Phát hiện cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả quy mô lớn tại Hải Dương

Tại cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện gần 2.700 đơn vị sản phẩm thành phẩm; gần 600 đơn vị bán thánh phẩm; trên 270 kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng cùng hàng trăm kg tem, phiếu, bao bì, hộp, chai, lọ các loại...
Lực lượng QLTT và công an phối hợp kiểm tra tại hiện trường - Ảnh: Cục QLTT tỉnh Hải Dương
Lực lượng QLTT và công an phối hợp kiểm tra tại hiện trường - Ảnh: Cục QLTT tỉnh Hải Dương
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương cho biết, trong hai ngày 15 và 16, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã tập trung kiểm đếm, phân loại chi tiết hàng hóa tại cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương để làm cơ sở phối hợp, xác minh làm rõ vi phạm.
Trước đó, chiều ngày 14/12, Đội QLTT số 2 phối hợp với Công an thị xã Kinh Môn tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mỹ phẩm do bà N.T.L ở phố Trần Hưng Đạo, thị xã Kinh Môn làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra cơ sở này đang sản xuất, đóng gói mỹ phẩm các loại và dán nhãn sản xuất tại nhiều cơ sở khác trong và ngoài nước.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện gần 2.700 đơn vị sản phẩm (hộp, lọ) thành phẩm; gần 600 đơn vị sản phẩm (gói, lọ) bán thánh phẩm; trên 270 kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng; 24 kg tem, phiếu bảo hành; 180 kg vỏ bao bì, hộp, chai, lọ các loại cùng với một số máy móc như máy khò màng co, máy ép nhiệt, máy bọc màng co nhiệt, dụng cụ chiết rót...
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, đóng gói mỹ phẩm.
Bước đầu chủ cơ sở kinh doanh khai nhận mua nguyên liệu, máy móc, bao bì, tem nhãn về để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng gói mỹ phẩm ghi nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước để bán kiếm lời.
Lực lượng chức năng đã quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa thành phẩm, bán thành phẩm và các nguyên liệu, bao bì, máy móc.
Thời gian gần đây, lực lượng QLTT một số tỉnh, thành liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.
Điển hình, ngày 10/12, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh khi tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện tạm giữ hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm là nước hoa, son môi, kem mắt, nước hoa hồng… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu như Versace, Gucci, Santal33, The Noir 29, Dior, LELABO, Giorgio Armani, Chanel, Calvin Klein, YSL, Lancôme, Dolce & Gabbana, Moschino...
Ngày 14/12, tại Cà Mau, lực lượng QLTT tỉnh này cũng phát hiện hơn 500 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên nhãn hàng hóa không có thông tin thể hiện nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là hơn 44 triệu đồng.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE