Sẽ tiến tới rút thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 10 năm

Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi, trong khi thời gian đóng bảo hiểm quy định khá dài, gây khó khăn cho người lao động khiến nhiều trường hợp phải rút bảo hiểm 1 lần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân lao động sáng ngày 12/6 (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân lao động sáng ngày 12/6 (Ảnh: VGP)

Sáng 12/6, tại buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến với hơn 4.500 công nhân lao động tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những mất mát, nhọc nhằn, khó khăn, vất vả mà công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn 2 năm qua do dịch COVID-19.

“Phải nói đời sống nhiều công nhân còn rất vất vả. Tôi vừa đi thăm khu nhà trọ công nhân tại Bắc Giang và thời gian qua cũng đã đi nhiều nơi để gặp gỡ, tìm hiểu đời sống công nhân. Chúng ta cùng đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước ta, phù hợp với nguyện vọng anh chị em công nhân và phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thủ tướng nói.

"Đau đáu" vấn đề nhà ở cho công nhân

Tại buổi đối thoại, Công nhân Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) đặt câu hỏi: "Người lao động sản xuất với mong muốn đem lại thu nhập cao, doanh nghiệp phát triển, đất nước đổi mới đi lên. Tuy nhiên, đời sống của công nhân hiện tại gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về nhà ở. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, trường học, nhà trẻ, khu vui chơi văn nghệ cho chị em công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo tôi được biết, hiện tại có nhiều doanh nghiệp, tổ chức công đoàn muốn đứng ra để xây dựng nhà ở cho công nhân thuê, thậm chí ở miễn phí nhưng chưa có cơ chế, trong khi đó, công nhân thuê nhà chật hẹp, giá cả đắt đỏ".

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển nhà ở xã hội trong đó có nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn 2016-2021, chúng ta ta đã có kết quả nhất định về chương trình này.

Hiện nay, có 122 dự án nhà ở công nhân trên cả nước, mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Đây là hạn chế trong thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra trong chương trình phát triển nhà ở cho công nhân.

"Chúng ta đã biết, nhu cầu nhà ở cho công nhân rất cấp bách tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhất là các khu công nghiệp, do đó nhu cầu rất lớn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt để phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện ở một số nhóm vấn đề như sau:

Nhóm thứ 1: Đó là công tác hoàn thiện thể chế ở các cơ chế chính sách đầu tư phát triển. Thời gian qua, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, chính phủ đã sửa đổi Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội, hiện nay được sửa đổi bởi Nghị định 49. Bộ Xây dựng đã sửa đổi ban hành Thông tư 09 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân.

Nhóm thứ 2: Chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Chính phủ đã chỉ đạo, dành rất nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể là được miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư; được giảm 50% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% Quỹ nhà thương mại trong dự án nhà ở xã hội để bù đắp cho các chi phí đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân,…

Nhóm thứ 3: Cải cách các thủ tục hành chính trong thực hiện đầu tư nhà ở xã hội công nhân.

Nhóm thứ 4: Hỗ trợ cho các chủ đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh hoàn thiện các thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế công đoàn để theo đó có tham gia vào các hoạt động đầu tư nhà ở công nhân và đặc biệt đầu tư các cơ sở như nhà trẻ, bệnh viện, siêu thị,… phục vụ cho đời sống công nhân.

Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị quyết, chỉ thị để đôn đốc các địa phương thực hiện triển khai. Vừa qua, chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển y tế- xã hội. Trong đó, chương trình này với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, đối với nhóm đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã nằm trong chương trình này.

Theo đó, có 2 nhóm chính sách được bổ sung hỗ trợ, đầu tiên là hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án, tham gia đầu tư các nhà ở xã hội được vay vốn, được hỗ trợ với lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng; nhóm thứ 2 là gói giúp người lao động, công nhân trong khu công nghiệp được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay 25 năm, lãi suất 4,8%.

"Theo kết quả ban đầu, đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang triển khai 116 dự án với quy mô 7,6 triệu m2 nhà ở cho công nhân. Với kết quả bước đầu như vậy, tôi tin trong thời gian tới, vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ ngày càng được cải thiện", Thứ trưởng Bộ xây dựng nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, nhà ở cho công nhân là vấn đề "đau đáu" của Tổng Liên đoàn Lao động, vấn đề này cũng đã được ông phát biểu trước diễn đàn Quốc hội.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân còn vướng một số quy định của luật, cụ thể là các Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Cùng với đó, vấn đề thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân cũng rất cần sự vào cuộc của xã hội.

Bổ sung thêm nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhà ở cho công nhân, người lao động luôn là vấn đề trăn trở của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu những ý kiến liên quan tới vướng mắc của luật pháp liên quan tới chính sách này.

Rút dần thời gian đóng bảo hiểm xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm

Một vấn đề được người lao động quan tâm là Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40-45 tuổi. Công nhân lao động đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, một tỉ lệ thấp. Nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây là thành tích đáng nể của nước ta.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. (Ảnh: VGP)

Trong quý 1, 2/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề này chúng ta đã rất tập trung trong và sau đợt dịch.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội.

Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn, công bằng, chia sẻ.

Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn. Thời gian qua, chúng ta chưa làm được điều này.

Tiếp đến, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%. Chúng ta sẽ tiến tới áp dụng thông lệ này.

Ngoài ra, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.

"Chúng tôi cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hướng dẫn các chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề này. Qua đó, tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần hiện đã giảm đi so với quý 1/2022", Bộ trưởng Dung khẳng định.

Bổ sung phần trả lời về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

"Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế.

Đồng thời, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE