diễn biến tiêu cực của thị trường, họ đã bán ra và đang quan sát thị trường, đợi chờ những đợt call margin, giảm mạnh để mua lại những cổ phiếu đã bán ra trước đó. Còn dòng tiền “dễ dãi” đang lỗ 20-30% thì đang đi cầu cứu các chuyên gia để hi vọng gỡ được các khoản lỗ. Tuy nhiên, khi họ nhận thấy chuyên gia không khác người bình thường là mấy, họ sẽ cố gắng trở nên “thông minh”. Tôi cho rằng đó là sự chuyển biến từ “dễ dãi” thành thông minh và sẽ “khó tính” hơn trong việc đầu tư sau này.

Trong bối cảnh thị trường đang trong xu hướng giảm như hiện nay, tôi nghĩ nên sử dụng chiến thuật đánh nhanh rút gọn. Có nghĩa là nhà đầu tư sẽ giải ngân vào thời điểm thị trường sụt giảm mạnh, sau đó bán ra ở những điểm hồi phục. Lợi nhuận có thể đạt được từ 3 - 5 % trong ngắn hạn.

Các cổ phiếu nên lựa chọn, tôi cho rằng đó là nhóm cổ phiếu bluechips, nhóm dầu khí, ngân hàng, bán lẻ, các cổ phiếu sản xuất được hưởng lợi khi kinh tế phục hồi. Hạn chế bắt đấy các cổ phiếu có tin xấu hoặc đã gãy trend. Tuyệt đối không sử dụng phương pháp trung bình giá xuống để mua cổ phiếu. Tuyệt đối không sử dụng margin để mua cổ phiếu.

Đọc tiếp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Từ ngày 8/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin (CBTT) một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chat với BizLIVE