Quỹ đất 2 bên đường Vành đai 3,4 Hà Nội, TP.HCM đặc biệt "nóng" tại Quốc hội

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khi có thông tin Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về 2 tuyến đường Vành đai thì giá đất đai ở khu vực này đã tăng lên rất nhiều. Do đó, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường vành đai 3 TP.HCM.

Hầu hết các ý kiến đồng thuận với chủ trương đầu tư 2 dự án này, tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn về việc cấp nào sẽ chỉ định thầu cho 2 dự án hay kiến nghị về cơ chế đặc thù khai thác 2 bên đường vành đai.

TUYẾN ĐƯỜNG "ĐỂ ĐỜI CHO CON CHÁU" KHÔNG NÊN GIAO ĐỊA PHƯƠNG CHỈ ĐỊNH THẦU?

Khẳng định đường vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo ra một hiệu ứng đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn nhiều năm qua cho hồi phục kinh tế và phát triển kinh tế của khu vực miền Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, đại biểu Trương Trọng Nghĩa-Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM cho rằng, trong Điều 3, khoản 2 c của dự thảo Nghị quyết đề cập về cơ chế chỉ định thầu.

Nội dung chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án áp dụng đối với gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Với nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất cho phép Thủ tướng ủy quyền cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.

Đối với các gói thầu liên quan, có nhiều địa phương thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư nên việc Thủ tướng ủy quyền có nghĩa là quyền vẫn do Thủ tướng quyết định giao cho nơi nào thực hiện.

Mặt khác, cần quy định trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu hay nếu phát sinh những vấn đề liên quan cần xin ý kiến thì Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng. Nếu cần thiết thì trong dự thảo Nghị quyết có thể là Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế này.

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề xuất chỉnh lại trong dự thảo Nghị quyết là Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế, đề nghị là 3 năm kể từ ngày ban hành Nghị quyết.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, hai công trình Vành đai 3,4 Hà Nội - TP.HCM là những công trình “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu.

Nếu giao cho các địa phương sẽ dễ dẫn tới tình trạng “xôi đỗ” và không đồng nhất; đồng thời cũng nên dành nguồn vốn thích đáng cho hai dự án này, trong đó phải tìm đơn vị thiết kế có tiếng trên thế giới để thiết kế và tư vấn. Theo đại biểu, làm được hai khâu này, phần thi công sẽ đỡ hơn rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng không cần quá vội vàng triển khai và hoàn thành dự án, có thể kéo dài nếu cần để nghiên cứu kỹ tổng thể dự án, công tác giải phóng mặt bằng, công tác thiết kế và tư vấn. Bên cạnh đó, khi giao cho các nhà đầu tư cần cân nhắc đến các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp tư nhân làm rất tốt, bởi nếu chúng ta có thiết kế và tư vấn tốt sẽ có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, nhưng cũng không kiểm tra, kiểm soát quá nhiều các đơn vị có điều kiện thời gian triển khai dự án.

Cần có cơ chế đặc thù khai thác quỹ đất hai bên đường vành đai

Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác do đây là cao tốc của vành đai.

Cho nên là khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này giá đất đai ở khu vực đã sôi động và giá tăng lên rất nhiều lần. Đại biểu cho rằng nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí.

Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực.

Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.

Đại biểu cho rằng khi tiến hành đấu thầu các dự án sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai. Hay về phương thức đầu tư đại biểu đánh giá cao khi Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhận được sự trao đổi từ đại biểu Nguyễn Văn Thân. Theo đó, đại biểu Thân đồng tình và cho rằng đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công.

Đại biểu khẳng định, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông. Đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE