Quay về eMagazine
Sức ép đối với chính sách tiền tệ còn rất lớn

Sức ép đối với chính sách tiền tệ còn rất lớn

Theo nhận định của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong năm 2023, sức ép đối với việc điều hành chính sách và thị trường tiền tệ trong nước còn rất lớn, khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và còn nhiều sóng gió từ bên ngoài…

Năm 2022 đi qua với rất nhiều biến động, những cú sốc bất ngờ đến từ môi trường thế giới. Dù vậy, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cho thấy sự vững vàng, thể hiện tốt vai trò rường cột của nền kinh tế.

Hướng về năm 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là luôn hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời không chủ quan với lạm phát.

Thưa Phó thống đốc, đâu là những kết quả lớn nhất mà ngành ngân hàng đã đạt được trong một năm 2022 đầy sóng gió?

Có thể nói 2022 là một năm rất đặc biệt trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng, khi tất cả các dự báo, đánh giá về kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế ngay từ cuối năm 2021 đã gần như bị đảo lộn trong bối cảnh rất nhiều cú sốc, rủi ro đã phát sinh năm qua.

Cụ thể, xung đột Nga - Ukraine kéo dài làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, dòng tiền, luân chuyển hàng hóa. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thay đổi rất nhanh chính sách tiền tệ, chuyển từ trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của đại dịch sang thắt chặt một cách rất nhanh chóng.

Điều này khiến đồng USD mạnh lên rất nhanh, lãi suất USD tăng cao khiến dòng vốn dịch chuyển khỏi các nền kinh tế mới nổi, theo đó, tác động trực tiếp đến điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và điều hành kinh tế vĩ mô nói chung.

Với những tác động rất lớn từ bên ngoài như vậy, ngành ngân hàng Việt Nam năm qua vẫn điều hành quyết liệt, linh hoạt để khắc phục khó khăn, chủ động đưa ra quyết sách điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu cố gắng duy trì lãi suất ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Với mục tiêu đó, trong suốt 8 tháng đầu năm, NHNN đã giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Tuy nhiên, từ tháng 9, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất và dự báo còn tiếp tục tăng, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.

Theo đó, NHNN đã quyết định điều chỉnh tăng 2 lần các lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, mức tăng này của NHNN thấp hơn rất nhiều so với các ngân hàng trung ương khác, và việc điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung, bởi trong dòng chảy chung của thế giới, chúng ta không thể đi ngược.

Tất nhiên, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo tính toán của chúng tôi, trung bình, mức lãi suất tiền gửi đã tăng khoảng 0,77%/năm, trong khi lãi suất cho vay tăng 0,81% so với đầu năm, là mức tăng tương đối thấp so với các nước khác.

Về tỷ giá, đây là một trong những bài toán khó khăn nhất trong điều hành năm qua, bởi nếu không giữ được tỷ giá ổn định, chúng ta sẽ mất rất nhiều thứ, bao gồm cả việc gây khó khăn cho xuất khẩu, khó khăn trong việc giữ dòng vốn, làm mất lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, đó là còn chưa kể những khoản nợ sắp đến hạn của Chính phủ.

Vì thế, bài toán tổng thể đặt ra cho NHNN là làm sao có thể điều hành tỷ giá một cách hợp lý nhất. Và trong bối cảnh đó, NHNN đã quyết định điều chỉnh mở thêm biên độ tỷ giá trung tâm để các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong việc mua bán và giữ trạng thái ngoại tệ của mình.

Tỷ giá USD/VND theo đó dù có biến động nhưng tính đến nay chỉ tăng khoảng 3,81% so với cuối năm trước, thấp hơn nhiều so với mức độ mất giá của các đồng tiền khác trên thế giới.

Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Khi tình hình thuận lợi, NHNN có thể sẽ tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

NHNN bất ngờ quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% vào tháng cuối cùng của năm. Xin Phó thống đốc nói thêm về quyết định gần như “vào phút chót” này?

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội và Chính phủ, ngay từ đầu năm NHNN đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 khoảng 14%.

Con số tăng trưởng tín dụng trên được đưa ra dựa trên những tính toán kỹ lưỡng với mục tiêu giúp NHNN có thể thực hiện cùng lúc đa mục tiêu, bao gồm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị tiền đồng, đồng thời, có thể tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện nhanh chóng để khôi phục nền kinh tế sau dịch, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Cùng lúc, tiếp tục đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài đã dịu bớt và điều quan trọng hơn cả là chúng ta đã đạt được một số mục tiêu lớn như kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện hơn. Theo đó, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5- 2% nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Dù có dịu bớt, nhưng những khó khăn, biến động trên thị trường quốc tế được dự báo sẽ còn kéo dài trong năm tới. Vậy NHNN định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng như thế nào để có thể tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thưa ông?

Sang năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Fed cũng được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng lãi suất và duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Như vậy, mặt bằng lạm phát và lãi suất sẽ còn duy trì ở mức cao, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục. Mặc dù tác động của xu hướng đó tới nền kinh tế Việt Nam sẽ không dữ dội, nhanh mạnh như 2022 nhưng sẽ còn tiếp tục dai dẳng trong năm 2023.

Trong nước, lạm phát lõi đang có nhiều dấu hiệu đáng quan ngại khi tăng liên tục, nhanh, mạnh ngay từ đầu năm. Lạm phát cơ bản tháng 12 dự báo tăng khoảng 5%, điều này tạo nền lạm phát tham chiếu lớn cho năm 2023. Lạm phát cơ bản tăng mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây, thể hiện sức ép lạm phát cho năm tới là rất lớn, vì vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ đối với 2023 là không thể chủ quan với lạm phát.

NHNN luôn có thông điệp rõ ràng, minh bạch, kiên định đối với thị trường là sẽ luôn luôn hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời, không chủ quan với lạm phát

Phó thống đốc Đào Minh Tú

Nhìn chung, việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 còn rất nhiều những khó khăn, thách thức, đặc biệt Việt Nam có một nền kinh tế nhỏ nhưng lại có độ mở rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa áp lực lạm phát nhập khẩu, áp lực lên mặt bằng tỷ giá trong năm 2023 là rất lớn. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét thận trọng, tuy nhiên, không có nghĩa là cứng nhắc.

NHNN luôn có thông điệp rõ ràng, minh bạch, kiên định đối với thị trường là sẽ luôn luôn hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng thời, không chủ quan với lạm phát.

Xu hướng lãi suất trên thị trường quốc tế được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, chúng ta do đó rất khó đi ngược dòng chảy chung. Việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới là nỗ lực rất lớn của ngành, NHNN sẽ cố gắng điều hành duy trì ổn định mặt bằng lãi suất và chỉ đạo các TCTD cố gắng tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng khách hàng phù hợp.

Xin cảm ơn Phó thống đốc.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE