Suy thoái - bước tạo đà cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại?

Việc giá cả của hầu hết các loại hàng hóa chính trên toàn cầu đã tăng vọt trong tháng vừa qua mang lại cả thông tin tốt và thông tin xấu.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Milan, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo chuyên gia Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald, tin tốt là với dấu hiệu tỷ lệ lạm phát đang "leo" dần lên mức cao nhất trong vài thập kỷ gần đây, các ngân hàng trung ương sẽ có động cơ để tăng lãi suất.

Tin xấu là việc giá hàng hóa đồng loạt giảm có thể tạo ra các cuộc suy thoái lớn trên phạm vi toàn cầu và gây hiệu ứng suy giảm hoạt động sản xuất, cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.

Nguy cơ suy thoái là không thể tránh khỏi

Tác giả phân tích các chỉ số giá cả hàng hóa cho thấy mặt bằng giá, chịu tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã tăng vọt trong 5 tháng đầu năm 2022.

Rổ hàng hóa kim loại, năng lượng và nông nghiệp đã tăng gần 60%, từ tháng 1-5/2022. Sang đến tháng 6/2022, con số này tạm thời giảm được 12%.

Tuy nhiên, giá kim loại đồng, vào tháng 6/2022, đã nhảy vọt lên ngưỡng 9.700 USD/tấn. Đây được coi là mặt hàng kim loại nhạy cảm nhất với hoạt động kinh tế nói chung và là chỉ số dẫn dắt về các điều kiện kinh tế. Hiện tại, giá đồng đang được giao dịch quanh ngưỡng 8.000 USD/tấn.

Trên toàn bộ các bảng giá, cho dù đó là dầu ăn, lúa mỳ, đậu nành, sợi bông, quặng sắt, vàng, nhôm hay thậm chí là cà phê, giá cả bắt đầu có xu hướng giảm.

Nhưng giá của các mặt hàng năng lượng, bao gồm dầu, khí đốt và than, đã tăng nhiều hơn so với ước tính về những thiệt hại có thể xảy ra do lệnh trừng phạt Nga của các quốc gia phương Tây mang lại.

Việc Nga thắt chặt nguồn cung năng lượng dành cho châu Âu, cùng với sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên vốn đã tồn tại từ năm ngoái ở khu vực này, cộng hưởng với việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có khả năng tăng sản lượng khai thác dầu, rõ ràng đã khiến thị trường càng bị thắt chặt hơn.

Điều đó đưa đến một kết luận rõ ràng rằng hoạt động kinh tế đang bị chậm lại và do đó tỷ lệ lạm phát đang tiến đến đỉnh điểm.

Kết luận này được hỗ trợ bởi những gì xảy ra tại thị trường trái phiếu Mỹ, nơi tỷ lệ lợi suất đang trượt dần và đường cong lợi suất trái phiếu phẳng, với các dự báo về việc nền kinh tế mạnh nhất thế giới sẽ suy thoái đáng kể.

Chỉ ba tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ - được coi là lợi suất chuẩn phi rủi ro của thế giới - đứng ở mức 3,48%. Nhưng trong ba tuần qua, con số này đã liên tục giảm, phản ứng lại với dự báo về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có các đợt tăng lãi suất cơ bản tiếp theo.

Tương tự, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm của Mỹ cũng ghi nhận xu hướng giảm. Vào tháng trước, lợi suất của loại trái phiếu này đạt đỉnh ở mức 3,43%, nhưng hiện giao dịch ở mức 2,91%.

"Tỷ lệ hòa vốn" 5 năm - chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc 5 năm và trái phiếu được bảo vệ để chống lại lạm phát có cùng kỳ hạn - đã giảm xuống mức thấp nhất, bằng với mức của tháng 9/2021, phản ánh kỳ vọng rằng lạm phát Mỹ sẽ giảm đáng kể.

Trong khi các thị trường dường như tin rằng lạm phát đang dần được kiểm soát, thì các ngân hàng trung ương đã tuyên bố rõ ràng rằng, ít nhất trong thời gian tới, họ vẫn tiếp tục tăng lãi suất, để đảm bảo sẽ kiềm chế tỷ lệ lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Liệu các ngân hàng trung ương có làm được điều đó mà không đẩy các nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái hay không là một câu hỏi quan trọng. Mặc dù, cần lưu ý rằng với mức độ lạm phát tại các nền kinh tế lớn và sự cồng kềnh của các công cụ chính sách hiện có, kỳ vọng "hạ cánh mềm" là không thể xảy ra.

Các nền kinh tế lớn sẽ khó tránh khỏi việc bị suy thoái, bởi những "đợt tấn công ồ ạt" từ ngân sách chính phủ và các ngân hàng trung ương để đối phó với đại dịch đã khiến lượng tiền trong dân tích tụ nhiều quá mức, trong khi các khoản nợ "tăng dần đều".

Sự kết hợp giữa chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, nợ toàn cầu đang ngày càng cao và thị trường nhà ở nóng lên nhờ hơn một thập kỷ lãi suất thấp, đã tạo ra một loạt ảnh hưởng cộng gộp.

Quyết tâm của các ngân hàng trung ương nhằm "chấm dứt" đà tăng của lạm phát, ngay cả khi các chính phủ đã quay trở lại với các chính sách tài khóa thận trọng hơn, là lý do giải thích cho việc vì sao các nhà phân tích tin rằng thế giới đang bước vào chu kỳ thâm hụt tài chính và sau đó là tăng bùng nổ.

Vì các ngân hàng trung ương sẽ dần chuyển sang các chính sách mở rộng hơn, bao gồm cả nới lỏng định lượng, một khi họ tin rằng họ đã kiểm soát được tỷ lệ lạm phát và nền kinh tế của họ.

Những biến động địa chính trị đã làm phức tạp thêm tình hình

Cuộc xung đột Nga-Ukraine về cơ bản đã làm thay đổi cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu, bao gồm dầu, khí đốt và than nhiệt.

Châu Âu và Nhật Bản đang tranh giành các nguồn cung thay thế cho nguồn cung bị thiếu hụt từ Nga, khiến giá dầu và khí đốt tăng đáng kể (mặc dù hiện giá các mặt hàng này đã bắt đầu có xu hướng giảm trở lại sau khi mức giá cao khiến nhu cầu suy giảm).

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, bị tác động từ các chính sách phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt, là một yếu tố biến động và không chắc chắn khác ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế toàn cầu.

Mặc dù gần đây, Bắc Kinh đã nới lỏng một số khía cạnh của chính sách "Không COVID" (Zero COVID), nhưng trong tuần vừa qua, các đợt bùng phát dịch mới ở một số thành phố của nước này đã dẫn đến nhiều lệnh phong tỏa hơn.

Trung Quốc, trong khi được hưởng lợi từ khả năng mua được nguồn năng lượng của Nga với mức chiết khấu cao, cũng đang phải chịu một số áp lực do chi phí năng lượng tăng mạnh.

Bên cạnh các chính sách COVID-19 nghiêm ngặt, tác động từ đợt tăng giá hàng hóa rộng rãi, bao gồm cả quặng sắt, vào đầu năm nay và tác động kinh tế từ hiện tượng lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng gần đây khiến Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong nhiều thập kỷ.

Giá quặng sắt là thước đo mức độ hoạt động kinh tế của quốc gia lớn nhất châu Á. Vào ba tháng trước, giá quặng sắt giao dịch ở mức trên 160 USD/tấn, và hiện tại là 113 USD/tấn.

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm kích thích kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang hạ nhiệt. Đó có thể là một thông tin tốt đối với lạm phát toàn cầu, nhưng không phải là điều tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu.

Một tín hiệu khác cho thấy triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên ảm đạm là đồng USD đang mạnh lên.

Chỉ số tiền tệ của Bloomberg cho thấy đồng USD đã mạnh lên khoảng 10% kể từ đầu năm nay. Khi lạm phát và các điều kiện kinh tế thắt chặt hơn, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp bất lợi do chi phí nhập khẩu và giao dịch tính bằng đồng USD tăng lên.

Ngày 29/6, Fed đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong tháng Sáu, sau khi nâng lãi suất cơ bản lên 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong gần 30 năm qua.

Biên bản cuộc họp của FOMC, cùng với các dữ liệu khác đã được Fed công bố trước đó, có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về quan điểm của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ Mỹ về tương lai và các bước hành động có thể xảy ra.

Thế giới có thể đang đứng trước viễn cảnh của suy thoái kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ.

Nhưng chính khả năng suy thoái này sẽ mang đến một số hy vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không cần tiếp tục đẩy lãi suất lên đến ngưỡng cao hơn nữa nhằm kiểm soát lạm phát, và do đó các nền kinh tế sẽ không rơi tình trạng suy thoái quá trầm trọng.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE