Qua rồi thời 'đi siêu thị không cần nhìn giá' với nhiều người châu Âu

Giá cả tăng cao đang buộc người dân các nước châu Âu phải tính toán cẩn thận hơn khi mua sắm, dù đó là các mặt hàng thiết yếu như lương thực.
Nhiều người tiêu dùng tại Anh phải thay đổi thói quen mua sắm do giá cả tăng cao. Ảnh: Guardian.
Nhiều người tiêu dùng tại Anh phải thay đổi thói quen mua sắm do giá cả tăng cao. Ảnh: Guardian.

Để giảm chi phí sinh hoạt, bà Suzanna, 78 tuổi, giáo viên về hưu tại London, Anh, phải lựa chọn cách ăn uống khác.

“Giá hàng hóa khiến tôi mua ít hơn và có chế độ ăn đơn giản hơn”, bà chia sẻ với Guardian. “Tôi thậm chí không dùng lò nướng vì lo lắng về lượng năng lượng sử dụng. Tôi tìm kiếm những thứ có thể cho vào lò vi sóng vì có chi phí thấp hơn”.

Trong khi đó, ông Ken Taylor, một người bán hàng đã về hưu tại vùng Bắc Yorkshire, phải lập danh sách những thứ đã mua trong ba tháng qua. “Tôi tính toán từng đồng xu lẻ”, ông nói. “Tôi sẽ sớm không còn đủ tiền để sống qua tháng”.

Nước Anh là một trong số quốc gia Tây Âu ghi nhận tỷ lệ lạm phát cao hàng đầu, đạt 9% vào tháng 4 năm nay, mức cao nhất trong 40 năm qua. Con số này cao hơn so với Đức (7,4%), Italy (6%), Pháp (4,8%), thậm chí cả Mỹ (8,3%).

“Họ để giá mọi thứ đi lên”

Tình trạng lạm phát ở mức cao tại Anh gây ra bởi ba yếu tố chính: cuộc xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19 và tiến trình Brexit, theo Guardian.

Anh là quốc gia phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Do đó, việc giá nhiên liệu đi lên sau thời kỳ phong tỏa và khi xung đột bùng phát tại Ukraine khiến gánh nặng chi phí xăng dầu với người dân Anh tăng mạnh.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 và các khó khăn mang tính thủ tục gây ra bởi Brexit làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa đến Anh, cũng như gây ra tình trạng thiếu lao động nhập cư tại “đảo quốc sương mù”.

Giá cả tăng cao khiến bà Petra Emmanuel, cư dân quận Whitechapel ở Đông London, phải thay đổi thói quen mua sắm.

“Dù tôi không mua các loại thực phẩm có thương hiệu, giá các sản phẩm đơn giản nhất dường như cũng đã đi lên”, bà Emmanuel chia sẻ với Guardian. “Tôi phải cắt giảm lượng thịt tiêu thụ và chỉ mua 1-2 lần mỗi tuần, thay vì 5 lần như thường lệ”.

Một nghiên cứu của Which? - tổ chức đánh giá sản phẩm tại Anh - cho thấy giá cả của 265 trên tổng số hơn 21.000 mặt hàng ở quốc gia này tăng trên 20%, trong khi số liệu chính thức của chính phủ Anh chỉ ra giá một số hàng hóa thiết yếu cũng đã đạt mức tăng hai con số.

Không chỉ những người tiêu dùng như bà Emmanuel, ngay cả những người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ trên khắp nước Anh cũng cảm thấy bất ngờ. Bà Sharon Adams, một người bán hàng trong chuỗi siêu thị Sainsbury's tại quận Whitechapel, cảm thấy sốc khi giá thực phẩm tăng mạnh.

“Tôi gần như đứng tim khi chi 20 bảng Anh (khoảng hơn 25 USD) để mua thực phẩm vào chủ nhật tuần trước, dù không mua hoa quả tươi, rau, thịt hay bánh mỳ”, bà Adams chia sẻ.

Nhiều người tiêu dùng Anh đã phải đắn đo hơn khi chọn mua thực phẩm. Ảnh: New York Times.

“Giờ này năm ngoái, tôi thậm chí không để mắt đến giá thực phẩm. Tuy nhiên, giờ đây đó là điều tôi nghĩ đến nhiều hơn”, bà nói.

Bà Adams đang phải tìm nhiều cách để giảm thiểu chi phí mua hàng hóa thiết yếu, bao gồm cài đặt ứng dụng mua sản phẩm thừa.

“Tôi thậm chí hiếm khi mua sắm trong siêu thị”, bà tiết lộ. “Tôi cũng phải thay đổi thói quen nấu nướng. Giờ đây, tôi sẽ nấu bất cứ thứ gì có được từ ứng dụng, và tận dụng chúng. Sau đó, tôi chỉ tới siêu thị để bổ sung các mặt hàng thiết yếu mà không thể kiếm được qua ứng dụng”.

Trong khi đó, bà Christina Davis, một trợ giảng tại Whitechapel, cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong hóa đơn thực phẩm, đặc biệt là giá cà phê, thịt và dầu ăn. Theo bà, chính phủ Anh đang làm không đủ để giúp đỡ người dân.

“Họ cứ để giá mọi thứ đi lên, từ khí đốt, điện, và bây giờ là thực phẩm”, bà Davis phàn nàn.

Chi tiêu cẩn trọng hơn

Tại Italy, tỷ lệ lạm phát cũng đang trên đà lập kỷ lục kể từ sau khi quốc gia Nam Âu này gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 1999. Với việc giá cả mọi loại hàng hóa từ cá, bột mỳ, điện tới xăng dầu đồng luật gia tăng, người tiêu dùng Italy đang phải cẩn trọng hơn khi đi mua sắm.

Ông Marco Aureli, một người nông dân kiêm chủ cửa hàng bán rau quả tại khu chợ Testaccio ở thủ đô Rome, cho biết ông vẫn cố gắng cân bằng chi phí đầu vào với giá cả. Dù vậy, giá màng nylon để làm nhà kính và túi sinh học đựng thực phẩm tăng cao khiến ông buộc phải tăng giá.

Nhiều nông dân tại Italy phải tăng giá bán thực phẩm do chi phí đầu vào tăng cao. Ảnh: Euractiv.

“Đương nhiên, chúng tôi phải tăng giá cả lên chút ít. Tôi làm việc 12-15 giờ mỗi ngày. Do đó, tôi phải có lợi nhuận. Nếu không, tôi buộc phải đóng cửa mọi hoạt động”, ông Aureli chia sẻ với AP.

Trong khi đó, bà Simona Proietti, chủ một cửa hàng cá tại chợ Testaccio, cho biết giá xăng dầu tăng đã đẩy giá hải sản lên cao. “Tôi thường nhập cá hồi từ Scotland hoặc Na Uy với giá 9-10 euro mỗi kg, nhưng giờ đây giá đã tăng lên 15,9 euro”, bà nói.

Chính phủ Italy đang áp đặt hàng loạt biện pháp đối phó với lạm phát, bao gồm giảm giá xăng dầu, trợ cấp xã hội và giảm thuế để giúp đỡ các doanh nghiệp và gia đình thu nhập thấp. Dù vậy, theo một số nhà phân tích, đợt lạm phát lần này có thể còn kéo dài.

“Tôi tin rằng lạm phát tiếp tục gia tăng là một nguy cơ đáng kể”, ông Nicola Borri, giáo sư kinh tế học tại Đại học Luiss, Rome, nhận định với AP.

Trong khi đó, tại Pháp, lạm phát được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng số động vật bị chủ bỏ rơi tăng cao.

Bà Ninon Rueff, quản lý một khu tạm trú cho động vật tại tỉnh Yvelines, cho biết có những người phải đem cho thú cưng của mình vì không thể chi trả chi phí chữa trị khi chúng gặp tai nạn, cũng như không còn nguồn thu nhập do mất việc.

“Một người đàn ông nói với tôi rằng ông ấy không thể có điều kiện chăm sóc chú thỏ của mình do lạm phát. Lường trước điều này, ông ấy hẹn chúng tôi tới để mang chú thỏ đi”, bà Rueff nói với FranceInfo.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE