Tại sao Đức quốc hữu hóa Gazprom Germania?

Ngày 14/11, Đức thông báo tiến hành quốc hữu hóa Công ty TNHH đảm bảo năng lượng cho châu Âu (SEFE), một chi nhánh cũ từng thuộc Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14/11, Đức thông báo tiến hành quốc hữu hóa Công ty TNHH đảm bảo năng lượng cho châu Âu (SEFE), một chi nhánh cũ từng thuộc Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, khẳng định đây là bước đi cần thiết đóng vai trò quan trọng đối với công ty cung cấp điện cho quốc gia.

SEFE, từng có tên gọi là Gazprom Germania, là nhà điều hành mạng lưới năng lượng và gián tiếp kiểm soát cơ sở dự trữ khí đốt lớn nhất của Đức nằm ở thị trấn Rehden, Tây Bắc nước này.

Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra và quyết định của Moskva giảm nguồn cung năng lượng cho châu Âu, Chính phủ Đức, từ tháng 4/2022, đã đặt Gazprom Germania trong tình trạng quản lý dài hạn với một khoản vay lên tới 10 tỷ euro (khoảng 10 tỷ USD) để ngăn công ty vỡ nợ. Với tài sản và các công ty con ở Đức, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Cộng hòa Czech và bên ngoài châu Âu, các hoạt động của SEFE cần được bảo vệ cho thị trường khí đốt châu Âu cũng như cung cấp cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình.

Trụ sở Tập đoàn khí đốt Gazprom tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Tập đoàn khí đốt Gazprom tại Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế Đức, do quyền sở hữu của công ty vẫn chưa rõ ràng, các đối tác kinh doanh và ngân hàng đã đình chỉ quan hệ kinh doanh với công ty hoặc miễn cưỡng tham gia vào các quan hệ mới. Trong bối cảnh, hoạt động kinh doanh của SEFE bị đe dọa. Đức quyết định quốc hữu hóa công ty và biến nó thành tài sản nhà nước. Theo các thủ tục kế toán, các khoản lỗ của công ty được cân đối bằng nguồn dự trữ vốn của nó. Do đó, Gazprom mất cổ phần trong công ty.

Đổi lại, Đức sẽ đầu tư 225 triệu euro vào công ty, qua đó tiếp quản với tư cách là “cổ đông mới duy nhất”. Theo Bộ Kinh tế Đức, tiến trình này đã hoàn thành việc thay đổi quyền sở hữu. Ngoài ra, Đức cũng lên kế hoạch cấp cho công ty khoản vay trị giá 13,8 tỷ euro trong một thỏa thuận hoán đổi nợ thành cổ phần vào cuối năm nay, mặc dù biện pháp này vẫn đang được thảo luận.

Gazprom Germania hay SEFE hiện là đơn vị cung cấp khí đốt chủ chốt ở Đức, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, vận chuyển khí đốt và vận hành các cơ sở lưu trữ khí đốt. Chính phủ Đức nhấn mạnh mục tiêu của các biện pháp được thực hiện là đảm bảo nguồn cung năng lượng ở Đức cũng như châu Âu và mô hình kinh doanh của SEFE cũng sẽ được điều chỉnh trên cơ sở này.

Với các biện pháp can thiệp kịp thời, Berlin vẫn duy trì được ảnh hưởng đối với công ty nằm trong hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng then chốt cũng như ngăn chặn nguy cơ an ninh năng lượng bị đe dọa.

SEFE, từng được gọi là “Gazprom Germania,” có thể trở thành nhà nhập khẩu khí đốt thứ hai của Đức được chính phủ bảo vệ trước nguy cơ phá sản sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

Với quyết định trên, SEFE trở thành nhà nhập khẩu khí đốt thứ hai của Đức được chính phủ bảo vệ trước nguy cơ phá sản sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE