Samsung, LG đồng loạt cắt giảm sản xuất vì tồn kho nhiều

Hai tập đoàn Hàn Quốc đều đang phải chịu gánh nặng tồn kho tăng so với năm 2021.
Nhà máy của Samsung Electronics tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggi
Nhà máy của Samsung Electronics tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggi

Theo nguồn tin từ Korea Times, Samsung Electronics và LG Electronics quyết định cắt giảm sản xuất TV và nhiều thiết bị gia dụng nhằm đối phó với tình trạng giảm sút nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Điều kiện kinh tế bất lợi như lạm phát, lãi suất cao, chiến sự giữa Ukraine và Nga… là những nguyên nhân chính.

Nhà phân tích Kim Rok-ho tại Hana Financial Investment cho biết: "Nhu cầu trong lĩnh vực công nghệ đang không rõ ràng, xu hướng trì trệ đang diễn ra. Sự sụt giảm nhu cầu với thiết bị gia dụng và TV là mối lo ngại kể từ nửa cuối năm ngoái. Chúng tôi xác nhận bằng dữ liệu về sự sụt giảm này".

Theo công ty nghiên cứu thị trường Display Supply Chain Consultants, số ngày luân chuyển hàng tồn kho trung bình trong quý 2/2022 của Samsung Electronics là 94 ngày, nhiều hơn 14 ngày so với năm trước. Số ngày luân chuyển hàng tồn kho là thời gian cần thiết để hàng tồn kho chuyển thành doanh số bán hàng. Thời gian càng ngắn gánh nặng chi phí cho nhà sản xuất càng giảm. Như vậy, Samsung đang phải chịu gánh nặng tồn kho tăng so với năm 2021.

Ngoài ra, tài sản tồn kho của Samsung Electronics trong quý đầu tiên của năm cũng tăng 53,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 50.000 tỷ won.

Khi hàng tồn kho tăng lên, Samsung Electronics thông báo cho các đối tác cung cấp linh kiện về việc điều chỉnh khối lượng, báo hiệu sản lượng giảm. Theo báo cáo, Samsung Electronics tạm đình chỉ các đơn đặt hàng mua sắm mới do lượng hàng tồn kho tăng đột biến và lo ngại về lạm phát toàn cầu.

Giá thực phẩm và năng lượng tăng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến nhiều người trì hoãn thay thế các thiết bị gia dụng, ít hào hứng nâng cấp thay mới. Samsung Electronics đang tập trung vào các sản phẩm cao cấp nhằm vượt qua cơn khủng hoảng. Những người có thu nhập ổn định có khả năng mua thiết bị cao cấp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi giá cao và lạm phát tăng.

Trong quý đầu tiên năm nay, doanh số thị trường TV toàn cầu giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh số TV QLED tăng 23% lên 3,3 triệu chiếc.

Nhà máy của LG Electronics tại Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang

Nhà máy của LG Electronics tại Gumi, tỉnh Bắc Gyeongsang

Tương tự đối thủ, LG Electronics cũng đang giảm sản lượng đồ gia dụng nhằm đối phó với nhu cầu mua sắm thấp. Một lãnh đạo của LG Electronics cho biết: “Nhu cầu gia tăng trong thời kỳ đại dịch nhưng chúng tôi phải điều chỉnh hoạt động sản xuất để phù hợp với tình hình mới”.

Cuộc họp chiến lược kinh doanh được tổ chức với sự hiện diện của Chủ tịch Koo Kwang-mo và CEO của các công ty liên kết chính. Đây là lần đầu tiên sau 3 năm kể từ năm 2019, LG tổ chức buổi họp báo cáo chiến lược trong nửa đầu năm có sự tham gia của chủ tịch tập đoàn. Điều này cho thấy những biến động của thị trường gần đây đang diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của LG Electronics.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm công nghệ, đồ điện tử giảm sút được nhiều chuyên gia trong ngành cảnh báo. Hồi tháng 3, Chủ tịch Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) Mark Liu nhận định nhu cầu về đồ điện tử tiêu dùng đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh bất ổn chính trị và các đợt đóng cửa liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc.

Ông Mark Liu cho rằng sự suy thoái đang xảy đến với các lĩnh vực như điện thoại thông minh, PC và TV, đặc biệt là ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất.

TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, được cho là “thước đo” về nhu cầu điện tử toàn cầu.

Ngoài ra, tăng trưởng thị trường smartphone thế giới có dấu hiệu chững lại khi Apple giảm đơn đặt hàng cho iPhone SE và thế hệ iPhone 13 mới. Samsung cũng phải cắt giảm ngày lao động của công nhân ở các nhà máy sản xuất smartphone tại Việt Nam. Doanh số tiêu thụ điện thoại thông minh toàn cầu thấp hơn dự báo khiến Samsung giảm công suất lắp ráp tại công xưởng smartphone lớn nhất của hãng.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE