Phục hồi nhanh gấp 3, 4 lần VN-Index, cổ phiếu phân bón có còn “cửa” tăng?

Trong tuần qua, nhiều cổ phiếu nhóm ngành phân bón như DPM, DCM, DGC, BFC, DHB,… chứng kiến mức tăng lần lượt tới 20,5%, 24,9%, 18,3%, 15,7% và 13,3%, vượt xa mức phục hồi 5,87% của VN-Index.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với diễn biến tích cực của hoạt động kinh doanh, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành phân bón như DCM, DPM, DGC, BFC, DHB, PMB, LAS... đều bứt phá mạnh trong năm 2021 và quý 1/2022, trước khi sụt giảm mạnh những tuần gần đây trong bối cảnh thị trường chung có nhiều diễn biến không thuận lợi.

Đáng chú ý, trong ba phiên giảm mạnh liên tiếp (12, 13 và 16/5), VN-Index đã thủng mốc 1.200 điểm và lùi về vùng đáy ngắn hạn hơn 1 năm, một số cổ phiếu phân bón như DPM, DCM đã “ăn” ngay 3 cây sàn, trong khi DGC, BFC cũng không khá khẩm hơn là bao khi có 2 phiên giảm sàn liên tiếp.

Tuy nhiên, trong phiên 17/5 khi VN-Index tăng mạnh 56,42 điểm và hồi phục về 1.228,37 điểm, các cổ phiếu ngành phân bón cũng đồng loạt tăng trần, khởi đầu cho một tuần phục hồi ấn tượng. Khép lại tuần qua, DPM đã chứng kiến mức tăng tới 20,5%, trong khi DCM, DGC, BFC, DHB,… cũng tăng lần lượt 24,9%, 18,3%, 15,7% và 13,3%, vượt xa mức phục hồi 5,87% của VN-Index.

Lợi nhuận "khủng" đỡ giá cổ phiếu

Xét về yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu, có thể thấy, phân bón là nhóm ngành tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh nổi bật nhờ hưởng lợi từ giá tăng cao. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón bắt đầu tăng phi mã từ năm 2020 đến nay và đây cũng là đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Giá phân bón tăng chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh giá phân bón thế giới lập đỉnh, nhiều doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đã tận dụng cơ hội, đẩy mạnh việc xuất khẩu phân bón sang các thị trường như Campuchia, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc...Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao và hoạt động xuất khẩu thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), DAP-Vinachem (DDV), Hóa chất Đức Giang (DGC) đều tăng trưởng bằng lần, trong khi Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PSW), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS), Phân Đạm và Hóa Chất Hà Bắc (DHB),… cũng lãi lớn.

Cụ thể, trong quý 1/2022, DPM ghi nhận doanh thu thuần 5.829 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 1/2021 và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong quý 1, DPM đã trúng gói thầu xuất khẩu lớn và đã kịp xuất bán ngay trong tháng 1, ước tính thu về 1.000 – 1.100 tỷ đồng lợi nhuận. Mức lợi nhuận này vượt cả kế hoạch DPM đề ra cả năm 2022 là lãi sau thuế 945 tỷ đồng.

Tương tự, 3 tháng đầu năm, DCM đạt doanh thu thuần 4.074 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ và LNST cao kỷ lục, đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Kết thúc quý 1, DCM đã hoàn thành 45% mục tiêu doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận.

Một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn khác cũng ghi nhận kết quả quý 1 khả quan như DGC đạt doanh thu thuần 3.634 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021 và LNST đạt 1.506 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ; DDV có lợi nhuận sau thuế đạt 136,5 tỷ đồng (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ), DHB cũng ghi nhận LNST cao nhất từ khi hoạt động (868 tỷ đồng),…

Với kết quả kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành phân bón đều ghi nhận mức tăng ấn tượng trong năm 2021 và quý 1/2022. Điển hình, như cổ phiếu DPM đã tăng 178% trong năm 2021 và hơn 37% trong quý 1; trong khi cổ phiếu DCM tăng 174% trong năm 2021 và 14% trong quý 1, trước khi sụt giảm mạnh những tuần gần đây trong bối cảnh thị trường chung lao dốc.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể giảm dần trong quý 2

Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 1, nhưng trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam lại cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp phân bón có thể chậm lại.

Tốc độ tăng trưởng LNST của các doanh nghiệp phân bón đã chậm lại trong quý 1/2022

Tốc độ tăng trưởng LNST của các doanh nghiệp phân bón đã chậm lại trong quý 1/2022

Theo KIS, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đã đạt đỉnh mới trong quý 1/2022 tại mức 31,7%. Nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất LNG của ngành phân bón trong các quý tiếp theo có thể giảm sau khi đạt đỉnh trong quý 1. Dù vậy, KIS vẫn đánh giá cao ngành phân bón với những kết quả hứa hẹn sẽ đạt được trong quý 2 so với cùng kỳ 2021.

Trong quý 1, tận dụng cơ hội đến từ việc giá phân bón đang neo tại mức cao và nhu cầu trong nước đang rơi vào giai đoạn thấp điểm, các đơn vị sản xuất phân bón đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu. Tính riêng trong tháng 1/2022, sản lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 370.000 tấn, kéo theo tổng sản lượng xuất khẩu cả quý lên đến 510.000 tấn, tương đương 44%/40% tổng sản lượng xuất khẩu trong 2020 và 2021.

Tuy nhiên, KIS cho rằng, từ quý 2, nước ta bước vào vụ Hè-Thu, nhu cầu phân bón nội địa được dự báo tăng cao, do đó các công ty phân bón sẽ khó lòng đẩy mạnh xuất khẩu do phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước. Mặc dù vậy, KIS cho rằng các công ty có thể phục hồi sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn từ cuối quý 3 đến đầu quý 4/2022 khi vụ Hè-Thu bước vào giai đoạn thu hoạch.

Ngoài ra, KIS cũng lưu ý về tác động của việc áp thuế xuất khẩu 5% lên mặt hàng phân bón từ Bộ Tài Chính. Tuy nhiên, mức thuế 5% có thể không đáng kể đối với các đơn vị xuất khẩu, do các công ty này có thể đạt được một khoảng "hậu hĩnh" nhờ đơn giá xuất khẩu ở mức cao so với giá bán trong nước.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ phân bón nội địa tăng trong vụ Hè-Thu (diễn ra vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 hằng năm) sắp đến có thể bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do hạn chế xuất khẩu. Theo KIS, DPM và DCM sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước và hạn chế xuất khẩu trong quý 2/2022.

“Nếu không có đóng góp từ doanh thu xuất khẩu, cộng thêm tác động từ biên LNG thu hẹp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng có thể giảm dần trong quý 2/2022 mặc dù kết quả vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước”, KIS nhận định.

Đọc tiếp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai việc công bố thông tin một đầu mối kể từ ngày 8/3

Từ ngày 8/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin (CBTT) một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK). Trước mắt, sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Chat với BizLIVE