Tâm điểm chứng khoán: Điểm bất hợp lý ở hiện tượng bán tháo

Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư bị rơi vào trạng thái giao dịch theo cảm tính, bầy đàn hơn là phân tích cơ bản. Đồng thời đánh giá đây là cơ hội mua vào cổ phiếu tốt với giá rẻ cho đầu tư trung, dài hạn.
Từ trái sang: ông Trương Hiền Phương, bà Nguyễn Thị Phương Lam, ông Hoàng Anh Tuấn
Từ trái sang: ông Trương Hiền Phương, bà Nguyễn Thị Phương Lam, ông Hoàng Anh Tuấn

Đóng cửa tuần trước, VN-Index giảm về gần hơn ngưỡng 1.200 điểm khi lực bán ra tăng mạnh. Các lý giải được đưa ra liên quan chủ yếu tới động thái nâng lãi suất của FED trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao.

Tuy nhiên, chuyên gia trong nước cho rằng nhà đầu tư Việt có phần cảm tính, bán tháo cổ phiếu khi kinh tế trong nước ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, hoạt động của doanh nghiệp phục hồi tốt sau đại dịch…

Nhà đầu tư đang giao dịch cảm tính, bầy đàn

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam

Thị trường vừa rồi trải qua đợt biến động khá mạnh theo khuynh hướng giảm, nguyên nhân chính đến từ tâm lý nhà đầu tư trước tin FED tăng lãi suất 0,75% là mức cao nhất 30 năm.

Khi thông tin dự đoán chính xác, thị trường Mỹ giảm 3-4%, là mức giảm lớn. Điều này dẫn tới tâm lý nhà đầu tư Việt Nam quan ngại, lo lắng theo. Khi FED chính thức công bố nâng lãi suất, thị trường tăng điểm trở lại. Thị trường Việt ngày hôm sau cũng tăng điểm tốt. Nhưng sau đó thị trường quay lại với sự lo lắng.

Lãi suất của Mỹ là một trong kim chỉ nam toàn cầu. Các NHTW ở các quốc gia khác trong đó có Việt Nam sẽ phải cân nhắc tăng tương ứng FED. Việc tăng lãi suất dẫn tới chi phí vốn toàn cầu tăng cao, biên lợi nhuận giảm.

Điều nhà đầu tư quan ngại nữa, Khi FED tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, dẫn tới dòng tiền đầu tư ở quốc gia mới nổi quay về đầu tư tại Mỹ.

Ngoài ra, khi thị trường có những phiên giảm nhanh mạnh, 1, 2 phiên sau đó xảy ra hiện tượng force sell, các nhà đầu tư không thu xếp được tiền bị bán giải chấp. Dù margin hiện không còn cao như trước, không nhiều nhà đầu tư bị bán giải chấp nhưng cũng góp phần khiến thị trường bị giảm.

Yếu tố nữa là sự tham gia bán xuống của nhà đầu tư lớn. Đây là chiến lược đầu cơ giá xuống. Nhà đầu tư lớn đôi khi chỉ kinh doanh một vài mã, khi họ nhận thấy thị trường khó có khả năng tăng, họ chấp nhận bán trước. Họ bán chủ động ở vùng giá cao, khi giá sụt sâu, nhà nhỏ lẻ bán ra hoặc bị bán giải chấp thì nhà đầu tư lớn mua lại. Điều này cũng góp phần làm thị trường giảm giá.

Theo tôi thị trường đang diễn biến thông qua các yếu tố chính này, không phải do vấn đề nền kinh tế xấu, các doanh nghiệp làm ăn không tốt mà mang tính tâm lý của nhà đầu tư, phản ứng theo bầy đàn, thấy thế giới bán nên bán theo.

Những vấn đề như lạm phát, kinh tế trở nên khó khăn hơn khi FED tăng lãi suất. Nhưng thực tế cho thấy, tới nay tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam không ở mức cao, chưa tới mức đáng lo ngại. Nếu lạm phát tại Mỹ hơn 8%, ở Việt Nam thống kê sơ bộ nằm ở dưới 3%. Đầu năm, Quốc hội thống nhất con số 4%. Và cuối tuần qua, Phó thống đốc NHNN cũng chia sẻ chúng ta có thể kìm chế lạm phát ở quanh mức 4%.

Cộng thêm lãi suất ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động có khuynh hướng nhích dần lên nhưng không tăng nhiều như ở Mỹ. Nguyên nhân chính lạm phát là do lạm phát chi phí đẩy, do giá dầu mỏ, khí đốt tăng cao dẫn tới chi phí vận chuyển tăng, đẩy giá cả hàng hóa khác tăng.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp như bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường... Nếu được thông qua sẽ kéo giá xăng dầu trong nước xuống.

Với những giải pháp đồng bộ, chính sách uyển chuyển của Chính phủ, NHNN thì nỗi lo lạm phát để khiến nhà đầu tư phản ứng mạnh, bán tống bán tháo trên thị trường tôi cho là không hợp lý lắm. Nhà đầu tư nên cân nhắc giữa vấn đề bất lợi và có lợi.

Trong vài tháng thị trường trải qua 2 đợt sụt giảm. Đợt một kéo dài từ tháng 4 tới gần cuối tháng 5, thị trường sụt giảm sâu dài, từ vùng 1.500 điểm xuống dưới 1.200 điểm. Thị trường có một đợt hồi lên trên 1.200, tới khi FED tăng lãi suất thị trường lại sụt giảm mạnh. Đợt giảm thứ hai này khá mạnh. Tạo cho nhà đầu tư tâm lý thị trường vào đợt sụt giảm tiếp.

Nhưng tôi nhắc lại, đợt thứ 2 này chủ yếu liên quan tâm lý, nhà đầu tư trong nước thấy thế giới bán tháo cũng bán tháo. Tâm lý cộng với yếu tố kỹ thuật mà không đến từ nội tại kinh tế trong nước hay hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp. Nhà đầu tư đang bị rơi vào đầu tư theo cảm tính, bầy đàn hơn là phân tích cơ bản. Thị trường bị bán tháo bởi các yếu tố tôi đề cập trên.

Có thể thị trường còn chịu sụt giảm vài đợt nữa, vì đến từ chủ quan của nhà đầu tư cá nhân. Nhưng tôi nghĩ yếu tố không dựa trên nền tảng chuẩn mực thì sẽ sớm dừng lại, thị trường sẽ sớm bình ổn trong thời gian tới. Khi kết quả kinh doanh quý 2 công bố, có thể nhà đầu tư bình tâm trở lại, thay đổi quan điểm, đẩy mạnh mua vào thay vì bán ra.

Không nên FOMO

Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích, CTCK Rồng Việt (VDSC)

Việc lạm phát tăng mạnh cũng dẫn đến kỳ vọng FED nâng lãi suất điều hành cao hơn mức dự báo trước đó là 0,5 điểm cơ bản. Thực tế FED đã nâng lãi suất điều hành thêm 0,75%.

Đối với Việt Nam, yếu tố lạm phát đến từ giá hàng hóa, biến động giá dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí hàng hóa tăng cao và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của NHNN sắp tới. Chính vì thế diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có phản ứng tiêu cực như với thị trường chứng khoán thế giới.

Xét về thông tin đến cuối tháng 6, thị trường hầu như không còn thông tin tích cực để hỗ trợ. Nhưng thông tin tiêu cực cũng không thấy quá tiêu cực để dẫn đến bán tháo mạnh. Thị trường trong những phiên tới có thể cân bằng hơn và có thể có những phiên tiêu cực cũng có phiên xanh, phiên đỏ.

Đầu năm, VDSC dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của thị trường là trên 22% được đóng góp chủ yếu bởi ngân hàng và bất động sản, các nhóm khác vẫn ở mức thận trọng, bao gồm kỳ vọng chi phí nguyên vật liệu, logistics của doanh nghiệp sẽ tăng trong năm nay. Cho nên mức điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận ở nhóm doanh nghiệp phi tài chính không đáng kể. Vì nhóm này không chiếm tỷ trọng lớn trong bộ chỉ số nên việc điều chỉnh giảm ở nhóm này không ảnh hưởng quá nhiều đến EPS chung của thị trường.

Đối với hai nhóm ngân hàng và bất động sản, chúng tôi vẫn giữ mức đánh giá tăng trưởng lợi nhuận tích cực của ngân hàng, vì kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức 14% và NIM của các ngân hàng vẫn duy trì ổn định mà không bị giảm, nhất là chi phí tín dụng có thể giảm do nhiều ngành nghề đã đi vào hoạt động trở lại. Do đó, lợi nhuận ngân hàng có thể duy trì tăng trưởng 2 chữ số.

Đối với bất động sản có thể có nhiều yếu tố bất ngờ hơn và tính mùa vụ rơi vào quý 4. Với định hướng chính sách tiền tệ hiện tại, tăng trưởng lợi nhuận ở các doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch bán sỉ dự án hoặc bán sỉ đất sẽ khó hoàn thành kế hoạch hơn so với các doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, đặc điểm của các doanh nghiệp bất động sản sẽ phụ thuộc vào tiến độ thi công công trình và khả năng bàn giao nhà đúng hạn nhiều hơn, nên diễn biến lạm phát có thể làm chậm lại tiến trình thi công của các doanh nghiệp, mức điều chỉnh dự báo lợi nhuận doanh nghiệp bất động có thể nhiều hơn so với mặt bằng chung trên thị trường.

Tăng trưởng EPS nhìn chung trong năm nay là 20% và P/E thị trường là 13 lần. Xét trong mức P/E của thị trường trong nhiều năm gần đây thì đang là mức P/E hấp dẫn. Tuy nhiên, nhóm ngành, cổ phiếu sẽ có sự phân hóa, chọn lọc.

Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường năm 2021 tương đối cao, trên 20.000 tỷ đồng/phiên. Trong giai đoạn hiện tại chúng ta không nên kỳ vọng thanh khoản thị trường sẽ phục hồi về mức cũng như năm 2021, đặc biệt là trong ngắn hạn. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lạm phát không rõ đã đạt đỉnh hay chưa hay chu trình tăng lãi suất vẫn còn, việc mua bán trong hiện tại không nên FOMO mà cần sự tìm hiểu, phân tích kỹ.

Hiện, việc nhà đầu tư nên chú ý nhóm ngành nào sẽ phụ thuộc vào mục đích của nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường. Giai đoạn hiện tại không phải giai đoạn “ăn xổi ở thì” mà là giai đoạn phải chắt lọc để tìm ra cơ hội đầu tư trung và dài hạn. Vì Việt Nam là nước có tăng trưởng tốt nên việc các nhóm ngành hiện tại có thể hưởng lợi như bất động sản khu công nghiệp, sản xuất, dệt may, thủy sản, ngân hàng, hàng tiêu dùng thiết yếu và bán lẻ vẫn đang trong xu hướng tăng và có kỳ vọng tăng trưởng cao theo tăng trưởng nền kinh tế.

Cơ hội cho F1 gom cổ phiếu tốt ở vùng giá rẻ

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư KHCN cao cấp, CTCK MB (MBS)

Phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đã về ngưỡng 1.217 điểm, giảm 67 điểm so với tuần trước, khép lại một tuần biến động mạnh. Tuần này với các sự kiện lớn như FED nâng lãi suất 0,75% hay ngân hàng ECB cũng đã bắt đầu nâng lãi suất, ngày đáo hạn phái sinh hay kể tới việc các quỹ ETFs cơ cấu danh mục.

Đã có thời điểm VN-Index mất ngưỡng 1.200 điểm nhưng may mắn là đều vá đáy thành công, đây là điểm tích cực của thị trường. Cổ phiếu trên sàn đã có sự phân hóa mạnh. Dòng tiền tập trung vào ngành bán lẻ, năng lượng và công nghệ, dòng tiền tiếp tục rút mạnh ra khỏi dòng bất động sản, chứng khoán và ngân hàng.

Tôi cho rằng xu hướng thị trường trong thời gian tới chủ yếu là đi ngang trong khoảng 1.100 – 1.300 điểm. Thị trường sẽ ổn định dần sau mỗi cuộc họp FED, nhưng sẽ biến động mạnh trước cuộc họp kế tiếp của FED.

Các cổ phiếu trên sàn cũng sẽ phân hóa mạnh, doanh nghiệp nào có kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ tiếp tục được dòng tiền ưu ái và có khả năng tăng tốt. Ngược lại, các doanh nghiệp lỗ hoặc giảm tăng trưởng so với cùng kỳ thì sẽ bị bán ra mạnh.

Bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 năm nay ưu ái các doanh nghiệp thuộc nhóm dầu khí, bán lẻ, tiêu dùng, năng lượng. Đây là nhóm ngành năm 2021 đã bị ảnh hưởng, 2022 sẽ là năm tăng trưởng tốt của các nhóm ngành này. Ngược lại, dòng chứng khoán, ngân hàng, bất động sản hưởng lợi từ dòng tiền giá rẻ, đã hình thành bong bóng tài sản năm 2021 thì năm 2022 này sẽ bất lợi.

P/E thị trường Việt Nam rõ ràng đang ở vùng hấp dẫn khi mới chỉ đang ở ngưỡng 11-12. Tuy nhiên, lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn trong năm 2022 sẽ khó tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2021, vì vậy ngưỡng P/E này dường như chưa quá hấp dẫn. Cùng với việc lãi suất gửi tiết kiệm đang có xu hướng tăng lên cao hơn, dòng tiền sẽ khó bị hút sang các kênh đầu tư vào tài sản rủi ro khác như chứng khoán.

Tuy nhiên, chứng khoán vẫn sẽ có những thuận lợi riêng trong trung dài hạn do đây là kênh được chính phủ chú trọng phát triển. Tiềm năng thị trường T2, T0 sẽ tiếp tục hút nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường. Thời điểm F0 tham gia nhiều vào thị trường tôi nghĩ là thời điểm thị trường tăng mạnh trở lại, các kênh thông tin tiếp tục đăng các thông tin tốt, thị trường tăng điểm liên tục, dễ dàng kiếm lợi nhuận…. Còn bây giờ, thị trường đang giảm sẽ là cơ hội cho F1 gom cổ phiếu tốt ở vùng giá rẻ.

Về dữ liệu mở tài khoản mới có tăng, tuy nhiên cần phải làm rõ đây là tài khoản tới từ nhà đầu tư mới hay chỉ là chuyển dịch các nhà đầu tư F1 từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác. Khi thị trường giảm, lượng nhà đầu tư dịch chuyển cũng lớn không kém do khách hàng không hài lòng với phương pháp tư vấn của broker trước đó, dẫn tới việc chuyển sang broker mới ở công ty chứng khoán mới, làm cho số lượng tài khoản mở mới có vẻ tăng tốt nhưng thực tế thì lượng nhà đầu tư mới tăng lên không đáng là bao.

Vấn đề tiếp theo đó chính là giá cổ phiếu đã giảm đáng kể, giả sử cùng là giao dịch 100 triệu cổ phiếu / phiên, nhưng bây giờ giá cổ phiếu chỉ còn ½ vùng đỉnh thì thanh khoản cũng chỉ bằng một nửa vùng đỉnh thôi. Vấn đề cuối cùng chính là tiền trong tài khoản nhà đầu tư đã teo tóp do đầu tư lỗ và âm vào vốn, không còn dồi dào như trước nên cũng làm cho thanh khoản giảm xuống.

Tôi cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, các ngành nghề có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong năm 2022 so với năm 2021 sẽ nhận được sự quan tâm. Đó chính là các ngành tiêu dùng, sản xuất, xuất khẩu, năng lượng, dầu khí, bán lẻ, công nghệ, du lịch, hàng không. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đều sẽ tăng trưởng tốt trong 2022 do năm 2021 đã bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.

Đọc tiếp

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I, Chứng khoán DNSE tăng doanh thu 21% so với cùng kỳ

Quý I/2024, Chứng khoán DNSE ghi nhận doanh thu tăng 21%, lợi nhuận sau thuế tăng 78% so với cùng kỳ, đồng thời tiếp tục thuộc top dẫn đầu thị phần tài khoản mở mới, chiếm 30% tổng số tài khoản mở mới toàn thị trường.

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

HOSE đã lên lịch chuyển đổi sang KRX

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã gửi thông báo đến các CTCK về kế hoạch triển khai chính thức KRX, dự kiến ngày 2/5 sẽ chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới.

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Chat với BizLIVE