Phó thống đốc: Cơ chế hành chính, nếu hiệu quả thì vẫn nên sử dụng

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, việc cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng là công cụ có tính chất hành chính nhưng theo kinh nghiệm của các nước, trong những điều kiện nhất định, nếu thấy có hiệu quả thì vẫn nên sử dụng.
Theo lãnh đạo NHNN, việc cấp room tín dụng cho ngân hàng vẫn đang phát huy tín dụng.
Theo lãnh đạo NHNN, việc cấp room tín dụng cho ngân hàng vẫn đang phát huy tín dụng.

Sau giai đoạn ngành ngân hàng liên tục tăng trưởng tín dụng nóng và lạm phát lên mức hai chữ số, từ năm 2011, việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhà băng đã trở thành một trong những công cụ hiệu quả để Nhà điều hành kiểm soát chất lượng cho vay cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, lãi suất,…

Dù vậy, sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm mang nặng tính mệnh lệnh hành chính và đã không còn phù hợp bối cảnh hiện nay.

Đồng thời, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm dẫn tới năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới.

Dù vậy, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 sáng nay (15/6), ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho rằng, hạn mức tín dụng hiện vẫn đang là công cụ điều hành hữu hiệu của NHNN.

Theo ông Quang, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2023 là rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều NHTW lớn đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

“Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, trong năm 2021 đã có 113 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Cường độ tăng lãi suất tiếp tục tăng cao trong năm 2022 khi chỉ trong 5 tháng đầu năm, thế giới đã có thêm 144 lượt tăng lãi suất. Trong bối cảnh đó, NHNN đã 3 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong năm 2020, đồng thời, cố gắng bình ổn lãi suất trong suốt giai đoạn 2020 – 2022. Đó thực sự là một nỗ lực rất lớn”, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết.

Cũng theo lãnh đạo này, từ năm 2011 đến nay, NHNN phải đi song song, vừa quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế, vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng, giám sát từ sớm để đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại nằm trong tầm kiểm soát.

“Từ 2011 trở về trước, tăng trưởng tín dụng hệ thống thường xuyên ở mức trên dưới 30%, có năm gần 50%, vượt rất xa khả năng quản trị, cân đối vốn của các ngân hàng thương mại, dẫn đến mất khả năng thanh toán. Điều này dẫn đến việc NHNN buộc phải có các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Số liệu vài năm trở về đây cũng cho thấy, nhu cầu tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt xa so với khả năng cân đối vốn của các nhà băng. Với tốc độ tăng như thế, áp lực lạm phát là rất lớn, dẫn đến vòng xoáy lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay tăng và dẫn đến nợ xấu gia tăng”, ông Quang nói.

Cũng theo lãnh đạo này, NHNN có thể điều chỉnh tăng hạn mức cho một số ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, các quỹ tín dụng nhân dân. Ngược lại, đối với những thành viên có tỷ trọng tín dụng lớn cho vay các ngành nghề rủi ro cao như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp,… thì sẽ bị xem xét giảm hạn mức tín dụng để nâng cao chất lượng tài sản của TCTD.

Còn theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực NHNN, việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm được công khai minh bạch tại Chỉ thị 01 ban hành vào đầu năm, tuy nhiên, con số này chỉ có tính chất định hướng với các dự báo đưa ra từ đầu năm, còn con số thực tế thì có thể được điều chỉnh tùy theo yêu cầu thực tế của nền kinh tế.

“Đây là công cụ có tính chất hành chính nhưng theo kinh nghiệm của các nước, trong những điều kiện nhất định, nếu thấy có hiệu quả thì vẫn nên sử dụng”, Phó thống đốc nói.

Liên quan đến phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho biết họ có nhu cầu vay vốn rất lớn và đã được chấp thuận cho vay, tuy nhiên, lại không được giải ngân vì lý do ngân hàng hết hạn mức tín dụng, ông Phạm Chí Quang cho biết, điều này chỉ xảy ra ở một số ít ngân hàng.

“Tính đến giữa tháng 6, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới chỉ đạt 8,15% và vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà NHNN đề ra tại Chỉ thị 01 hồi đầu năm”, ông Quang nói.

Theo lãnh đạo này, nhiều ngân hàng vẫn còn hạn mức tín dụng, chỉ một số ít thành viên gần cạn. Theo đó, họ buộc phải có hành động mang tính phòng thủ, tức ưu tiên cấp tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên hoặc khoản vay có chất lượng cao.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

VN-Index hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm

Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính kéo chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng 1.281 điểm trong tuần qua. Tuần tăng mạnh trên nền thanh khoản cao sẽ tiếp tục tạo động lực để thị trường hướng tới ngưỡng 1.300 – 1.320 điểm.

Chat với BizLIVE