Sự “ràng buộc” giữa Pháp và Đức trong vấn đề an ninh năng lượng

Pháp và Đức vừa đạt được thỏa thuận cam kết trợ giúp lẫn nhau trong kịch bản thiếu hụt năng lượng trầm trọng ở cả hai nước.
Một trạm xăng ở Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Một trạm xăng ở Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Les Echos, Pháp cam kết cung cấp cho Đức mức khí đốt tương đương 5% lượng tiêu thụ hàng năm trong trường hợp nước này thiếu hụt.

Đổi lại, Pháp nhận được cam kết trợ giúp cung cấp điện từ Đức nếu cần thiết. Thỏa thuận này cũng liên quan đến khả năng kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở Đức.

“Kế hoạch tiết kiệm năng lượng” do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vừa được thông qua tại cuộc họp của các Bộ trưởng phụ trách Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) và Pháp vẫn giữ các cam kết của mình đối với Đức.

Ngày 27/7, Bộ Chuyển tiếp Năng lượng Pháp (MTE) xác nhận rằng Pháp sẽ sát cánh cùng Đức trong trường hợp thiếu khí đốt vào mùa Đông năm nay. Một cận sự của Bộ trưởng MTE Agnès Pannier-Runnacher cho biết, Pháp cam kết đảm bảo “cung cấp tối đa khả năng xuất khẩu” của Pháp, tức là 130 gigawatt giờ (GWh) mỗi ngày cho Đức.

Nếu nhân lên, con số này có thể lên tới 46 terawatt giờ (TWh) trong một năm, tương đương với khoảng 5% lượng khí tiêu thụ hàng năm của Đức.

Mặc dù là điểm đầu vào cho khí đốt nhập khẩu của châu Âu, với 4 trạm chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn và trữ lượng đã được bổ sung ở mức 75%, tức là đang ở vào tình thế tương đối dễ thở, nhưng Pháp không thể làm gì hơn trong trước mắt do vướng phải những trở ngại về mặt kỹ thuật.

Trước tiên, Pháp cần đảo ngược dòng chảy khí đốt hiện có, vốn chủ yếu đi qua trạm biên giới Obergailbach-Medelsheim ở Saarland. Thực tế, các ống dẫn hiện tại hoạt động chỉ đi theo một chiều từ Đức sang Pháp. Hơn nữa, còn một vấn đề khác phải giải quyết liên quan đến mùi khí đốt ở Pháp.

Theo luật, khí đốt tại nước này phải được tạo mùi bằng lưu huỳnh trước khi được vận chuyển đến khách hàng nhằm đảm an toàn trong trường hợp xảy ra rò rỉ. Nhưng ngược lại, quy định này lại không được Đức áp dụng nhằm tạo điều kiện cho các nhà công nghiệp trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, đối mặt với nguy cơ thiếu hụt khí đốt trầm trọng, Đức đã tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận viện trợ của Pháp trong ngắn hạn bất kể sản phẩm có mùi hay không. Sau đó, một trạm khử mùi khí đốt sẽ được xây dựng trong vòng 18 tháng tới. Từ nay đến khi đó, trạm LNG thứ 5 ở Le Havre với công suất 200 TWh có thể tăng lưu lượng khí đốt đến Đức.

Những nỗ lực hỗ trợ của Pháp đối với Đức là một phần dẫn đến những sửa đổi quy định trong thỏa thuận đoàn kết năng lượng của châu Âu được thông qua ngày 26/7, cho phép Pháp giới hạn mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt ở mức 7% thay vì mức trần 15% mà EC áp đặt trong 8 tháng tới.

Nhưng bằng việc thể hiện sự đoàn kết của mình, Pháp cũng ngầm buộc Đức phải xem xét nghiêm túc hơn bao giờ hết một kịch bản nhạy cảm về chính trị, đó là việc kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân của Đức sau cuối năm nay.

Phát biểu trên kênh truyền hình LCI ngày 27/7, Bộ trưởng Agnès Pannier-Runnacher nhấn mạnh: “Vấn đề mà chúng tôi quan tâm là Đức có thể cung cấp điện cho Pháp khi cần.

Ngược lại, Pháp có thể cung cấp khí đốt cho Đức khi được kêu gọi. Do điểm yếu của Pháp là điện, nên chúng tôi cần nhập khẩu điện. Trong khi đó, điểm yếu của Đức là nhập khẩu khí đốt và Pháp sẵn sàng cung cấp cho họ”.

Đó là sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau mà Bộ trưởng Năng lượng của hai nước đã thể hiện tại cuộc họp diễn ra tại Brussels ngày 26/7.

Một câu hỏi đang được đặt ra là liệu Đức có thể đảm bảo sự đoàn kết tương trợ này mà không cần phải nhờ đến năng lượng hạt nhân hay không? Kết quả các đánh giá điện trở mới của lưới điện tại Đức sẽ được biết đến trong những tuần tới và câu hỏi sẽ được giải đáp.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) hùng mạnh, câu trả lời đã là rõ ràng. Wolfgang Niedermark, thành viên lãnh đạo của tổ chức giới chủ này khẳng định trong một thông cáo ngày 26/7 rằng: “Đối với Đức, tình đoàn kết được thể hiện nhất quán của châu Âu đồng nghĩa với việc phải cung cấp nhiều năng lượng nhất có thể và cung cấp từ tất cả các nguồn sẵn có”.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE