So găng lợi nhuận Coteccons (CTD) và Hòa Bình (HBC): CTD lỗ ròng vì trích lập dự phòng, HBC vẫn lãi nhờ thoái vốn

Quý 2/2022, Coteccons lỗ ròng 24 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, trong khi Xây dựng Hòa Bình dù giảm lãi song vẫn duy trì được mức lợi nhuận dương nhờ thoái vốn các khoản đầu tư và tiền thu về từ khoản lãi chậm thanh toán.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, nhất là áp lực từ “cơn sốt” giá nguyên vật liệu cùng gánh nặng chi phí tài chính đã tạo tác động rất lớn đến lợi nhuận ròng quý 2 và nửa đầu năm của nhiều doanh nghiệp, trong đó hai “ông lớn” ngành xây dựng là Coteccons (mã CTD)Xây dựng Hòa Bình (mã HBC).

Trong khi, biên lãi gộp quý 2/2022 của Coteccons được cải thiện lên gần 6,6% so với mức 5,3% của cùng kỳ thì biên lợi nhuận gộp quý 2 của Xây dựng Hòa Bình đã quay đầu giảm gần một nửa từ mức 6,1% của cùng kỳ xuống mức 3,2%.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp nhiều khó khăn, hoạt động tài chính trở thành yếu tố then chốt tạo ra biến động trái chiều về lợi nhuận của Xây dựng Hòa Bình và Coteccons.

Xây dựng Hòa Bình vẫn duy trì lợi nhuận dương nhờ thoái vốn

Trong quý 2/2022, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý 2 giảm sâu từ mức 6,1% của cùng kỳ xuống 3,2%.

Trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận 183 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 181,5% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư thu về 126 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Xây dựng Hoà Bình dự kiến thoái vốn khỏi 4 dự án lớn là Ascent Garden Home, Ascent Cityview, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.

Bên cạnh đó, công ty cũng thu về hơn 49 tỷ từ khoản lãi chậm thanh toán, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 200 triệu đồng.

Chi phí tài chính, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay của Xây dựng Hoà Bình tăng 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 31,2% lên 122 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 13,6%, còn 8,9 tỷ đồng.

Kết quả, Xây dựng Hoà Bình lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là mức khá cao so với 3 quý gần nhất.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Xây dựng Hoà Bình đạt 7.063 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 61 tỷ đồng, giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.

Năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu 17.500 đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 40% kế hoạch doanh thu và 17,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính của Xây dựng Hòa Bình cũng cho thấy dòng tiền của công ty đang gặp vấn đề khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.364 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 692 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu, vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản Xây dựng Hòa Bình ghi nhận mức tăng thêm hơn 1.050 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của công ty tăng khoảng 1.680 tỷ đồng so với đầu năm lên 18.255 tỷ đồng, phần lớn mức tăng đến từ các khoản phải thu ngắn hạn (gần 13.000 tỷ đồng), trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng là 5.582 tỷ và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng hơn 5.297 tỷ đồng. Công ty cũng đã trích lập dự phòng 378 tỷ nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.

Nợ phải trả đến 30/6 của Hòa Bình là 14.332 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 89%, tương đương 12.865 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Bên cạnh nợ phải trả các nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nợ vay đang chiếm tỷ lệ lớn nhất với 6.535 tỷ đồng, bao gồm 5.461 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.074 tỷ đồng vay dài hạn, cả hai khoản này đều tăng thêm so với cùng kỳ năm trước.

Việc vay nợ ở mức cao khiến công ty chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay, riêng trong quý 2, chi phí lãi vay của công ty ở mức gần 148 tỷ đồng, vượt cả lợi nhuận gộp.

Trong khi đó, tính đến 30/6, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của công ty là 690 tỷ đồng, giảm hơn 115 tỷ đồng so với đầu năm.

Coteccons lỗ ròng vì phải trích lập dự phòng nợ khó đòi

Trái ngược với Xây dựng Hòa Bình, Coteccons lại lỗ ròng gần 24 tỷ đồng trong quý 2/2022 dù trong kỳ doanh thu thuần tăng gần 29%, lên 3.281 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý 2 của doanh nghiệp được cải thiện lên gần 6,6% so với mức 5,3% cùng kỳ.

Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận ròng quý 2 của công ty.

Chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng đột biến lên 360 tỷ đồng trong quý 2, chủ yếu do phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 242 tỷ đồng.

Coteccons cho biết một trong những dự án công ty phải trích lập dự phòng nặng nề nhất là của Công ty Ngôi sao Việt - một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019 và mặc dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, nhưng trong quý 2/2022, Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này, nâng số trích lập dự phòng lũy kế 2020-quý 2/2022 lên đến 484 tỷ đồng.

Việc phải tăng mạnh chi phí dự phòng đã khiến Coteccons ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ khoản hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình gần 20 tỷ đồng nên công ty chỉ còn lỗ ròng gần 24 tỷ đồng trong quý 2.

Lũy kế 6 tháng 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần 5.193 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, Coteccons đặt kế hoạch đạt 15.010 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng.Như vậy, sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 34,5% kế hoạch doanh thu và 27% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6, quy mô tài sản của Coteccons là 16.457 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Coteccons, với 9.140 tỷ đồng, chủ yếu là nợ của khách hàng. Trong đó, doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng gần 919 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm.

Và cũng như Xây dựng Hòa Bình, dòng tiền kinh doanh của Coteccons cũng đang âm hơn 1.298 tỷ đồng, lần đầu tiên dự nợ vay của Coteccons đạt 1.314 tỷ đồng, tuy nhiên thu nhập tài chính ròng của công ty 6 tháng đầu năm vẫn đạt 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối quý 2, Coteccons có tổng cộng 2.250 tỷ đồng khoản tiền, tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất từ khoảng 2,9% tới 7%/năm. Ngoài ra, công ty còn có 1.248 tỷ đồng đầu tư trái phiếu có thoả thuận mua lại. Trái phiếu này có kỳ hạn không quá một năm và hưởng lãi suất từ 7,5% - 12%/năm.

Nửa đầu năm, số tiền gửi ngân hàng đem về cho Coteccons 56,5 tỷ đồng cùng với khoản lãi từ cho vay và đầu tư góp vốn giúp công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ lên 228 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 30/6, báo cáo của Coteccons xuất hiện khoản chứng khoán kinh doanh với giá trị gần 220 tỷ với danh mục gồm các cổ phiếu như FPT, Techcombank, MWG. Doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng gần 21 tỷ đồng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí tài chính quý 2 tăng đột biến lên hơn 47 tỷ đồng (bao gồm 19 tỷ đồng chi phí lãi vay).

Coteccons cho biết hiện doanh nghiệp không chỉ chịu các gánh nặng trong quá khứ do giai đoạn trước để lại, Coteccons cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản khác cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt với tín dụng bất động sản, vụ việc tại Tân Hoàng Minh khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài như gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột, căng thẳng địa chính trị khiến giá nguyên, nhiên vật liệu leo thang trong nửa cuối 2021 và đầu năm 2022 đang tiếp tục đè nặng lên các nhà thầu xây dựng.

Cùng với đó, dư âm của đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến sự phân bổ lao động chung của Việt Nam, dẫn đến thiếu hụt nhân công lao động tại các thành phố lớn, khiến chi phí lao động tăng cao.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Tập đoàn Đất Xanh

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Tập trung hoàn thiện pháp lý 8 dự án lớn, huy động 3.500 tỷ thông qua chào bán cổ phiếu

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh – ông Lương Trí Thìn cho rằng, thị trường bất động sản năm 2024 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý 8 dự án trọng điểm quy mô lớn, chuẩn bị nguồn 20.000 sản phẩm tại các khu vực đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Cần gì để tránh vết xe đổ khi đấu giá lại loạt "đất vàng" Thủ Thiêm?

Theo kế hoạch đấu giá năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dự định đấu giá 4 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 3.790 căn hộ chung cư trước đây được xây dựng tái định cư. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã và đang hoàn thiện các khâu trong quy trình đấu giá như: phương án đấu giá, việc tổ chức lại việc bán đấu giá, xác định giá khởi điểm.

Chat với BizLIVE