Chứng khoán 2/8

Nhóm Vingroup tiếp ứng giúp chỉ số đi ngược cả khu vực

Trong khi các thị trường châu Á đều phủ sắc đỏ do các vấn đề căng thẳng chính trị thì thị trường Việt Nam lại đi ngược bức tranh chung nhờ màn tăng tốc của VIC, VHM, VCB. VIC đã có màn trả điểm hơi muộn nhưng được cho là rất kịp thời.
Diễn biến giao dịch chiều 02/8
Diễn biến giao dịch chiều 02/8

Nếu giữ nguyên trạng thái như cuối phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu lớn ít nhất vẫn sẽ tạo ra sự cân bằng cho chỉ số chung. Tuy nhiên, tiền lớn lại chưa hề hài lòng với diễn biến này.

Thay vì dừng lại để nghe ngóng các thông tin về tình hình chính trị khu vực, các mã VHM (+4,2%), VIC (+2,9%), VCB (+2,6%) lại cùng tạo ra sức rướn mới cho chỉ số để thoát hẳn khỏi trạng thái lình xình quanh tham chiếu.

VN-Index đã có sự tăng tốc nhanh chóng từ sau 13h30 để một lần nữa chốt tại mức cao nhất phiên, tăng 10,27 điểm lên 1.241,62 điểm (+0,83%).

Với trường hợp của VIC, nhịp tăng giá hôm nay cũng mang tính chất "trả điểm" của phiên thứ Sáu tuần trước do chịu những biến động của hoạt động cơ cấu ETF nội. Dù diễn biến này đến khá muộn nhưng lại giúp thị trường Việt Nam tỏ ra khác biệt so với bức tranh chung. Các chỉ số SHCOMP, TWSE, NIKKEI 225 đều giảm từ 1,5-2%.

Thanh khoản vẫn là rất tích cực với giá trị giao dịch đạt 16.886 tỷ đồng và xuất hiện nhiều cơ hội giao dịch cho các cổ phiếu có tính thị trường cao như HAG (+6,61%), ORS (+6,83%), FLC (+6,8%), LDG (+6,85%), ITA (+6,91%), TSC (+6,9%), DRH (+6,99%) đều tăng trần. Số mã tăng trần lên tới 22 mã khi kết phiên.

Không chỉ tiền nội chịu khó hoạt động, tiền ngoại cũng tham gia một cách lạc quan. Giá trị mua ròng của khối ngoại cả phiên đạt 373 tỷ đồng với các điểm hút tiền là SSI (+182 tỷ đồng), HPG (+104 tỷ đồng), VHM (+83 tỷ đồng), STB (+77 tỷ đồng).

Nhìn chung, thị trường đã thể hiện một phiên giao dịch tích cực vượt ngoài mong đợi. Nếu gộp cả HNX và UPCoM, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index kết phiên cũng đều tăng điểm với mức tăng lần lượt là 0,41% và 0,24%.

*****

Các chỉ số châu Á đều ngả sang sắc đỏ với IDX (-0,51%), KLCI (-0,36%), TWSE (-2%), SHCOMP (-2,86%), NIKKEI 225 (-1,42%). Mức độ giảm của các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan còn đang có phần khá tiêu cực khi đều giảm quanh 2%.

VN-Index trong khi đó lại đương đầu với áp lực khá thành công. Chỉ số cũng chuyển màu nhưng với biên độ gần như bằng 0 và đây cũng không phải là lần đầu tiên chỉ số đảo chiều trong phiên. Theo thống kê, đã có ít nhất 4 lần chỉ số đảo chiều và trong mỗi lần biên độ đều được thu hẹp lại.

Rõ ràng, phải có lực mua lên hấp thụ các hoạt động chốt lời của nhà đầu tư lướt sóng mới có thể giúp thị trường có được sự cân bằng này. Và xét về thực lực dòng tiền mua trong rung lắc còn đang lấn lướt hơn so với dòng tiền mua bắt đáy. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi những cú rung như sáng nay để tham gia vào thị trường.

Riêng HOSE, cuối phiên sáng đã có gần 10.000 tỷ đồng giao dịch. Nếu gộp cả HNX và UPCoM, con số lên tới hơn 11.700 tỷ đồng.

Sự điều chỉnh các cổ phiếu lớn lẫn nhóm Midcap và Penny vẫn rất nhẹ nhàng. Với nhóm cổ phiếu Bluechips, việc giảm giá chỉ giới hạn biên độ dưới 2%. Mã giảm sâu nhất chỉ là MSN (-1,6%), PLX (-1,4%). Phần nào đó, SAB (+2,2%), POW (+1,9%), VHM (+1,8%) vẫn đủ khả năng triệt tiêu được áp lực từ các mã này.

Trong khi đó với Midcap và Penny, trạng thái cũng là tương tự. Hiện còn có thêm trường hợp của HAG (+5,73%) đang hút tiền ấn tượng và lọt vào top giao dịch của HOSE sau SSI và VND. Mã này đã vượt mặt cả HPG, đạt giá trị giao dịch là 426 tỷ đồng.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 0,01 điểm xuống 1.231,34 điểm còn HNX-Index tăng 0,16% lên 295,08 điểm. Chỉ số UPCoM-Index tăng 0,14%.

****

Ngay từ đầu phiên, VN-Index đã có nhịp rung kéo chỉ số xuống 1.225 điểm. So với thành tích tăng của phiên hôm qua, đây chỉ là sự rung lắc nhẹ và VN-Index vẫn có phản ứng khá tốt bằng các nỗ lực đảo chiều sau đó.

Bộ 3 Bank - Chứng - Thép sau một phiên giao dịch "cống hiến" tạm thời đã có động thái chững lại. Các mã SSI (+1,32%), VND (+2,21%), HPG (0%) đang tiếp tục dẫn đầu về giá trị giao dịch nhưng biên độ đều đang thu hẹp lại.

Trong khi đó, Ngân hàng đang ghi nhận sắc đỏ của CTG (-0,3%), BID (-0,6%) còn VCB đứng giá tham chiếu. Điều này chưa chắc đã mang ý nghĩa tiêu cực bởi các cổ phiếu Ngân hàng vẫn có thể đi theo lan tỏa theo chiều dọc. Có nghĩa là các cổ phiếu như TPB (+0,9%), ACB (-0,4%), OCB (-0,3%), MBB (-0,2%), VIB (+0,2%), VPB (-0,5%) vẫn có thể tăng tốc sau các ngân hàng TMCP Nhà nước. Diễn biến này hiện vẫn chưa diễn ra nhưng trong quá khứ, dòng tiền luân chuyển ở nhóm Ngân hàng đã nhiều lần đi theo hướng này.

Trước mắt, yếu tố quan trọng nhất của thị trường là thanh khoản vẫn đang được đảm bảo khá chắc bằng sự gia tăng của giá trị giao dịch. So với thời điểm 10h30 phiên hôm qua, HOSE đang mở rộng tiếp hơn 1.000 tỷ đồng giá trị, đạt 6.500 tỷ đồng.

Các cổ phiếu điều chỉnh hầu hết với biên độ hẹp và độ rộng của sắc đỏ cũng chưa đến 40% số mã trên HOSE. Trong khi đó, vẫn có 47% mã đang tăng giá, thậm chí còn có một vài mã có tính thị trường cao như ITA, LDG tăng trần, SAM tăng 6,2%.

VN-Index tạm thời đang giao dịch tại 1.231 điểm còn HNX-Index đang chưa có rung lắc nào khi đang giao dịch tại 296 điểm. Giá trị giao dịch của HNX hiện đang đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Giá vàng phục hồi nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng

Giá vàng miếng SJC có thời điểm tuột mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra song đã nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu tăng nhẹ.

Tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng, OCB tăng dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, bảo đảm hoạt động

Tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng, OCB tăng dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, bảo đảm hoạt động

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 4.139 tỷ đồng. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng đến từ việc chi phí dự phòng tăng 501 tỷ đồng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

Chat với BizLIVE