Phương án nào để bảo hộ thương hiệu cho các hộ kinh doanh cá thể?

Vấn đề bảo hộ thương hiệu của các hộ kinh doanh cá thể đến nay vẫn còn rất bất cập và nan giải. Trong cùng một dãy phố có hàng loạt cửa hàng treo biển cùng tên và bán cùng 1 loại sản phẩm, ai cũng nhận mình là “chính hãng”.
Phương án nào để bảo hộ thương hiệu cho các hộ kinh doanh cá thể?

Thương hiệu cá nhân nhưng “dùng chung”

Số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp.

Với đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ từ lịch sử để lại, các hộ cá thể thường có quy mô nhỏ, chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ thị trường. Do đó, những hộ cá thể thường có các sản phẩm nổi bật, tạo sự khác biệt thị trường để có thể thu hút khách hàng.

Dần dà, các sản phẩm này tạo được danh tiếng, và được khách hàng biết đến như thương hiệu đặc trưng cho mặt hàng đó. Điển hình như lạc rang húng lìu bà Vân, cốm làng vòng bà Hoản, giò chả Quốc Hương…

Tuy nhiên, dạo dọc trên đường bà Triệu, hàng chục cửa hàng treo biển “lạc rang bà Vân”, ở làng Vòng cũng không thiếu bảng hiệu “cốm bà Hoản”... hay như đường Hàng Than có thể đổi tên thành đường Nguyên Ninh, bởi dọc con phố này phải quá nửa treo bảng… Bánh cốm Nguyên Ninh.

Tìm hiểu về cả con phố treo bảng hiệu bánh cốm Nguyên Ninh, bà Vũ Thị Hoa, một người dân tại Hàng Than cho biết, trước đây cửa hàng gốc đã từng có nhiều biện pháp yêu cầu các hộ gia đình khác không sử dụng thương hiệu này, tuy nhiên “dẹp một cửa hàng thì một cửa hàng khác treo lên”, thành ra dẹp không nổi.

Bà Vũ Thị Hoa cũng cho biết, hiện tại Hàng Than, không chỉ bánh cốm Nguyên Ninh, mà cửa hàng Caramen Dương Hoa tại 29 Hàng Than cũng đang có dấu hiệu bị người khác lợi dụng thương hiệu để bán hàng.

Chủ cửa hàng caramen Dương Hoa, ông Nguyễn Thái Dương cho biết, cửa hàng ông mở từ năm 1995, đến nay đã có gần 30 năm lịch sử. Giai đoạn đầu mở cửa hàng, ông và vợ phải tự mày mò để tìm công thức làm caramen phù hợp với khẩu vị của người dân. Đến giai đoạn 1999 – 2000, sản phẩm của cửa hàng mới được sự đón nhận của người dùng và dần tạo được danh tiếng.

“Trước đó, dọc trên phố Hàng Than cũng có một cửa hàng bán caramen, nhưng không thể cạnh tranh được với Dương Hoa, nên đã đóng cửa từ lâu”, ông Dương nói.

Caramen Dương Hoa - số 29 hàng Than

Đến nay, Dương Hoa đã tạo được danh tiếng và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Khách hàng mua hàng không chỉ tại Hà Nội, mà còn tại các tỉnh lân cận như Hải Dương, Vĩnh Phúc… thậm chí một số khách tại TP. HCM đi công tác Hà Nội cũng qua mua về làm quà. “Mỗi đơn đặt hàng đi tỉnh, từ 1.500 – 2.000 cốc, chưa kể các sản phẩm khác”, ông Dương nói.

Năm 2016, khi cửa hàng đạt được danh tiếng nhất định, ông Dương cũng đã đi đăng ký bản quyền nhãn hiệu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua một số người bạn thông tin, ông mới biết có các gia đình, doanh nghiệp khác đang sử dụng thương hiệu của mình để bán hàng.

Tìm kiếm trên một app gọi đồ ăn trực tuyến, ông Dương cho biết có không dưới 3 cửa hàng bán caramen Dương Hoa, nhưng thực tế ông không hề bán hàng qua các kênh thương mại điện tử. Những cửa hàng trên app cũng đều là lợi dụng thương hiệu.

“Giá bán của cửa hàng không đổi là 8.000 đồng/cốc, nhưng trên các app này, giá bán lại “biến thiên”, lúc 9.000 đồng/cốc, đặt nhiều thì 7.000 đồng/cốc, làm người tiêu dùng đang hiểu sai về Dương Hoa”, ông Dương nói.

Bất lực bản quyền bị xâm phạm

Thương hiệu caramen Dương Hoa Hàng Than đã có 30 năm lịch sử, là tâm huyết của ông bà chủ quán. Caramen được làm với cái tâm phục vụ người tiêu dùng, do đó các sản phẩm của caramen Dương Hoa Hàng Than luôn đảm bảo chất lượng, thu hút được khách hàng bởi tính “hữu xạ tự nhiên hương” chứ không qua quảng cáo hay bán hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử tân thời.

Cửa hàng tại số 29 Hàng Than luôn luôn tấp nập khách ra vào. Khách hàng không chỉ là người trẻ tuổi, mà đến cả những người có tuổi vì nghe danh mà đến.

Trong khi đó, dạo trên các app giao đồ ăn Foody, thương hiệu caramen Dương Hoa lại có những bình luận tiêu cực. Điều đáng nói, với những người trẻ thông thạo công nghệ, thì việc tìm kiếm một thương hiệu trên mạng, và xem các đánh giá trên đó để quyết định có đến tận nơi thưởng thức hay không. Do đó, với những bình luận này, ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của cửa hàng.

Thêm vào đó, với tâm huyết của mình, ông chủ cửa hàng caramen Dương Hoa 29 Hàng Than luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình ở mức tốt nhất. Còn với những bên sử dụng thương hiệu, như ở 101C5 Trần Tử Bình (Nghĩa Tân, Cầu Giấy), thì không lấy gì làm chắc chắn sẽ đảm bảo chất lượng, khi thương hiệu của cửa hàng này cũng là thương hiệu của người khác.

Nói về vấn đề cửa hàng khác sử dụng thương hiệu của mình, ông Dương cho biết, ông có biết tình trạng đấy, nhưng không biết xử lý thế nào.

“Với những hộ kinh doanh cá thể như chúng tôi, khi việc kinh doanh vẫn ổn định thì chúng tôi vẫn tiếp tục công việc kinh doanh này. Thêm vào đó, thú thực cả đời chúng tôi chỉ quanh quẩn tìm công thức sản xuất caramen, rồi tìm cách cải tiến, mở rộng dây chuyền sản xuất, nên không am hiểu lắm về câu chuyện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu cá nhân”, ông Dương bộc bạch.

Theo ông Dương, những hộ kinh doanh như ông, có được giấy sở hữu nhãn hiệu năm 2016 đã là một “nỗ lực”, bởi đã phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê, lại mất kha khá chi phí.

Trong khi đó “việc giả nhãn hiệu này hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của cửa hàng gia đình chúng tôi, nên chưa phải là vấn đề quá lớn”, nhưng ông Dương nói.

Tuy nhiên, sau 30 năm phấn đấu và xây dựng, Caramen Dương Hoa 29 Hàng Than ít nhiều cũng đã có thương hiệu nhất định, và ông chủ cửa hàng cũng muốn để lại thương hiệu này cho lớp kế cận.

Nhìn sang các cửa hàng gắn nhãn hiệu “Bánh cốm Nguyên Ninh”, ông chủ Nguyễn Thái Dương không khỏi băn khoăn, liệu rồi sau này sẽ có bao nhiều “caramen Dương Hoa” sẽ mở ra, và bao nhiêu người sẽ biết được “Caramen Dương Hoa 29 Hàng Than” mới là cửa hàng gốc, chứa đựng tâm huyết của gia đình ông bà.

Ông Dương cũng mong muốn được đăng ký thương hiệu sản phẩm, nhưng như đã nói ở trên, ông không rõ phương án, cách làm. Thêm vào đó, nhìn sang Nguyên Ninh, ông cũng không mấy tin tưởng rằng có đăng ký sản phẩm thì sẽ được bảo hộ: “Nguyên Ninh mạnh thế, mà cũng đành phải chấp nhận người khác sử dụng thương hiệu của mình. Chúng tôi thì…”, ông Dương thở dài.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE