Tâm điểm chứng khoán: Định giá đã đủ rẻ, thị trường cân bằng ở vùng 1.200?

Mức P/E 13 lần đã đủ rẻ, thị trường liệu còn giảm về vùng giá bao nhiêu và nếu hồi phục, mức độ hồi phục đến đâu? 
P/E thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 13 lần (Ảnh minh họa)
P/E thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức 13 lần (Ảnh minh họa)

Một tuần giao dịch để lại tổn thất rất lớn cho nhiều tài khoản chứng khoán khi cả 2 chỉ số đều giảm hơn 11%. Nếu tính từ đỉnh, thị trường Việt Nam đã bước vào thị trường "con gấu".

Định giá liệu đã đủ rẻ hay còn có thể rẻ hơn nữa? Biến số nào sẽ cần phải lưu ý thêm khi thị trường đã chiết khấu hơn 20%? Nhà đầu tư nên giữ nhóm cổ phiếu qua chu kỳ?... Chúng tôi ghi nhận ý kiến một số chuyên gia.

Chứng khoán thế giới giông bão, Việt Nam vào vùng mây mù

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)

Sau khi thị trường điều chỉnh hơn 20% và rơi vào trạng thái "thị trường con gấu", câu hỏi đã tạo đáy hay chưa được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo tôi, việc thị trường tạo đáy cần hiểu một cách đơn giản là sự cân bằng giữa việc mua bán, đặc biệt là việc triệt tiêu đi hết áp lực margin.

Xét về yếu tố định giá, mức PE khoảng 13 lần là tương đối tốt. Tuy nhiên, cần phải theo dõi tới yếu tố quốc tế. Liệu quốc tế có rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Trong 6-12 tháng, sẽ có câu trả lời rõ ràng.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng, trạng thái thị trường chứng khoán thế giới đã ở trong giông bão với lạm phát cao, lãi suất tăng, trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng liên tục tăng mạnh. Nếu suy thoái xảy ra thì công cụ chính sách tiền tệ cũng gặp khó trong việc bơm tiền trở lại.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng tốt ít nhất là trong quý 1/2022. Tuy nhiên, khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu thì chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng. Thị trường chứng khoán Việt Nam do đó đang ở trong "mây mù".

So với 1 tháng trước, bức tranh đã thay đổi hoàn toàn và quá nhanh. Đồng Nhân dân tệ đã giảm 6% và VNĐ cũng chịu áp lực giảm 1-2% để đảm bảo sự cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu. Cùng với áp lực lạm phát vẫn còn đó.

Trong báo cáo đầu năm, chúng tôi đưa ra mức PE thận trọng khoảng 16,5 lần. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu khủng hoảng được kiểm chứng trong thời gian tới, mức PE có thể sẽ phải hạ xuống. Trước mắt, chúng tôi vẫn chưa có sự điều chỉnh.

Dù vậy, đây chỉ là định giá kỳ vọng còn mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn có thể đạt 20-25% nhờ triển vọng vĩ mô sáng trong năm 2022.

Thực sự, việc đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư giai đoạn này là rất khó với nhiều chuyên gia ở thời điểm hiện tại. Nếu nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu cơ bản và không chịu áp lực margin thì việc giữ cổ phiếu qua chu kỳ này lại không phải xấu. Thị trường qua đi cơn bĩ cực sẽ lại đến hồi thái lai.

Tuy nhiên, nếu như danh mục nhiều cổ phiếu thị trường có thể chịu tác động tiêu cực của suy thoái thì phải suy nghĩ lại.

Việc bắt đáy nếu có cũng chủ yếu canh hồi là bán chứ không phải hồi lên để mua. Đâu đó, có thể tìm kiếm các cơ hội đã chiết khấu 60-70% để trung bình nhưng cũng nên giảm tỷ trọng khi giá bật lên các ngưỡng kháng cự.

Theo tôi, nhà đầu tư đang có tiền không nhất thiết phải tham gia ngay khi thị trường xuất hiện đáy. Thay vì mua tại vùng đáy, có thể hy sinh 10-20% cơ hội kiếm lợi nhuận nhưng kiểm chứng được khả năng hồi phục và sự trở lại của dòng tiền. Ở thời điểm hiện tại, việc tham gia vẫn là rất rủi ro.

Kỳ vọng vùng 1.200 sẽ cân bằng

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Thị trường đầu tuần mới có thể sẽ còn tiếp tục chịu nhiều biến động. Mốc hỗ trợ 1.200 điểm lại trở thành vùng kháng cự của chỉ số, do đó sẽ có rung lắc xảy ra khi VN-Index tiệm cận về vùng này. Trên đồ thị tuần đang xuất hiện cây nến đỏ Marubozu cho thấy phe bán đang chiếm ưu thế áp đảo, lực cầu không hề tham gia hoặc chỉ tham gia mua yếu ớt.

Ngoài ra, tuần mới cũng là tuần diễn ra phiên đáo hạn phái sinh, do đó khả năng cao có nhiều diễn biến bất thường. Nhất là trong giai đoạn thị trường chứng khoán phái sinh đang được nhiều nhà đầu tư chú ý và tham gia. Dự báo đầu tuần VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.150 điểm sau đó phục hồi lên quanh vùng 1.200 điểm vào cuối tuần.

Việc khối ngoại trở lại mua ròng là một tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán trong nước, khi đa số các thị trường trong khu vực đang chịu bán ròng thì Việt Nam lại là một trong những thị trường hiếm hoi dòng vốn ngoại vẫn hoạt động tích cực. Từ đầu tháng 4 vừa rồi nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 5.500 tỷ trên sàn. Đóng góp chính đến từ các quỹ ETF, trong đó chủ đạo là dòng vốn đến từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).

Vì vậy, xu hướng dòng tiền khối ngoại sắp tới sẽ phân hóa theo các cặp tiền tệ chủ chốt. Dòng vốn đến từ Mỹ có thể tiếp tục gặp áp lực và bán ròng tại Việt Nam khi USD đang lên giá mạnh. Ngược lại đồng VND vẫn đang giữ giá khá tốt, thậm chí tăng giá so với EUR và đồng tiền các khu vực châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).

Tôi kỳ vọng dòng vốn đến từ các quốc gia này sẽ tiếp tục được thu hút để đón đầu xu hướng đẩy mạnh đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hồi phục sau COVID tại Việt Nam. Ngoài ra, UBCKNN gần đây cũng đã thông báo sẽ đẩy nhanh các biện pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, giúp tăng tính hấp dẫn với nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Sau khi tạo đáy, VN-Index sẽ hồi phục rất mạnh trong 2-3 tuần

Ông Dương Văn Chung - Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Dài hạn, tôi dự báo chúng ta đang vào nhịp kết thúc 1 chu kỳ kinh tế rất lớn kéo dài từ 2000 đến nay. Chu kỳ gần nhất là từ 2/2009 đến nay. Do là chu kỳ lớn nên nhịp giảm sẽ không thể kết thúc 1 sớm 1 chiều được mà phải tính bằng quý, năm. Từ 2/2009 đến nay toàn cầu Uptrend chủ yếu là do bơm tiền hậu khủng hoảng 2008, đáng nhẽ chu kỳ đó phải kết thúc từ 2020 rồi nhưng do dịch bệnh nên toàn cầu lại phải thúc thêm 1 gói kích thích bơm tiền nữa nên lượng tiền bơm ra nền kinh tế quá mức dẫn đến 1 Uptrend Thịnh Vượng Ảo. Thị trường lên bằng bơm tiền thì khi không bơm tiền nữa và rút tiền đi thị trường giảm là đương nhiên. Nếu nhìn theo cách tiếp cận chu kỳ này thì VN-Index sẽ phải về vùng 1.000

Tuy nhiên Downtrend cũng giống như Uptrend. Khi thị trường xuống thì sẽ không xuống thẳng băng vì không phải tất cả nhà đầu tư đều nghĩ về kịch bản đó và sẽ có những cầu bắt đáy đầu cơ ngắn hạn làm thị trường xuất hiện các nhịp sóng hồi rất mạnh dưới dạng giảm sâu, bật mạnh.

Theo cách tiếp cận sóng Elliot thì tôi dự báo rằng, trong ngắn hạn VN-Index sẽ tạo 2 đáy tại 1.150 – 1.160 vào tuần này dưới dạng 2 phiên đầu tuần phục hồi và giảm lại sau đó tạo đáy 2 sau 19/5 tại 1.150 – 1.160. Sau khi tạo đáy tại đây VN-Index sẽ hồi phục rất mạnh liên tục trong 2 - 3 tuần với nhiều mã hồi 25 - 40% tính từ đáy.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE