Ông Dương Công Minh: Chúng tôi sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội

“Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục”, ông Dương Công Minh khẳng định.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam

Sáng 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Tham dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, đồng thời là chủ Tập đoàn Him Lam cho biết, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp của ông luôn sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp tham gia.

Theo ông Minh, hiện nay Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp để xây dựng nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân. Điển hình, như ở TP.HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân. Do đó, ông Minh đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có.

“Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu. Do đó, đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân”, ông Minh kiến nghị.

Theo ông chủ Tập đoàn Him Lam, hiện nay công nhân đa số từ nông thôn lên thành phố làm việc, sau một thời gian họ cũng không ở lại mà trở về quê. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến đối tượng này và cần có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, như vậy mới cấp phép kinh doanh được.

Cùng với đó là xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần doanh nghiệp tham gia.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Dương Công Minh cho biết, doanh nghiệp của ông sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.

Hiện Him Lam có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Mặt khác, từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại.

Theo ông chủ Tập đoàn Him Lam, hiện nay rõ ràng, các doanh nghiệp đều có “nghề”, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…

“Quan trong nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh được, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội, như vậy rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy”, ông Minh nêu quan điểm.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Dự án hơn 1.000 ha của Vingroup ở Đà Nẵng đón tin vui

Dự án hơn 1.000 ha của Vingroup ở Đà Nẵng đón tin vui

Hội đồng Nhân dân TP.Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương chuyển gần 30ha đất rừng trồng sang mục đích đất khác tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).

Chat với BizLIVE