Quay về eMagazine
PGS. TS. Phạm Thế Anh: "Cơ hội luôn luôn có"

PGS. TS. Phạm Thế Anh: "Cơ hội luôn luôn có"

Dù phục hồi rõ nét, kinh tế Việt Nam vẫn gặp hàng loạt thách thức, đặc biệt từ bên ngoài. Song, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, cơ hội phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng là luôn luôn có…

Nhấn mạnh những khó khăn và thách thức từ bên ngoài, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cũng lưu ý về động lực bên trong: nếu không đẩy mạnh và kịp thời Chương trình hỗ trợ, cũng như thiếu những giải pháp linh hoạt với bối cảnh mới, sức phục hồi của kinh tế Việt Nam sẽ yếu dần.

BA KHÓ KHĂN LỚN VÀ SỨC ÉP CHI PHÍ

Thưa ông, cho đến nay kinh tế Việt Nam với nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đang hướng tới phục hồi và dần bình thường như trước dịch. Song, thế giới bên ngoài có nhiều biến động bất lợi. Ông đánh giá thế nào về bối cảnh đó?

Đối với kinh tế thế giới, có mấy vấn đề nổi bật hiện nay. Đó là nguy cơ suy thoái. Kinh tế thế giới vừa hồi phục nhưng hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sức ép lạm phát tăng cao tại tất cả các nền kinh tế lớn, trừ Nhật Bản. Lạm phát lại càng khó khăn hơn nữa khi nó xuất phát từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, vì thế càng khó “chống”; nếu xuất phát từ nguyên nhân tổng cầu thì sẽ dễ xử lý hơn.

Kinh tế thế giới vừa hồi phục hậu COVID-19, các chính phủ và các ngân hàng trung ương đang điều chỉnh lại chính sách tiền tệ sau mấy năm liên tục bơm tiền, nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế. Giờ là lúc họ cần thu hẹp lại chính sách tiền tệ. Kinh tế thế giới đang rơi vào giai đoạn vừa phải chống lạm phát, vừa phải tránh rơi vào suy thoái, vậy nên bài toán đặt ra sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho các ngân hàng trung ương.

Khi nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến các nước, trong đó có Việt Nam; bởi độ mở của kinh tế Việt Nam rất lớn khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới hơn 2 lần GDP, đầu tư FDI cũng có quy mô hơn 20 tỷ USD.

Khó khăn thứ hai liên quan đến xung đột Nga - Ukraine khiến giá của các hàng hóa nguyên vật liệu cơ bản, giá năng lượng tăng rất mạnh. Với nền kinh tế mở như Việt Nam, hiệu ứng tăng giá trên thế giới được chuyển ngay vào bởi chúng ta không tự chủ được nhiên, nguyên vật liệu sản xuất.

PGS.TS. Phạm Thế Anh
PGS.TS. Phạm Thế Anh

Nhưng chúng ta đã và đang có những chương trình giảm, giãn thuế…, thưa ông?

Mặc dù đã có những chương trình giảm thuế, phí nhưng thu ngân sách vẫn tăng.

Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng kéo theo chi phí sản xuất và cuối cùng là giá sản phẩm đầu ra tăng.

Đối diện với chi phí đầu vào tăng, lại trong bối cảnh hậu dịch bệnh, nhiều nhà sản xuất chưa chuyển ngay phần tăng đó vào giá sản phẩm. Song doanh nghiệp chỉ có hai khả năng, một là tăng giá bán hay là thu hẹp sản xuất. Theo đó rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là hiện hữu.

Còn với thị trường Trung Quốc, nơi mà Việt Nam nhập nhiều nguyên vật liệu và thiết bị đầu vào, cũng là thị trường xuất khẩu lớn. Chính sách “Zero COVID” của họ cũng là một trở ngại đáng kể…

Đó là khó khăn thứ ba. Nhưng khó khăn này tôi không đánh giá là nghiêm trọng, bởi đây chỉ là chính sách tạm thời, nó có thể kéo dài thêm vài tháng nữa rồi quay trở lại bình thường. Mặc dù những khó khăn này là tạm thời nhưng vẫn sẽ gây ra những tác động xấu nhất định, dù không đáng ngại bằng hai thách thức trên.

Khi Trung Quốc phong toả gây khó khăn sản xuất trong nước từ xuất nhập khẩu, xu hướng dòng đầu tư và đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí đầu vào, logistics tăng cao.

CƠ HỘI LUÔN LUÔN CÓ NHƯNG LỢI NHUẬN BỊ THU HẸP

Trong bối cảnh và đầy thách thức như ông phân tích, cơ hội nào cho Việt Nam, đặc biệt trong xuất khẩu và thu hút đầu tư?

Cơ hội luôn luôn có. Ví như khi Trung Quốc thực hiện chính sách phong toả và theo đuổi “Zero COVID”, cộng với đó là Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Nhìn vào con số xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn tăng vọt trong 2-3 năm vừa qua, một phần chính là nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Khi đại dịch xảy ra và đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn theo đuổi “Zero COVID” thì rủi ro cho nhà đầu tư vào Trung Quốc càng lớn. Do đó, họ tiếp tục xu hướng chuyển dịch sản xuất sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã tận dụng được và giành được một số mặt hàng và một số thị trường. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc.

Hay với xung đột Nga - Ukraine, một số mặt hàng Việt Nam có thể được hưởng lợi nhưng không nhiều, như một số ngành như phân bón hay nguyên vật liệu cơ bản.

“Giai đoạn đầu năm là lúc đang hứng khởi sau khi dỡ bỏ phong toả, giá nguyên vật liệu tăng chưa chưa thấm vào doanh nghiệp và sức chống đỡ của họ còn, nhưng càng ngày khó khăn sẽ càng ngấm dần và nếu không có các biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ yếu dần”.

Ảnh tác giảPGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS

Còn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông đánh giá thế nào những chuyển biến sau khi kiểm soát được COVID-19 và triển khai các gói hỗ trợ phục hồi?

Số doanh nghiệp tạm dừng, giải thể trong 5 tháng đầu năm đã giảm so với năm ngoái và số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI liên tục giữ ở mức trên 50 điểm, đặc biệt tháng 5 vừa rồi tăng rất cao lên 54,7 điểm. Điều này cho thấy, lượng đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam là rất tốt. Theo tôi một phần cũng do sự chuyển dịch từ Trung Quốc, một phần đơn hàng xuất khẩu vốn dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc nhưng do phong toả nên được chuyển sang Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn là chi phí sản xuất tăng cao khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng nhất định. Các gói hỗ trợ cũng chưa thực sự đến tay doanh nghiệp. Gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn “trên giấy”, gói hỗ trợ đầu tư công để làm “vốn mồi” cho nền kinh tế thì chưa thấm tháp vào đâu. Năm ngoái là một năm định trệ rất lớn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, năm nay hiện có tăng hơn 10% so với năm ngoái nhưng so với kế hoạch thì vẫn rất chậm.

Nhìn chung các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa thực sự đi vào thực tiễn trong khi khó khăn do chi phí sản xuất đang rất hiện hữu.

NẾU KHÔNG ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ SỨC PHỤC HỒI SẼ YẾU DẦN...

Dù còn những khó khăn, những vấn đề còn phải tháo gỡ, nhưng nền kinh tế Việt Nam cho thấy sức phục hồi mạnh mẽ ngay sau đại dịch. Ông nói gì về sức bật này và dự báo điểm đến năm nay?

Sức hồi phục của nền kinh tế Việt Nam năm nay phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm, cũng như hiệu quả của các gói hỗ trợ. Nếu như hình thế giới vẫn căng thẳng như hiện tại và các gói hỗ trợ trong nước vẫn đang ách tắc như bây giờ thì sức hồi phục của doanh nghiệp sẽ yếu dần.

Nếu như từ giờ đến cuối năm, giá nguyên vật liệu quay trở lại mức phù hợp và các gói hỗ trợ kinh tế mang lại hiệu quả thì sẽ có thể đạt được mục tiêu tăng GDP 6-6,5%”

PGS.TS Phạm Thế Anh

Một số ngành đang có sức phục hồi mạnh mẽ hơn là những ngành bị ảnh hưởng bởi phong toả do COVID-19 trước đó như hàng không, du lịch, bán lẻ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện đang phải “gồng gánh” những khó khăn, chống đỡ với chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Giai đoạn đầu năm là lúc đang hứng khởi sau khi dỡ bỏ phong toả, giá nguyên vật liệu tăng chưa chưa thấm vào doanh nghiệp và sức chống đỡ của họ còn, nhưng càng ngày khó khăn sẽ càng ngấm dần và nếu không có các biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ yếu dần.

Với tình hình này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm nay là một thách thức rất lớn dù nền của quý 3, quý 4 năm ngoái cũng khá thấp. Sức chịu đựng của doanh nghiệp sẽ giảm dần và nguy cơ thu hẹp sản xuất là rất rõ. Còn nếu như từ giờ đến cuối năm, giá nguyên vật liệu quay trở lại mức phù hợp và các gói hỗ trợ kinh tế mang lại hiệu quả thì sẽ có thể đạt được mục tiêu đó.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE