"Quả bom” nợ công ở thế giới đang phát triển

Không phải tất cả các quốc gia có thu nhập thấp đều theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô và các chính sách khác có lợi cho tăng trưởng.
Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân mua hàng tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các dòng vốn theo Kế hoạch Marshall đã thúc đẩy quá trình tái thiết nhanh chóng ở châu Âu, và sau khi các quốc gia đó phục hồi, họ đã mở rộng viện trợ nước ngoài và các dòng tài chính chính thức khác sang thế giới đang phát triển. Tài chính tư nhân cũng tăng đáng kể; đến những năm 1990, nguồn vốn này chiếm hơn một nửa tổng các dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển.

Một số trong những dòng chảy này đã đem đến những kết quả ngoạn mục. Hàn Quốc từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vào những năm 1950, với tỷ lệ tiết kiệm chỉ bằng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng sau khi thực hiện những cải cách chính sách lớn, nước này đã có thể tận dụng các dòng vốn lớn để tài trợ cho các khoản đầu tư với tỷ lệ hoàn vốn rất cao. Hàn Quốc đã trở thành một nền kinh tế tiên tiến. Tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao có nghĩa là nước này không gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia có thu nhập thấp đều theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô và các chính sách khác có lợi cho tăng trưởng. Nhiều nước đã vay mượn để trang trải thâm hụt cán cân thanh toán và các vấn đề khác, làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối và gây nguy hiểm cho việc tiếp cận thị trường vốn tư nhân.

Trong nhiều thập kỷ, cộng đồng quốc tế đã giải quyết những vấn đề này thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một thỏa thuận không chính thức giữa các chủ nợ (chính phủ) chính thức, được gọi là Câu lạc bộ Paris. Khi một quốc gia mắc nợ gặp khó khăn, IMF can thiệp để cung cấp tài chính ngắn hạn và khuyến nghị cải cách chính sách nhằm đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng bền vững.

Một khi IMF và chính phủ của quốc gia mắc nợ đồng ý về một chương trình cải cách, các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris có thể đàm phán giảm nợ song phương chính thức hiện có để làm cho nó trở nên bền vững. Ngầm định trong quá trình này là các chủ nợ tư nhân cũng phải đồng ý với một sự cắt giảm tương tự. Nếu không, các quỹ cứu trợ của IMF cuối cùng sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ của quốc gia cho khu vực tư nhân, thay vì phục hồi hoạt động kinh tế.

Mặc dù hệ thống quản lý khủng hoảng này còn chưa hoàn hảo, nhưng nhìn chung vẫn hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi rõ rệt trong hai thập kỷ qua, trong thời gian đó, Trung Quốc đã trở thành người cho vay chính đối với các nước đang phát triển.

Tính đến năm 2022, 74 quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới có nghĩa vụ trả nợ tổng cộng 35 tỷ USD, trong đó 13,1 tỷ USD (37%) là nợ Trung Quốc. Theo một bản tóm tắt chính sách của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson vào tháng 5/2021, Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng số nợ của các nước nghèo đối với các chủ nợ chính thức.

Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là một chủ nợ hàng đầu đã tạo ra nhiều vấn đề, đặc biệt là vì nước này đã từ chối lời mời tham gia Câu lạc bộ Paris. Trong khi các thành viên Câu lạc bộ Paris chia sẻ thông tin về số tiền nợ của họ, Trung Quốc thì không.

Trung Quốc cũng không sẵn sàng tham gia một cách có ý nghĩa vào các thỏa thuận tái cơ cấu nợ đa phương. Thay vào đó, họ hoạt động như một “chiếc hộp đen”, đính kèm các thỏa thuận không tiết lộ thông tin vào nhiều khoản vay của mình và chuyển tín dụng thông qua một loạt cơ quan.

Vào năm 2020, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) – bao gồm cả Trung Quốc – đã nhất trí về Khuôn khổ chung để giải quyết tình trạng nợ ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tiến trình này hầu như không đạt được tiến bộ nào kể từ đó.

Trong khi đó, số lượng các quốc gia phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về trả nợ vẫn tiếp tục gia tăng. Zambia và Sri Lanka đã không trả được nợ và nền kinh tế của họ đang suy thoái sâu sắc.

Trong khi Sri Lanka – cùng với Malawi – đã tạm thời chấp nhận các điều khoản trong một chương trình mới của IMF, thỏa thuận không thể được ký kết (hoặc giải ngân) cho đến khi khoản nợ được đảm bảo bền vững.

Nhưng khi mức nợ hiện tại không bền vững, IMF không thể phê duyệt khoản vay mà không được tất cả các chủ nợ quan trọng nhất trí về một cuộc tái cấu trúc.

Hậu quả là tình trạng tê liệt đã khiến nhiều nước nghèo khác gặp nguy hiểm. Tunisia không thể đáp ứng ngân sách nếu không có tài trợ trái phiếu quốc tế. Ghana, vốn đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần, đã buộc phải phát hành trái phiếu kho bạc kỳ hạn 6 tháng vào tháng 11/2022 với mức lãi suất khủng khiếp 36%. Pakistan, sau khi bị lũ lụt tàn phá vào mùa Hè năm ngoái, có dự trữ ngoại hối chỉ tương đương với một tháng nhập khẩu - thấp hơn nhiều so với mức được coi là an toàn. Và đây chỉ là một vài trong số các quốc gia có mức nợ đang hoặc có khả năng trở nên không bền vững.

Nếu không có sự giúp đỡ của quốc tế, các quốc gia mắc nợ nhiều này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác (như chúng ta đã thấy ở Sri Lanka năm 2022), dẫn đến tình trạng trì trệ hoặc suy giảm kinh tế. Khi nhiều quốc gia rơi vào cái bẫy này, các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tình trạng nghèo đói sẽ gia tăng nhanh chóng.

Tất cả mọi người đều quan tâm đến việc tìm cách đảm bảo tái cơ cấu nợ, cùng với những cải cách chính sách kinh tế cần thiết, cho các quốc gia đang rất cần hỗ trợ. Sự thúc đẩy mới về vấn đề này có thể tạo ra một thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước chủ nợ khác vì lợi ích của tất cả các bên. Con đường hứa hẹn nhất, với vai trò quan trọng của IMF trong việc hỗ trợ cải cách chính sách kinh tế vĩ mô, sẽ là trao cho cơ quan này nhiều thẩm quyền hơn để đánh giá khoản nợ nào là không bền vững.

Thất bại trong việc đón đầu các cuộc khủng hoảng nợ sắp xảy ra ở thế giới đang phát triển cho thấy sự thất bại về mặt đạo đức, và cũng sẽ làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, vì điều này sẽ tạo ra áp lực lớn hơn đối với chính sách bảo hộ ở các nước tiên tiến và gây ra sự phản đối mạnh mẽ hơn đối với cải cách ở các nước đang phát triển.

Kết quả sẽ là tình trạng trì trệ và suy thoái kéo dài ở các nền kinh tế nợ nần chồng chất, với phí tổn nhân đạo khổng lồ.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE