Tại sao khủng hoảng năng lượng sẽ trầm trọng hơn đối với châu Âu trong năm 2023?

Mùa Đông 2022-2023 trôi qua hoàn toàn không đồng nghĩa với việc khủng hoảng năng lượng cũng kết thúc.
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền tây nước Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm khí đốt ở Werne, miền tây nước Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tạp chí La Tribune nhận định, sau tháng 3/2023, khi mùa Đông kết thúc, khủng hoảng khí đốt vẫn sẽ tiếp diễn ở "lục địa Già" thậm chí ở mức độ nghiêm trọng hơn. Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ thiếu hụt gần 30 tỷ m3 khí đốt tự nhiên, tương đương hơn 6,5% tổng lượng tiêu thụ năm 2021.

Nhiệt độ càng giảm thì nỗi lo thiếu khí đốt hoặc điện trong những tuần tới tại EU càng tăng do nhu cầu sưởi ấm không thể kiểm soát. Mùa Đông 2022-2023 trôi qua hoàn toàn không đồng nghĩa với việc khủng hoảng năng lượng cũng kết thúc.

Ngược lại, điều tồi tệ nhất thậm chí sẽ xảy ra nếu EU không nỗ lực gấp đôi để đảo ngược xu hướng. Vậy điều gì đang đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp châu Âu và làm tăng áp lực lên các hộ gia đình trong năm tới.

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU sẽ "đối mặt với khả năng thiếu hụt gần 30 tỷ m3 khí đốt tự nhiên vào năm 2023", tức là hơn 6,5% tổng lượng tiêu thụ của khối này trong năm 2021 (412 tỷ m3).

Sẽ có một "khoảng cách nghiêm trọng" giữa cung và cầu nếu lượng khí đốt nhập bằng đường ống từ Nga giảm xuống mức 0 vào năm 2023 và nhu cầu khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Trung Quốc tăng trở lại như trong năm 2021.

Theo kịch bản này, châu Âu sẽ không còn có thể dựa vào nguồn cung từ Nga để bổ sung kho dự trữ trước mùa Đông cuối năm 2023 như đã làm trong năm nay bất chấp xung đột ở Ukraine. Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Brussels ngày 12/12, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đã cảnh báo rằng "năm 2021, xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU là 140 tỷ m3, năm 2022 giảm còn 60 tỷ m3 trong năm 2022 và có thể sẽ không còn mét khối nào trong năm 2023". Điều này sẽ để lại "một lỗ hổng lớn hơn" trong nguồn cung khí đốt toàn cầu và châu Âu.

Sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nếu có sẵn nguồn thay thế tương đương khí đốt của Nga. Các nước châu Âu đang rất nỗ lực nhập khẩu LNG bằng đường biển từ khắp nơi trên thế giới thay cho các đường ống dẫn khí đến từ Nga. EU kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2023 sẽ mang về "khoảng 40 tỷ m3" để lấp đầy các kho cảng LNG mới xây dựng, giúp tái tạo LNG một khi chúng về đến các bờ biển.

Nhưng khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đang tranh giành quyền tiếp cận các nguồn cung, các nhà kho hiện đại này có thể sẽ không vận hành hết công suất. Theo IEA, nguồn cung thế giới sẽ chỉ có thể bổ sung khoảng 20 tỷ m3 LNG cho thị trường trong tới, bất chấp các dự án mới phát triển ở Mỹ hoặc Qatar.

Ngay từ tháng 5/2022, Rystad Energy, một công ty chuyên nghiên cứu về năng lượng có trụ sở tại Oslo (Na Uy), đã cảnh báo có một "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng" về nguồn cung LNG đang rình rập và kéo dài ít nhất đến năm 2024, do sự mất cân bằng cấu trúc giữa cung và cầu trên thị trường toàn cầu.

Trong một báo cáo mới công bố tuần trước, Bộ các lực lượng vũ trang Pháp cũng có chung nhận định, cho rằng nếu nguồn cung khí đốt Nga bị cắt đứt trong một thời gian dài, "châu Âu sẽ phải đi tìm nguồn thay thế cho 40% nhu cầu vào năm 2025". Wood Mackenzie, một nhóm nghiên cứu và tư vấn toàn cầu về tài nguyên thiên nhiên có trụ sở tại Edinburgh (Anh), nhận định châu Âu sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với châu Á để có được các tàu hàng LNG trong năm 2023.

Riêng Trung Quốc đã có thể tiêu thụ phần lớn khối lượng LNG xuất khẩu vốn đã không đủ cung cấp cho châu Âu. Hiện châu Âu được cho là đang tước mất khả năng tiếp cận LNG của các nước kém phát triển hơn, như Pakistan hay Bangladesh, để thay thế khí đốt của Nga. Một khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách phòng dịch "Zero COVID", nhu cầu của Trung Quốc chắc chắn sẽ có sự phục hồi ngoạn mục trong năm tới.

Sở dĩ châu Âu lấp đầy gần 90% các kho dự trữ khí đốt trong năm nay phần lớn là do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm thấp bất thường trong năm 2022. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có vị thế tốt hơn với nhiều hợp đồng dài hạn, vì nhu cầu của nước này được đáp ứng 100% vào năm 2025, không như châu Âu buộc phải xoay xở với thị trường giao ngay và các hợp đồng ngắn hạn.

Cuối cùng, một tham số nữa cũng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vào năm tới, đó là thời tiết. Theo IEA, EU đã khá may mắn trong năm nay khi thời tiết ôn hòa suốt mùa Thu đã khiến nhu cầu khí đốt của khối này giảm hơn 10 tỷ m3.

Ngay cả quãng thời gian đầu Đông năm nay cũng ấm hơn so với trung bình mọi năm. Nhưng không có gì đảm bảo rằng nhiệt độ sẽ ôn hòa trong phần còn lại của mùa Đông hoặc cho cả năm 2023. Khả năng giảm cung và tăng cầu khiến khủng hoảng càng trở nên trầm trọng là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo IEA, nếu không có hành động đã được triển khai trong năm nay, mức thiếu hụt tiềm ẩn vào năm 2023 cũng sẽ lên tới 60 tỷ m3 thay vì khoảng 30 tỷ m3.

Theo IEA, muốn tránh kịch bản khủng hoảng trầm trọng, ngoài những hành động cấp bách đã thực hiện trong năm nay, EU cần bơm thêm 100 tỷ euro cho công quỹ để đẩy nhanh các biện pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là cải tạo hoặc thay thế hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED và khuyến khích phổ biến các hệ thống bơm nhiệt để sưởi ấm các tòa nhà.

Nếu năng lượng tái tạo là "câu chuyện dài hơi hơn" thì điều các nước EU cần làm ngay là tạo ra một cuộc "cách mạng hóa hành vi của người tiêu dùng" để họ tiêu dùng thông minh hơn.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE