Quay về eMagazine
Số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam báo lỗ nhiều hơn lãi, 17% âm vốn chủ sở hữu

Số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam báo lỗ nhiều hơn lãi, 17% âm vốn chủ sở hữu

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp báo lỗ năm 2020 lên tới 14.108 doanh nghiệp, ứng với 56%, số thua lỗ lên tới 151.064 tỷ đồng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất chấp những khó khăn từ làn sóng COVID-19 thứ 4, tổng thu hút FDI năm 2021 tính đến ngày 20/12/2021, từ đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã tạo nên kỳ tích khi đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong năm 2021, số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD giảm 33,9%, các dự án có quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, quy mô vốn bình quân dự án đầu tư mới gần 8,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức 5,8 triệu USD/dự án của năm 2020. Quy mô bình quân dự án điều chỉnh vốn gần 9,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với mức 5,6 triệu USD/lượt điều chỉnh của năm trước.

Tuy nhiên, có phần trái ngược với bức tranh tươi sáng trên, tại báo cáo tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính (BCTC) năm 2020 của các doanh nghiệp có vốn FDI gửi đến Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Tài chính vừa công bố - nhiều góc khuất từ khu vực này đã được hé lộ.

Quá nửa số doanh nghiệp FDI báo lỗ, gần 17% âm vốn chủ sở hữu...

Theo Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, chỉ có 10.125 doanh nghiệp FDI (40,2%) sản xuất kinh doanh có lãi.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2020 lên tới 14.108 doanh nghiệp, ứng với 56% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI này lên tới 151.064 tỷ đồng. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI đến hết năm 2020 lên tới hơn 623.000 tỷ đồng, bằng 44% vốn đầu tư.

Quan ngại hơn, có tới 4.520 doanh nghiệp FDI, chiếm 16,88% tổng số doanh nghiệp báo cáo bị âm vốn chủ sở hữu, với giá trị phần lỗ mất vốn là 141.274 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, trong khi liên tục báo lỗ thì BCTC cũng cho thấy quy mô của các doanh nghiệp FDI này lại ngày càng tăng lên. Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2020 là 2.476.870 tỷ đồng, tăng 22% so với tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019.

Về doanh thu, doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2020 là 1.072.816 tỷ đồng, tăng 27% so với doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2019.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế trên BCTC năm 2020 là 2.910.234 tỷ đồng, tăng 8,1% so với tổng tài sản của các doanh nghiệp có lỗ lũy kế năm 2019. Doanh thu của các doanh nghiệp lỗ lũy kế năm 2020 là 1.351.797 tỷ đồng, tăng 5,2% so với doanh thu của nhóm này trong 2019.

DOANH NGHIỆP HƯỞNG LỢI TỪ COVID-19 CŨNG BÁO LỖ LỚN

Thêm một điểm đáng lưu tâm, phân tích của Bộ Tài chính cho thấy, một số doanh nghiệp FDI kinh doanh trong mảng viễn thông, phần mềm, được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng báo lỗ nặng.

Cụ thể, năm 2020, doanh thu nhóm doanh nghiệp FDI ngành viễn thông, phần mềm đạt 43.985 tỷ đồng. Trong đó, hai dự án FDI có doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất nhóm ngành này là Công ty Airpay đạt 4.555 tỷ đồng (chiếm 10,35%) và Công ty Shopee 2.329 tỷ đồng, chiếm 5,25% tổng doanh thu nhóm ngành.

Thua lỗ của trường hợp Shopee cho thấy việc thu hút FDI quy mô vốn lớn chưa chắc đã có đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách nhà nước, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành.

Bộ Tài chính

Airpay và Shopee là hai doanh nghiệp FDI có doanh thu tăng mạnh trong năm 2020. Mức tăng doanh thu của cả hai doanh nghiệp này là 2.964 tỷ đồng, đóng góp 58% tăng trưởng doanh thu của ngành.

Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Shopee) hay có sự mở rộng về quy mô (Airpay), nhưng hai doanh nghiệp FDI này vẫn báo lỗ.

Trong đó, Shopee còn bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước hạn chế. Cụ thể, vốn chủ sở hữu Shopee năm 2020 âm 1.463 tỷ đồng. Doanh nghiệp này rơi vào tình trạng lỗ mất vốn do lỗ lũy kế tiếp tục tăng 31% so với năm 2019.

Về trường hợp của Shopee, Bộ Tài chính nhận định, có thể doanh nghiệp này gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn.

Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp cho thấy việc thu hút FDI quy mô vốn lớn chưa chắc đã có đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách nhà nước, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành.

Số liệu của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho thấy, 2020 cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020 ghi nhận số thu nộp NSNN của khối doanh nghiệp FDI giảm so với năm liền trước. Cụ thể, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực này năm 2020 là 206.088 tỷ đồng, giảm hơn 6.110 tỷ đồng so với năm 2019.

Liên quan đến việc doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ/lỗ lũy kế/lỗ mất vốn vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực - Bộ Tài chính nhận định: "Điều này cho thấy vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu NSNN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE