Ô tô nhập khẩu Thái Lan giảm mạnh, xe từ châu Âu và Nhật Bản giữ ổn định

Kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan đang sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái trong khi xe có xuất xứ châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản giữ ổn định giữa đà đi xuống của toàn thị trường.
Subaru BRZ 2022 - Mẫu xe thể thao nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.
Subaru BRZ 2022 - Mẫu xe thể thao nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ Thái Lan cộng dồn 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 27.427 xe, tương ứng là mức giá trị kim ngạch gần 553 triệu USD.

Con số này vẫn giúp các loại xe có xuất xứ Thái Lan nắm giữ vai trò dẫn đầu ở thị trường ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, vị thế này có thể sẽ sớm thay đổi khi ô tô nhập Thái đang đi vào xu hướng chậm lại.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng ô tô CBU nhập khẩu từ xứ sở chùa vàng trong nửa đầu năm nay đã giảm 32,3%; giá trị kim ngạch cũng bị sụt giảm 27,1%.

Kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Indonesia cũng có dấu hiệu đi xuống dù không nhanh như Thái Lan. Cụ thể, tổng lượng xe CBU nhập khẩu từ đất nước vạn đảo nửa đầu năm nay chỉ đạt 20.284 chiếc, giảm 12,1%; may mắn là mức giá trị kim ngạch chỉ giảm nhẹ 0,5%, đạt trên 285 triệu USD.

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU từ Thái Lan và Indonesia thường xuyên cao hơn tổng kim ngạch từ toàn bộ các thị trường còn lại. Tuy nhiên, có vẻ như sau khi đại dịch được khống chế, bối cảnh thị trường đang chuyển dịch rõ rệt.

Đáng chú ý là dấu hiệu hồi sinh của các loại xe mang xuất xứ từ Nhật Bản, Hoa Kỳ (Mỹ) hay thậm chí là Anh và Đức.

Trong khi xe nhập Thái và Indonesia sụt giảm đáng kể thì xe nhập khẩu mang các xuất xứ truyền thống của giai đoạn trước năm 2018 (khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Đông Nam Á giảm về 0% theo hiệp định ATIGA) vẫn duy trì sự ổn định.

Chẳng hạn so với cùng kỳ của năm 2019, tức trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các thị trường như Anh, Đức, Hoa Kỳ hay Nhật Bản hầu như không thay đổi cả về số lượng lẫn giá trị.

Chi tiết hơn, lượng ô tô CBU nhập khẩu từ Anh giai đoạn nửa đầu năm 2019 đạt 305 chiếc, tương ứng giá trị kim ngạch 19 triệu USD; từ Đức đạt 780 chiếc và hơn 50 triệu USD; từ Hoa Kỳ đạt 698 chiếc và 24,6 triệu USD; từ Nhật Bản đạt 1.674 chiếc và gần 88,9 triệu USD.

Sự khác biệt nằm ở tỷ lệ tăng hay giảm của từng xuất xứ trong bối cảnh sụt giảm chung của toàn bộ thị trường. Ở giai đoạn nửa đầu 2019, thị trường ô tô đang diễn ra sôi động và hầu như không gặp bất kỳ lực cản nào. Nhưng trong nửa đầu năm nay, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho sản lượng ô tô khắp nơi trên thế giới suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, hầu hết các hãng xe đều rơi vào tình thế không có xe để giao khách hàng, thậm chí một số hãng phải tạm dừng nhận đơn hàng mới.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU nửa đầu năm 2022 chỉ đạt 62.277 chiếc, tương ứng hơn 1,4 tỷ USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, trong đà lao dốc của toàn thị trường, việc kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU từ các thị trường truyền thống cũ vẫn duy trì sử ổn định là một điểm sáng. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng ô tô đang dần dịch chuyển lên các loại xe có giá trị lớn và xe hạng sang. Trên thực tế, hầu hết các loại xe nhập khẩu từ Anh, Đức hay Nhật Bản đều là các loại xe hạng sang như Audi, BMW, Jaguar, Land Rover hay Lexus…

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận ở khía cạnh công bằng hơn là lượng xe nhập khẩu từ các thị trường nêu trên giai đoạn này chủ yếu là từ việc các nhà máy bàn giao xe theo hợp đồng đã ký với nhà phân phối từ nửa cuối năm ngoái.

Dự báo trong nửa cuối năm nay, kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU sẽ tiếp tục đối diện nguy cơ sụt giảm sâu do các chuỗi cung ứng linh kiện, đặc biệt là chip bán dẫn xuất xứ từ Trung Quốc, chưa cho thấy khả năng kết nối lại. Các hãng xe và nhà phân phối sẽ còn phải đối diện với tình cảnh không có xe để bán.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE