Quay về eMagazine
Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Thị trường chứng khoán 2023:

Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai?

Theo chuyên gia, năm 2022 được gọi tên “một năm bĩ cực” của thị trường chứng khoán (TTCK); năm 2023 thị trường sẽ tới hồi thái lai, mặc dù còn nhiều thách thức…

Sau năm 2022 với VN-Index có mức giảm mạnh thứ hai trong lịch sử và đánh đổ hầu hết mọi dự báo, nhiều câu hỏi chuyển tiếp cho triển vọng TTCK Việt Nam năm 2023: Liệu có cửa sáng lên? Liệu thế giới bên ngoài còn nhiều bất ổn? Liệu câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp và khó khăn trên thị trường bất động sản sẽ dịu bớt? Liệu áp lực lạm phát và lãi suất có hạ nhiệt để hỗ trợ?...

Chia sẻ nhận định đầu năm mới, các chuyên gia vẫn thận trọng với nhiều biến số, nhưng có những gợi mở về cơ sở để kỳ vọng phục hồi.

“CƠ HỘI GIẢI NGÂN CÓ MỘT KHÔNG HAI”

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) - VinaCapital

Tâm điểm của kinh tế thế giới năm 2023 vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài bao lâu, dựa trên dự báo bao giờ lạm phát cơ bản sẽ hạ nhiệt từ mức cao hiện nay. Mặc dù tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại, nhưng lãi suất vẫn chưa đạt đỉnh. Lãi suất giữ ở mức cao vẫn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu và khả năng thanh toán những khoản nợ vay tiêu dùng và vay mua nhà của người dân Mỹ; ảnh hưởng đến sức mua hàng nhập khẩu, đặc biệt khi Mỹ là đối tác lớn của Việt Nam.

Các nước khác ngoài Mỹ vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất và Trung Quốc có dấu hiệu mở cửa sau thời gian dài duy trì chính sách Zero-COVID. Tất cả đều mang tính không chắc chắn về mặt thời điểm, vì vậy sẽ có những ảnh hưởng nhất định và làm cho TTCK toàn cầu biến động.

Rủi ro địa chính trị nếu xảy ra cũng có thể ảnh hưởng kinh tế thế giới và chứng khoán Việt Nam. Căng thẳng Nga - Ukraine có chấm dứt không, quan hệ giữa Mỹ - Trung và Đài Loan sẽ theo chiều hướng nào? Tuy nhiên, có mặt tích cực đối với Việt Nam, bởi trong căng thẳng đó, doanh nghiệp tiếp tục chuyển dịch sản xuất để giảm rủi ro và Việt Nam là một trong các nước hưởng lợi FDI.

Nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn, dựa trên những lợi thế cạnh tranh đặc trưng so với các nước lân cận. Những lợi thế về một dân số năng động, khả năng thu hút FDI…, những yếu tố hấp dẫn này vẫn còn nguyên ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa rồi. Ngay cả những nút nghẽn như hạ tầng chưa phát triển, hay năng suất lao động chưa cao cũng được cho là dư địa cho kinh tế Việt Nam.

TTCK dựa trên tiềm năng tăng trưởng kinh tế, dài hạn cũng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ nhà đầu tư Đài Loan đánh giá quy mô thị trường Việt Nam sẽ còn tăng mạnh, hiện vốn hóa thị trường mới chiếm 60% GDP (Đài Loan trên 260%, Thái Lan trên 110%, Hàn Quốc 120%, Ấn Độ 125%…); số lượng và chất lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường sẽ tăng. Quy mô thị trường, chất lượng nhà đầu tư thay đổi sẽ làm thị trường tăng trưởng bền vững và bớt biến động hơn.

Cho nên những biến động TTCK vừa rồi do tác động vĩ mô thế giới cũng như tại Việt Nam là rủi ro ngắn hạn, và nhà đầu tư nước ngoài xem là cơ hội để tăng giải ngân ở thị trường Việt với một mức giá hấp dẫn, có một không hai trong lịch sử.

Về vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thách thức, bị ảnh hưởng gián tiếp qua việc xuất khẩu bị chậm lại và thất nghiệp ở khối lao động tăng lên. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ cũng sẽ chậm lại so với sự hồi phục từ mức thấp trong năm 2022 (tăng trưởng trên nền thấp năm 2021). Một rủi ro khác đã đề cập là áp lực trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, khoảng 7,2 tỷ USD, ảnh hưởng phần nào đến bức tranh lợi nhuận của 2 ngành lớn là bất động sản và ngân hàng.

Ở thời điểm hiện tại nhiều quỹ đầu tư, công ty chứng khoán có những dự báo cho bức tranh tăng trưởng lợi nhuận 2023 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, hạ triển vọng tăng trưởng xuống khoảng 0%-15%, như vậy đã phần nào phản ánh ảnh hưởng của những yếu tố vĩ mô nói trên. Và theo đó, tôi cho rằng, đây không phải là tâm điểm của TTCK 2023. Mà lúc này, nhà đầu tư đang nhìn xa hơn các yếu tố hỗ trợ: kỳ vọng giải ngân đầu tư công khi 2022 giải ngân chưa như kỳ vọng; Trung Quốc mở cửa kinh tế trở lại; tỷ giá và lãi suất hạ nhiệt…

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và TTCK không hoàn toàn cùng chiều. Thị trường còn bị ảnh hưởng bởi định giá, dòng tiền, nên không phải năm nào kinh tế tốt thì thị trường mới tăng trưởng. Vì vậy, thị trường sẽ có cơ hội hồi phục từ mức nền thấp trước khi kinh tế thực sự phục hồi.

BỐN BIẾN SỐ CHÍNH

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS)

Rất nhiều yếu tố cộng hưởng bên trong và bên ngoài đã làm cho môi trường kinh doanh và niềm tin nhà đầu tư suy yếu năm qua. Như một màn đêm, chúng ta không thấy đâu là ánh sáng, bởi vậy chỉ số chứng khoán đã liên tục giằng co, biến động với biên độ lớn. Theo tôi, 2022 là một năm của bĩ cực.

Vì 2022 là một năm của bĩ cực, do đó 2023 sẽ là kỳ vọng về hồi phục. Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai. Các biến số chính năm 2023 theo tôi sẽ gồm: Đầu tư công, Chính sách lãi suất của Fed, Trung Quốc mở cửa kinh tế, Sửa đổi Nghị định 65.

Năm vừa qua thu ngân sách tăng trưởng 13,8%, với nguồn vốn dồi dào, tôi nghĩ đầu tư công sẽ là chất xúc tác cần được theo dõi.

Với chính sách lãi suất của Fed, việc Fed duy trì lãi suất cao sẽ tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy Fed dần tăng lãi suất với mức độ thấp hơn, và theo tôi nửa sau của năm 2023 sẽ thấy rõ việc Fed hoàn thành mục tiêu lãi suất. Qua đó, áp lực tỷ giá cũng sẽ giảm bớt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2023 theo tôi sẽ đẩy mạnh việc mua USD để dự trữ trở lại. Như vậy, một lượng tiền VND được đưa ra, bài toán thanh khoản cũng sẽ được giải quyết, qua đó giúp lãi suất giảm trở lại, tạo điều kiện cho thúc đẩy kinh tế khi mà chi phí vốn giảm theo.

Với việc Trung Quốc mở cửa, dù Mỹ có thể bước vào suy thoái kinh tế tùy mức độ vào 2023, nhưng việc Trung Quốc mở cửa kinh tế sẽ giúp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, thêm chất xúc tác cho những ngành nghề ở Việt Nam có giao thương với thị trường lớn này.

Với Nghị định 65, việc đề xuất sửa đổi gần đây theo hướng kéo lùi thời gian thực hiện nghị định này, và nếu được thông qua, theo tôi xác suất cao là thông qua, thì sẽ giúp cho dòng vốn trong ngành bất động sản lưu thông trở lại, và các doanh nghiệp cũng có thời gian để cấu trúc lại hoạt động vốn. Năm 2023 có lượng trái phiếu đáo hạn lớn, nên đây là yếu tố cần theo dõi.

Năm 2023, chúng ta sẽ tiếp tục thấy dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam. Xét tổng thể mà nói, Việt Nam là một quốc gia có chính trị và vĩ mô ổn định, nền kinh tế tăng trưởng cao. Nếu là khó khăn chung thì tất cả các nước đều khó khăn, nhưng để mà nói nước nào có sức bật tốt, theo tôi là Việt Nam. Vì vậy bước qua những khó khăn của 2022, tôi cho rằng dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào TTCK Việt Nam, nhất là khi VN-Index đã giảm nhiều và P/E chỉ khoảng 10,5 lần.

Cuối cùng, để thị trường phát triển, theo tôi, các chính sách cần được hoàn thiện đó là Nghị định 65 như trên tôi có đề cập. Ngoài ra là các chính sách, thủ tục liên quan đến giải ngân đầu tư công, cũng như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% mà đến nay vẫn còn chậm…

KỲ VỌNG CHÍNH SÁCH MỚI, SẢN PHẨM MỚI

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam (CSI)

Kết thúc năm 2022, phần lớn những rủi ro đã được phản ánh vào TTCK, tuy nhiên bước sang năm 2023 vẫn còn đó một số lo ngại như: Tín hiệu tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu đã xuất hiện; Mặt bằng lãi suất ở mức cao; Rủi ro lạm phát cao đã xuất hiện cuối năm 2022 và có thể kéo sang 2023; Chính sách tiền tệ thận trọng vẫn có thể là chủ đạo.

Trong thực tế đó thì TTCK năm 2023 vẫn có thể khó khăn đầu năm nhưng được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn từ quý 2 trở đi với các kỳ vọng như: Đầu tư công quyết liệt giải ngân; Lạm phát tạo đỉnh đi xuống trên thế giới, lãi suất USD có thể tạo đỉnh không tăng tiếp sẽ giúp giảm áp lực lên chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam; Tỷ giá USD/VND tương đối ổn định tạo điều kiện thu hút FDI, FII; Hệ thống KRX được vận hành để đưa vào các sản phẩm mới như giao dịch T0, rút ngắn thêm chu kỳ thanh toán…; Chính phủ đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, cho vấn đề pháp lý và khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản…

Việc giảm mạnh trong năm 2022 đã đưa mức định giá của thị trường về mức hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài, khi riêng trong 2 tháng cuối năm họ đã mua ròng khoảng 30.000 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tương đối ổn định thì nhiều khả năng khối ngoại có thể sẽ tiếp tục mua ròng và là một trong những nguồn lực hỗ trợ thị trường khi dòng vốn trong nước có nhiều hạn chế do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thận trọng trước rủi ro lạm phát.

Trong năm 2022 đã có những chính sách mới được đưa vào áp dụng như rút ngắn kỳ thanh toán xuống T+2, thay đổi cách tính giá đóng cửa trong ngày đáo hạn phái sinh, thành lập tổng công ty thanh toán bù trừ, ban hành Nghị định 65 và tuy nhiên cũng đã có dự thảo sửa đổi nghị định này nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu… Mặc dù vậy, những thay đổi về chính sách trong thời gian tới tôi cho rằng cần phải quyết liệt hơn để TTCK Việt tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng giai đoạn 2024-2025.

Tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách và sản phẩm mới tiếp tục được áp dụng như: Vận hành hệ thống KRX sớm để tạo điều kiện đưa thêm các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày (T0), phái sinh trên trái phiếu, cổ phiếu, rút ngắn thêm thời gian thanh toán…; Tiếp tục rà soát để sửa đổi và hoàn thiện hơn nữa các quy định trong Luật chứng khoán; Các quy định để giúp tăng khả năng tiếp cận của nhà ĐTNN vào TTCK Việt cần thực hiện mạnh mẽ hơn như về giới hạn đầu tư cần thông thoáng hơn, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của doanh nghiệp niêm yết cũng cần sớm áp dụng…

TRIỂN VỌNG 2023 SÁNG SỦA HƠN

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch AzFin

Năm 2023, nền kinh tế sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới vẫn thường trực và thậm chí ngày càng rõ ràng hơn, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu; áp lực lạm phát trong nước cao đến từ giá điện, nước và giá dịch vụ y tế, giáo dục có thể sẽ tăng do đã kìm hãm khá lâu để ổn định kinh tế, hạn chế lạm phát từ năm 2020 khi COVID xảy ra, điều này đã khiến EVN thậm chí lỗ lên đến 30.000 tỷ năm 2022.

Lãi suất đang ở mức rất cao khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản, nợ xấu hệ thống ngân hàng dự báo sẽ tăng trong năm 2023. Nhiều ngành nghề gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu như hàng điện tử, dệt may, thủy sản, nông nghiệp. Bất động sản, một trong những trụ cột của nền kinh tế sẽ đối mặt với tình trạng “đóng băng” trong năm 2023.

Nhưng tôi đánh giá triển vọng TTCK 2023 sẽ sáng sủa hơn so với 2022, dựa trên 5 yếu tố.

Thứ nhất, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt ở mức cao trên 6%, từ đó tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết. AzFin dự báo lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 10-15% trong năm 2023.

Thứ hai, tỷ giá VND/USD hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại tệ từ đó cung tiền VND sẽ dồi dào hơn cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy thị trường tốt hơn.

Thứ ba, khi vấn đề về thanh khoản được giải quyết trong khi lạm phát vẫn ổn định, dự báo đến giữa năm 2023 lãi suất có thể sẽ giảm từ đó giúp cho các doanh nghiệp dễ thở hơn, thị trường được định giá cao hơn.

Thứ tư, định giá TTCK cuối năm 2022 ở mức hấp dẫn với P/E 10,2 lần và P/B 1,55 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lần lượt là 16 lần và 2,1 lần. Theo như trong lịch sử, sau khi TTCK giảm về mức định giá như hiện nay thường sau 1 năm chỉ số tăng trung bình khoảng 32%.

Thứ năm, khối ngoại sẽ là động lực không nhỏ thúc đẩy khi TTCK tiếp tục đón nhận dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài nhờ vào kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt và định giá hấp dẫn.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE