Tài sản nhiều “ông trùm” giáo dục Trung Quốc sụt hàng tỷ USD

Giới chức Trung Quốc công bố quy định mới cấm các doanh nghiệp kinh doanh giáo dục dạy chương trình phổ thông không được kiếm lợi nhuận, gọi vốn hoặc niêm yết cổ phiếu.

Ảnh: CGTN
Ảnh: CGTN
Larry Chen, cựu giáo viên trung học và từng có lúc trở thành một trong những người giàu nhất thế giới, giờ đây đã không còn là tỷ phú sau khi chính phủ Trung Quốc chính thức công bố biện pháp siết chặt quản lý hoạt động giáo dục tư nhân.
Tài sản của nhà sáng lập kiêm chủ tịch và CEO của công ty Gaotu Techedu, giờ đây ước tính chỉ còn 336 triệu USD, theo tính toán của Bloomberg. Cổ phiếu của công ty kinh doanh dịch vụ gia sư trực tuyến giảm gần 2/3 trên thị trường New York trong ngày thứ Sáu sau nhiều thông tin về chính sách cải tổ của chính quyền trung ương.
Ngày thứ Bảy, giới chức Trung Quốc công bố quy định mới cấm các doanh nghiệp kinh doanh giáo dục dạy chương trình phổ thông không được kiếm lợi nhuận, gọi vốn hoặc niêm yết cổ phiếu. Đây có thể coi như cú sốc mới nhất với ông Chen, người đã chứng kiến tài sản sụt giảm đến 15 tỷ USD tính từ cuối tháng 1/2021 khi mà cổ phiếu của Gaotu sụt giảm mạnh.
Gaotu sẽ tuân thủ với quy định và thực hiện đủ các trách nhiệm xã hội, ông Chen nói trong một tuyên bố của mình trên Weibo, một dịch vụ tương đương với Twitter. Tỷ phú Chen không phải người duy nhất đang phải trải qua tình trạng tài sản suy giảm.
CEO của tập đoàn giáo dục TAL Education, ông Zhang Bangxin, cũng đang gặp khó khi mà tài sản của ông giảm 2,5 tỷ USD xuống 1,4 tỷ USD sau khi cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên sàn New York giảm đến 71%. Chủ tịch Yu Minhong của tập đoàn New Oriental Education & Technology Group cũng đã để mất vị thế tỷ phú của mình sau khi tài sản của ông giảm 685 triệu USD, giá trị tài sản mà ông đang nắm giữ giảm 579 triệu USD khi cổ phiếu của doanh nghiệp giảm 54%.
Cả hai công ty đưa ra những tuyên bố giống nhau về việc sẵn sàng tuân thủ quy định của giới chức quản lý. Trong khi đó, đại diện của Gaotu, TAL và New Oriental không phản hồi đề nghị bình luận về sự sụt giảm tài sản của các tỷ phú.
Diễn biến mới nhất có thể coi như mở ra một chương mới với tỷ phú Larry Chen, người sáng lập ra Gaotu hay còn được biết đến với cái tên GSX vào năm 2014 và chứng kiến cổ phiếu tăng hơn 13 lần tính từ khi chào sàn vào năm 2019 cho đến mức đỉnh được thiết lập ngày 27/1/2021.
Cổ phiếu Gaotu từ đó đến nay đã mất hơn 98% giá trị, một phần cũng bởi một nhà đầu tư vào quỹ là ông Bill Hwang thuộc quỹ Archegos Capital Management phá sản.
Vào tháng 9/2021, công ty công bố đang bị Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) điều tra.
Giới chức hàng đầu Trung Quốc công bố kế hoạch cải tổ toàn diện ngành giáo dục quy mô 100 tỷ USD của Trung Quốc, họ cấm những doanh nghiệp giảng dạy chương trình giáo dục của Trung Quốc kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Trong ngày thứ Bảy, chính quyền Bắc Kinh đã công bố nhiều quy định mới đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kinh doanh giáo dục Trung Quốc và có thể khiến cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này thiệt hại hàng tỷ USD. 
Cụ thể, những doanh nghiệp giảng dạy chương trình giáo dục Trung Quốc không còn có thể tiếp tục nhận đầu tư nước ngoài, trong đó có cả vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký hoạt động tại nước ngoài. Những doanh nghiệp nào có hoạt động thuộc diện không được phép sẽ cần phải có những biện pháp để thay đổi tình hình.
Ngoài ra, những công ty kinh doanh giáo dục đã niêm yết cổ phiếu sẽ không còn có thể cho phép huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán hoặc đầu tư vào những ngành kinh doanh có giảng dạy chương trình của Trung Quốc. Các vụ thâu tóm bị cấm. 
Những chương trình dã ngoại và giảng dạy cuối tuần có liên quan đến chương trình học cũng sẽ phải chịu hạn chế.
Các quy định mới đe dọa sẽ làm mất đi những sự tăng trưởng ấn tượng mà thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có được nhờ vào cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành giáo dục như TAL Education Group, New Oriental Education & Technology Group và Gaotu Techedu Inc. 
Quy định cũng khiến cho thị trường giáo dục Trung Quốc trở nên không thể tiếp cận được với nhà đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, một trong những lĩnh vực đầu tư thu hút nhiều nhất vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc, thu hút hàng tỷ USD từ những tập đoàn như Tiger Global Management, Temasek Holdings và SoftBank chính là giáo dục.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE