Quy định trừng phạt dầu Nga đang vẽ lại dòng chảy năng lượng toàn cầu

Nga hiện đang giảm giá bán dầu cho những khách hàng lớn nhất tại châu Á trong nỗ lực duy trì thị phần sau khi cấm việc bán dầu và các sản phẩm xăng dầu cho những nước áp dụng cơ chế trần giá cả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc và Ấn Độ đang tận dụng lợi thế giá dầu Nga giảm và nhiều nhà cung cấp Trung Đông đang điều hướng hoạt động cung cấp năng lượng của họ sang châu Âu trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây với nhiên liệu hóa thạch của Nga đang đẩy nhanh sự dịch chuyển trong dòng chảy năng lượng toàn cầu.

Nga hiện đang giảm giá bán dầu cho những khách hàng lớn nhất tại châu Á trong nỗ lực duy trì thị phần sau khi cấm việc bán dầu và các sản phẩm xăng dầu cho những nước áp dụng cơ chế trần giá cả. Quy định này cấm việc vận chuyển, tài trợ vốn hoặc bảo hiểm cho dầu thô của Nga vận chuyển trên biển trừ khi nó được bán dưới giá 60USD/thùng hoặc thấp hơn, ngưỡng trừng phạt từng được áp dụng sau khi căng thẳng Nga - Ukraine thực sự leo thang

Trong khi đó, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và nhiều nước xuất khẩu năng lượng lớn ở Trung Đông đang chuyển sự tập trung khỏi các thị trường truyền thống ở châu Á và bán hàng với giá cao hơn cho các nước châu Âu hiện đang cố gắng đảm bảo duy trì các yêu cầu trong ngành năng lượng của họ.

Các mối quan hệ thương mại năng lượng lâu năm đang đương đầu với khả năng chịu sự gián đoạn bởi chính phủ các nước trên toàn cầu đang cố gắng mua gom đủ nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo phục vụ cho hoạt động đốt nóng, nguồn cung điện trong các nhà máy và duy trì ổn định kinh tế trong vài năm tới. Việc vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các liên minh địa chính trị khi mà chính phủ các nước cố gắng củng cố quan hệ để giúp củng cố cho liên minh năng lượng của họ.

Moscow hiện đang cố gắng giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt bằng việc hạ giá bán dầu và giành thêm thị phần tại Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước này cho đến nay chưa hợp tác với phương Tây trong việc áp giá trần với dầu Nga. Tính từ cuối tháng 11/2022, Nga đã không ngừng bán sản phẩm dầu Urals của Nga với mức thấp hơn khoảng 17USD so với giá trần, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

“Thậm chí nếu như giá dầu có thể lên ngưỡng khoảng 100USD/thùng, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn có thể tiếp tục mua dầu Nga nếu họ có thể cung cấp dịch vụ bảo hiểm của riêng họ”, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Energy Aspects – ông Amrita Sen nói.

Vào tháng trước, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Trong tháng 11/2022, mỗi ngày Nga xuất khoảng 1,9 triệu thùng/ngày sang Trung Quốc, cao hơn 16,5% so với cùng kỳ năm trước, theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu ước tính 1,61 triệu thùng dầu/ngày từ Saudi Arabia, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Nga và Saudi Arabia hiện đang là đồng minh trong nhóm các nước thuộc liên minh OPEC+ tuy nhiên họ khẳng định chưa hề có hợp tác gì với nhau để ứng phó với biện pháp áp trần giá của phương Tây.

Nhập khẩu dầu từ Nga vào Ấn Độ trong tháng 11/2022 tăng lên mức 1,4 triệu thùng dầu/ngày so với ngưỡng chỉ 36.000 thùng dầu/ngày cùng kỳ năm trước, theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lọc dầu Ấn Độ đang xuất khẩu các sản phẩm dầu có chứa dầu thô của Nga sang Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên loại sản phẩm này không chịu chế tài hạn chế của phương Tây.

Chính phủ các nước phương Tây hiện đang cố gắng giảm nguồn doanh thu mà Nga có được từ dầu, cùng lúc đó vẫn đảm bảo nguồn cung dầu Nga vẫn được cung cấp ra thị trường và vì vậy ổn định tình hình giá dầu toàn cầu. Tuy nhiên, không phải nước nào tại châu Á cũng đang xếp hàng mua dầu giá rẻ của Nga. Nhiều nước đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn, Thái Lan đã ngừng mua dầu từ Nga.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE