[Phần 5] Thăng trầm của Samsung: Mỹ, Trung Quốc vẽ lại bản đồ ngành công nghệ

Luật chơi do Mỹ hoặc Trung Quốc quyết định. Đây là sự khác biệt lớn mà Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí cả Nhật Bản, Đức và Ấn Độ khó có được.
Mỹ, Trung Quốc là hai người chơi quyết định trên bàn cờ công nghệ toàn cầu
Mỹ, Trung Quốc là hai người chơi quyết định trên bàn cờ công nghệ toàn cầu

Vị thế quốc tế

Vốn hoá thị trường của Samsung là 402 nghìn tỷ won (tương đương 300 tỷ USD, theo tỷ giá 1.348 won đổi 1 USD) vào cuối tháng 8. Vốn hóa thị trường của TSMC khoảng 436,3 tỷ USD, cao hơn nhiều Samsung - chênh lệch hơn 136 tỷ USD.

Lượng tiền mặt của Samsung rất lớn, chiếm tới 30% vốn hoá thị trường, cao hơn nhiều so với TSMC, Intel hay Apple. TSMC thường có lượng tiền mặt không quá 10% vốn hoá thị trường và Apple thậm chí còn thấp hơn. Điều này có nghĩa là Samsung có nhiều nguồn lực hơn để thực hiện các thương vụ mua lại quốc tế.

Từ năm 2010, Samsung có 8 thương vụ mua lại trị giá hơn 100 triệu USD, trong đó thương vụ lớn nhất là mua lại Harman vào năm 2017. Nhưng các hợp đồng này của Samsung dường như không tạo ra nhiều ảnh hưởng đến thị trường.

Chúng ta chưa thấy TSMC thực hiện bất kỳ hoạt động M&A lớn nào kể từ khi mua lại tập đoàn WSMC vào năm 2000. Trong những năm qua, Intel đầu tư 4,7 tỷ USD và Apple gần 900 triệu USD.

Đối thủ lớn của Samsung ở mảng xưởng đúc chip là TSMC
Đối thủ lớn của Samsung ở mảng xưởng đúc chip là TSMC

Tỷ lệ P/E của Samsung chỉ là 8,5, nhưng của TSMC là 15,9, cho thấy TSMC được các nhà đầu tư “ưu ái” hơn. Nguyên nhân khiến Samsung không được kỳ vọng là hoạt động kinh doanh quá phụ thuộc vào mảng bộ nhớ. Về giá trị kinh doanh thương hiệu, tập đoàn Hàn Quốc cũng tập trung vào điện tử tiêu dùng và thiết bị di động. Samsung không thể tự chuyển mình theo hướng tích hợp hệ thống phần mềm - cách thức mà HP và Dell từng áp dụng.

Trong trung và dài hạn, ứng viên khả dĩ nhất có thể đánh bại TSMC không phải Samsung mà là Intel. Hàn Quốc, cũng như Đài Loan (Trung Quốc), có lợi thế về sản xuất phần cứng với chi phí thấp. Ngay cả thành công trong việc xây dựng được các thương hiệu toàn cầu, 2 quốc gia này không thể đặt ra các quy tắc hay thay đổi cuộc chơi toàn cầu.

Vì vậy, ngay cả khi có thể đe dọa TSMC, Samsung cũng không có khả năng đánh bật hoặc “tiêu diệt” TSMC. Nhưng Intel và chính phủ Mỹ hỗ trợ phía sau sẽ nắm thế chủ động, có thể đưa ra luật chơi. Khi những gã khổng lồ Internet trị giá nghìn tỷ USD của Mỹ hợp tác với Intel để định hình lại thị trường, các công ty châu Á có chuyên môn về sản xuất chắc chắn phải đối mặt với thách thức sinh tử.

Bản đồ ngành công nghệ thế giới có thể được Mỹ chi phối và vẽ lại nhờ những lợi thế về số lượng bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ về bán dẫn. Khi đó, cả TSMC và Samsung đều nằm trong số “những người chịu đau khổ”.

Samsung đối mặt rủi ro khi môi trường kinh doanh biến động

Samsung đối mặt rủi ro khi môi trường kinh doanh biến động

Binh pháp Tôn Tử nói rằng nếu bạn bày ra thế trận, kẻ thù sẽ phải chơi theo. Khi khuôn khổ được thiết lập, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó. Đây là chiến lược khôn ngoan của Mỹ bởi không đòi hỏi sử dụng vũ lực.

Luật chơi chắc chắn sẽ do Mỹ hoặc Trung Quốc quyết định. Đây là sự khác biệt lớn mà Đài Loan, Hàn Quốc và thậm chí cả Nhật Bản, Đức và Ấn Độ khó có được.

Kỳ vọng ở công nghệ thế hệ tiếp theo

Mảng chip cao cấp cho máy tính hiệu năng cao (HPC), trung tâm dữ liệu và Internet xe cộ (IoV) có tiềm năng lớn. Hiện tại, lĩnh vực HPC đóng góp khoảng 10% doanh thu cho xưởng đúc của Samsung, trong khi TSMC đạt con số 43% tính đến quý 2/2022, vượt cả tỷ lệ 38% của mảng thiết bị di động. TSMC rõ ràng đang có lợi thế.

Cũng giống như trong kỷ nguyên siêu máy tính, khi mọi người đều coi IBM là lựa chọn đầu tiên, xưởng đúc số 1 bây giờ tất nhiên là TSMC, công ty khẳng định sẽ không cạnh tranh với khách hàng của mình như Samsung đang làm.

Khi thiết kế trung tâm dữ liệu, các công ty như Meta cân nhắc việc thay thế các chip đa năng của Intel bằng các chip tùy chỉnh của riêng họ có thông số kỹ thuật cao hơn. Xu hướng này thậm chí còn quan trọng hơn đối với các công ty mạng xây dựng trung tâm dữ liệu cần DRAM để hỗ trợ tính toán nhanh. Đây là xu thế có lợi cho các xưởng đúc chip.

Những bất ổn ở mảng bộ nhớ khiến Samsung lao đao

Những bất ổn ở mảng bộ nhớ khiến Samsung lao đao

Nhu cầu về các module DRAM trong các trung tâm dữ liệu chuyển từ các module 32 GB sang 128 GB. Đây là bước phát triển đáng kể cho việc thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng quan trọng khác. Xu hướng này có thể được nhìn thấy khi sự sụt giảm dần thị phần của bộ vi xử lý x86 và vai trò của Nvidia và AMD trong nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn sự phát triển của AI ở Trung Quốc.

Trọng tâm hiện tại của các công trình xây dựng trung tâm dữ liệu nằm ở miền Đông Trung Quốc và việc phát triển trung tâm dữ liệu trong tương lai sẽ tập trung vào các khu vực phía Tây, nơi hóa đơn điện và nước thấp hơn nhiều so với các khu vực phía Đông. Tình hình đang thay đổi và nhu cầu cũng đa dạng, nhưng chúng ta không thấy bất kỳ yếu tố nào có lợi cho Samsung.

Vệ tinh LEO là công nghệ được Samsung kỳ vọng

Vệ tinh LEO là công nghệ được Samsung kỳ vọng

Trong khi đó, công nghệ truyền thông thế hệ mới liên quan đến trung tâm dữ liệu hoặc vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) là những cân nhắc chiến lược với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong kỷ nguyên mới.

Samsung có bước khởi đầu trong việc phát triển vệ tinh LEO và các công nghệ truyền thông thế hệ tiếp theo. Liệu rằng trong tương lai, Hàn Quốc có thể thực hiện sứ mệnh lên Mặt trăng nhờ công nghệ của Samsung?

Hàn Quốc không cam chịu là “quốc gia hạng hai” nên chắc chắn họ sẽ tìm cơ hội ở thời kỳ của công nghệ “không gian”.

Hàn Quốc là một trong 7 quốc gia có thể phóng tên lửa nặng 1 tấn. Vệ tinh LEO có ưu điểm là đường truyền nhanh và được coi là công nghệ liên lạc chủ chốt của tương lai.

Xứ sở kim chi cũng đi đầu trong công nghệ 4G, 5G và chắc chắn cũng sớm phát triển 6G. Để mắt đến cơ hội kinh doanh hàng đầu thế giới, các đại học nổi tiếng như Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc và Đại học Yonsei đóng vai trò là đối tác trong hình thức hợp tác giữa các ngành công nghiệp, chính phủ và các lĩnh vực học thuật.

Dựa trên cấu trúc công nghiệp của Hàn Quốc, những công nghệ mới này sẽ được ứng dụng chủ yếu thông qua Samsung và LG trong tương lai.

Starlink của SpaceX đến Hàn Quốc vào năm 2023 để phát triển chương trình dịch vụ vệ tinh LEO. Xứ sở kim chi cũng đang xem xét khả năng di chuyển hàng không đô thị (UAM) sử dụng công nghệ LTE.

Hàn Quốc có tầm nhìn xa trong công nghiệp chế tạo sản phẩm ứng dụng và tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh lớn, bất chấp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đây là điều các nền kinh tế mới nổi có thể học hỏi từ Hàn Quốc.

Phần 1: Thăng trầm của Samsung: Chiến lược kinh doanh mới
Phần 2: Thăng trầm của Samsung: Giành giật khách hàng cho xưởng đúc chip
Phần 3: Thăng trầm của Samsung: Nguy cơ bị cô lập
Phần 4: Thăng trầm của Samsung: Mỹ, Trung Quốc vẽ lại bản đồ ngành công nghệ

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE