Sản xuất Trung Quốc bất ngờ suy giảm, mối lo về triển vọng kinh tế

Khi mà hoạt động sản xuất bất ngờ suy giảm, hiện không dám chắc quá trình phục hồi kinh tế có được duy trì, theo nhận định của các chuyên gia.
Sản xuất Trung Quốc bất ngờ suy giảm, mối lo về triển vọng kinh tế

Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc bất ngờ sụt giảm trong tháng 4/2023, dấu hiệu cho thấy quá trình phục hồi của kinh tế nước này vẫn còn nhiều sự thiếu ổn định và thậm chí trong thời gian tới có thể chật vật trong việc duy trì được đà phục hồi.

Theo Bloomberg dẫn số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số chính thức của ngành sản xuất Trung Quốc tháng 4/2023 giảm xuống 49,2 điểm từ mức 51,9 điểm. Lần đầu tiên tính từ tháng 12/2022, chỉ số này rơi xuống dưới mức 50 điểm - ngưỡng phân định suy giảm và tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đã dự báo về con số 51,4 điểm.

Chỉ số của ngành dịch vụ và xây dựng tháng 4/2023 xuống mức 56,4 điểm từ mức 58,2 điểm của tháng 3/2023. Các chuyên gia kinh tế từng kỳ vọng chỉ số này lên mức 57 điểm. Ngưỡng trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.

“Báo cáo chỉ số PMI đang cho thấy các tín hiệu trái chiều, đồng thời nó cho thấy quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc thời kỳ hậu COVID-19 đang phần nào mất đà. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang kêu gọi có những sự hỗ trợ về chính sách”, chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức Guotai Junan International Holdings – ông Zhou Hao phân tích.

Trong quý gần nhất, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng mạnh nhất trong 1 năm, nguyên nhân chính bởi tiêu dùng người dân tăng cao trong bối cảnh các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn COVID-19 được gỡ bỏ giúp hỗ trợ cho hoạt động kinh tế. Một số ngân hàng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay lên ngưỡng trên 6%, họ tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ có thể vượt mức kỳ vọng 5% của chính phủ Bắc Kinh.

Khi mà hoạt động sản xuất bất ngờ suy giảm, hiện không dám chắc quá trình phục hồi kinh tế có được duy trì, theo nhận định của các chuyên gia. Sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản hiện mới chỉ bắt đầu, trong khi đó, đầu tư vẫn tiếp tục giảm đi. Các doanh nghiệp công nghệ hiện đang chật vật duy trì lợi nhuận. Tỷ lệ thất nghiệp trong những người trẻ tuổi hiện đang ở ngưỡng cao kỷ lục.

“Sự phục hồi của nhu cầu nội địa không diễn ra trên diện rộng. Những tín hiệu trái chiều này có thể tạo ra thêm nhiều áp lực lên chính phủ Trung Quốc trong việc tiếp tục quá trình hỗ trợ cho kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa trong quý 2/2023. Hoạt động trên thị trường bất động sản còn hạn chế và thất nghiệp ở ngưỡng cao”, chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ Pinpoint Asset Management – ông Zhang Zhiwei.

Chỉ số đơn hàng mới ở ngưỡng 48,8 điểm, thuộc ngưỡng suy giảm lần đầu tiên tính từ tháng 12/2022 khi mà chính sách phong tỏa để ngăn COVID-19 được loại bỏ và hàng trăm triệu người Trung Quốc nhiễm COVID-19. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu và việc làm trong ngành sản xuất đồng thời giảm đi.

Việc ngành sản xuất suy yếu được đánh giá có nguyên nhân từ nhiều yếu tố, thứ nhất nhu cầu thị trường giảm, thứ hai hiệu ứng so sánh với mức nền khá cao của cùng kỳ năm ngoái khi chỉ số ngành sản xuất phục hồi nhanh, chuyên gia kinh tế cao cấp tại NBS – ông Zhao Qinghe nhấn mạnh.

Một số chuyên gia phân tích trong đó có chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle – ông Bruce Pang, đồng thời nói đến việc số ngày nghỉ lễ trong tháng 4/2023 nhiều hơn so với các tháng trước, chính vì vậy hoạt động của ngành sản xuất không khỏi ảnh hưởng.

Số tiền bơm theo kênh trung hạn vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 11/2022, dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi tác động của các biện pháp nới lỏng từ trước đây trong quá trình theo dõi tác động của các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ trước đó.

Theo Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm 170 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 25 tỷ USD vào các ngân hàng thông qua kênh cho vay trung hạn.

Kết quả, trong tháng 4/2023, hệ thống ngân hàng đón nhận 20 tỷ nhân dân tệ, mức thấp nhất tính từ tháng 11/2022. PBOC đồng thời cũng không thay đổi lãi suất cơ bản đồng nhân dân tệ ở mức 2,75% đến tháng thứ 8 liên tiếp, đúng theo dự báo của các chuyên gia tham gia khảo sát mà Bloomberg thực hiện.

Việc thanh khoản bơm vào hệ thống ngân hàng giảm như vậy cho thấy PBOC đang đánh giá tác động từ biện pháp nới lỏng chính sách, khi đó PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời cung cấp thêm tiền để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Số liệu kinh tế từ tháng trước cho thấy rằng quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đột biến và xuất khẩu tăng cao vượt kỳ vọng.

“Kết quả này đúng với kỳ vọng về khả năng nâng nhẹ lãi suất. Dù chúng ta đã nói đến khả năng cắt giảm lãi suất nhẹ trong năm nay, dường như khả năng đó khó xảy ra”, trưởng bộ phận chiến lược tại ngân hàng OCBC – ông Frances Cheung nói.

Kinh tế Trung Quốc hiện đang phục hồi, mức độ tăng trưởng mục tiêu 5% có thể đạt được khi mà thị trường bất động sản hồi phục, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – ông Dịch Cương, nói trong cuộc họp của G20 vào tuần trước.

Theo Kinh doanh và Phát triển

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE