Sự bùng phát của Covid-19 mở ra cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn, lợi nhuận của MWG có thể tăng 22% năm 2021

VNDirect kỳ vọng doanh thu năm 2021 của MWG sẽ đạt 134.024 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 5.392 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 23,5% và 22,3% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các doanh nghiệp bán lẻ đã phục hồi tốt về hoạt động kinh doanh trong quý 1/2021 đang cho thấy đà phục hồi sau các đợt Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa Việt Nam tăng trưởng mạnh trở lại trong 4 tháng đầu năm 2021 với tốc độ tăng 9% so với cùng kỳ nhưng tốc độ phục hồi đã bị chững lại do làn sóng Covid thứ 4 vào tháng 5/2021, dẫn đến tốc độ tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm chỉ ở mức 6,3% (đã loại trừ lạm phát).

Việt Nam đã vượt qua các đợt bùng phát Covid-19 trước đây và vẫn duy trì Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng cao, đạt 117 điểm và đứng thứ 2 trong khu vực sau Philippines. Sau làn sóng Covid-19 đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong ba quý tiếp theo, từ quý 2/2020 đến quý 1/2021, cho thấy tiềm năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Chứng khoán VNDirect đánh giá triển vọng phục hồi ngành bán lẻ của Việt Nam là rất khả quan cho dù đợt bùng phát thứ 4 nghiêm trọng hơn đợt trước. Mặc dù sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bán lẻ, nhưng nó cũng đã mở ra cơ hội cho các nhà bán lẻ lớn với các chiến lược hợp lý nhằm củng cố mạng lưới bán lẻ và đạt được thị phần lớn hơn.

LỢI NHUẬN DỰ PHÓNG TĂNG 22% NĂM 2021

Theo Google, Temasek và BAIN & COMPANY, người dùng trực tuyến đã chuyển mua sắm sang các ngành giao hàng thực phẩm, bách hóa, giáo dục và giải trí. MWG đã áp dụng nhiều mô hình bán lẻ mới như bán lẻ xe đạp, bán buôn điện thoại di động và điện tử tiêu dùng để tìm động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn tiếp theo.

VNDirect kỳ vọng doanh thu năm 2021 của MWG sẽ đạt 134.024 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 5.392 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 23,5% và 22,3% so với cùng kỳ. Các con số này đều cao hơn so với kế hoạch doanh thu (125.000 tỷ đồng) và lợi nhuận (4.750 tỷ đồng) đề ra năm 2021.

Trong tháng 5/2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 11.380 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và là lần đầu tiên vượt mùa cao điểm tháng 1-2 (ngay thời điểm Tết). Lợi nhuận sau thuế đạt 481 tỷ đồng, cũng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Khi mà cuối tháng 5, hơn 630 cửa hàng Thế giới Di động (TGDĐ)/Điện Máy Xanh (ĐMX) nằm trong các khu vực phong tỏa và giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 51.830 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.172 tỷ đồng, lần lượt 9% và tăng 26% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện 41% kế hoạch doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

ĐMX SUPERMINI LÀ ĐIỂM NHẤN PHÁT TRIỂN THỊ PHẦN

MWG đã tích cực mở rộng số lượng ĐMX supermini (ĐMS) kể từ quý 4/2020 khi nhận thấy khả năng cải thiện thị phần ở các khu vực thành thị xa trung tâm. Đến cuối tháng 5, ĐMS có 537 cửa hàng (trong đó, 64 cửa hàng mở mới chỉ trong tháng 5), đóng góp hơn 2.370 tỷ đồng doanh thu lũy kế sau 5 tháng chiếm 9% doanh thu của chuỗi ĐMX.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán CTS cho rằng mảng kinh doanh ĐMX là điểm nhấn trong chiến lược phát triển thị phần bán lẻ của MWG trong những năm tiếp theo. MWG bắt đầu chuyển đổi một số cửa hàng TGDĐ sang cửa hàng ĐMX, cùng với mở rộng cửa hàng ĐMS đến mọi nơi trển các tỉnh thành phố, và cửa hàng Bluetronics ở Campuchia.

Trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu, từ đầu năm 2021, MWG đã chủ động tích trữ hàng tồn kho để đảm bảo nguồn cung trong nước và tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng thị phần. CTS dự báo ĐMX sẽ duy trì 50-53% cơ cấu doanh thu mảng này với mức tăng trưởng 11% là phù hợp cho cả năm 2021.

Đối với mảng TGDĐ, CTS giả định doanh thu mảng này tăng trưởng 9% so với năm ngoái, được bù đắp chủ yếu bởi kế hoạch làm đại lý bán buôn B2B cho các hãng sản xuất và phân phối nước ngoài bên cạnh tăng cường các dịch vụ hỗ trợ khách hàng (trả góp, chuyển tiền, thu hộ,...). Việc nâng tỷ trọng hàng công ty (nhãn hàng riêng, OEM, độc quyền) sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào các hãng.

Trong khi đó, BHX được hưởng lợi từ xu thế mua sắm online. Kênh BHX online tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng và doanh thu đóng góp. Số lượng và giá trị giao dịch của BHX online trong 5 tháng đầu năm nay gấp lần lượt là 4,8 lần và 3,9 lần số lượng và giá trị giao dịch trên kênh này cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, MWG đẩy mạnh tăng năng suất lao động hướng đến mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp, thương thảo các điều khoản thương mại mới với các nhà cung cấp bán lẻ và đẩy mạnh đóng góp của nhóm nhãn hàng riêng, hàng nhập khẩu và độc quyền phân phối. CTS cho rằng biên lãi gộp của BHX có thể tăng từ 26% lên 27,5% đến cuối năm 2021.

Tính đến cuối tháng 5/2021, An Khang chính thức vượt mốc 100 nhà thuốc hoạt động tại 20 tỉnh thành. Doanh thu chuỗi An Khang 5 tháng đầu năm 2021 gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. CTS nhận định, việc mở thêm nhà thuốc An Khang và tích hợp những cửa hàng này bên cạnh cửa hàng BHX sẽ thúc đẩy doanh thu của An Khang trong những năm tới. CST dự phóng lợi nhuận đến từ việc kinh doanh nhà thuốc này sẽ tăng 23% trong năm 2021.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE