Sai lầm khiến các Big Tech đối diện nguy cơ tụt hậu

Khi các điều kiện kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi, những ưu tiên phát triển truyền thống của Big Tech liệu có còn hiệu quả?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong vòng 20 năm qua, những “gã khổng lồ” ở Thung lũng Silicon (Big Tech) và các đối thủ đã đúc kết ra một công thức thành công, bao gồm đổi mới nhanh chóng và vung tiền để thu hút khách hàng.

Những yếu tố như tốc độ phát triển và khả năng tiếp cận thị trường, thay vì lợi nhuận và sự hoàn thiện, đã trở thành chìa khóa để các “ông lớn” thống trị thị trường, từ đó được toàn quyền kết hợp, đè bẹp hoặc thậm chí mua chuộc các đối thủ tiềm năng.

Tuy nhiên, khi các điều kiện kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi, những ưu tiên phát triển đó liệu có còn hiệu quả? Liên quan đến vấn đề này, tờ The Financial Times có đăng bài viết của nhà báo Brooke Masters nhận định về những sai lầm đang khiến các Big Tech đối diện với nguy cơ tụt hậu so với đối thủ.

Các loại hình đầu cơ bị “thất sủng”

Trước đây, các nhà đầu tư khao khát kiếm tìm tăng trưởng và lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất thấp nhất lịch sử đều rất sẵn lòng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thay vì tận hưởng thu nhập trong ngắn hạn.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, xu hướng này càng trở nên cực đoan, khi giá cổ phiếu của những công ty dám nghĩ lớn (dù cùng những khoản lỗ cũng lớn không kém) tăng vọt đến chóng mặt.

Tuy nhiên những ngày đó đã qua. Lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương đã làm thay đổi các tính toán tài chính. Khi các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận từ việc gửi tiền vào ngân hàng và lợi tức trái phiếu tăng vọt, các khoản đầu tư mang tính đầu cơ hứa hẹn tăng trưởng sẽ mất đi lợi thế.

Giá cổ phiếu của các Big Tech như Google, Amazon và Facebook đã giảm từ 40 đến 60% và các công ty non trẻ thậm chí còn chứng kiến sự sụt giảm tồi tệ hơn. Chỉ số theo dõi hoạt động của các công ty công nghệ có niêm yết thua lỗ tại Mỹ của Goldman Sachs đã giảm 77% kể từ mức đỉnh vào tháng 2/2021.

Thế giới cần một cách tiếp cận khác

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng những thách thức quan trọng nhất của thời đại hiện nay, bao gồm cải thiện sức khỏe, cắt giảm khí thải carbon, hay bất kỳ thứ gì liên quan đến thế giới thực hơn là các sản phẩm kỹ thuật số thuần túy, sẽ cần một cách tiếp cận khác với những gì mà các Big Tech đang sử dụng.

Hầu hết các Big Tech trở nên giàu có nhờ phát triển phần mềm. Phần mềm có thể cập nhật dễ dàng và có thể được phân phối miễn phí trên quy mô lớn với tiêu chí: Nhanh chóng đưa ra sản phẩm, xây dựng lượng người theo dõi và sửa lỗi sau đó.

Tuy nhiên, tiêu chí này lại không phù hợp với các thị trường hữu hình như ô tô, thuốc hay thậm chí là thịt đóng gói. Đây là những sản phẩm yêu cầu sự chính xác và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định ngay từ đầu bởi các cơ sở sản xuất và mạng lưới phân phối không thể sửa đổi một cách dễ dàng sau khi đã được đưa vào sử dụng.

Trong lĩnh vực các sản phẩm hữu hình, một nhà sản xuất có thể thấy vị trí dẫn đầu của mình bị đe dọa trước sự cạnh tranh từ các đối thủ có kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và phân phối. Tesla có vẻ là nạn nhân của việc này. Thị phần của Tesla trên thị trường xe điện Mỹ đã giảm xuống dưới 65% từ mức 79% cách đây 5 năm.

S&P Global Mobility thậm chí còn dự đoán chỉ số này sẽ tiếp tục giảm xuống dưới ngưỡng 20% vào năm 2025, khi các nhà sản xuất khác tung ra các mẫu xe tải điện và các mẫu xe rẻ hơn, với tốc độ nhanh hơn tốc độ mà Tesla có thể xây dựng các nhà máy mới.

“Thế giới thực là rất hỗn độn. Ngay cả khi bạn có một chiếc ô tô tuyệt vời, bạn phải chế tạo nó tại một nhà máy. Bạn phải tìm đất, bạn phải khoanh vùng nó và phải tìm người làm”, David Millstone, đồng Giám đốc điều hành của Standard Industries, một tập đoàn công nghiệp tư nhân, cho biết.

Khách hàng không phải lúc nào cũng trung thành

Sai lầm lớn thứ ba mà các Big Tech đã mắc phải là cho rằng những khách hàng mua hàng lần đầu sẽ gắn bó với họ mãi mãi. Quá nhiều công ty dịch vụ kỹ thuật số và thương mại điện tử tin rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mà họ đạt được trong thời gian đóng cửa do đại dịch là chỉ báo của sự gia tăng doanh thu dài hạn, thay vì thực tế đây chỉ là cú hích đến một lần rồi nhanh chóng lắng xuống.

Những ứng dụng đã “bay cao” trong đại dịch như Zoom Video Communications, Delivery Hero và Peloton nằm trong số những cái tên được "đưa về Trái Đất" sau khi đại dịch lắng xuống. “Trong công nghệ nói chung và phần mềm nói riêng, hiệu ứng mạng (giá trị hoặc tiện ích mà người dùng thu được từ hàng hóa hoặc dịch vụ phụ thuộc vào số lượng người dùng sản phẩm tương thích) là một nguồn lợi thế tiềm năng, nhưng mô hình chạy đua để chia sẻ không ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác, theo David Garfield, người đứng đầu công ty tư vấn tài chính và tư vấn toàn cầu nổi tiếng AlixPartners cho biết. Khi nhu cầu không còn nữa, việc khách hàng sụt giảm là điều không ngạc nhiên.

Do đó, nhà báo Brooke Masters nhấn mạnh rằng việc dành thời gian để có được một sản phẩm phù hợp, dù nghe có vẻ kém thú vị hơn nhiều so với việc “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”, nhưng đối với hầu hết các công ty, đây dường như là “tấm vé” dẫn đến thành công lâu dài hơn.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE