NyTimes phân tích về những yếu tố tác động mạnh nhất đến giá dầu trong thời gian tới

Hiện vẫn còn quá sớm để vui mừng. Giá năng lượng sẽ có thể tăng nhanh và dễ dàng như khi nó giảm, một cách bất ngờ và đột biến.
Ảnh: Nikkei
Ảnh: Nikkei

Khi mà Nga – Ukraine leo thang căng thẳng vào mùa xuân năm nay, nhiều chuyên gia năng lượng đã dự báo giá dầu sẽ có thể chạm mức 200USD/thùng, mức giá sẽ khiến cho chi phí vận tải và đi lại tăng phi mã, kinh tế toàn cầu vì vậy suy giảm nghiêm trọng.

Theo New York Times, giờ đây giá dầu còn thấp hơn cả khi mà xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, giá dầu đã mất hơn 30% chỉ trong vòng 2 tháng. Vào ngày thứ Hai, thông tin kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại và lãi suất tại Trung Quốc giảm đã kéo giá dầu xuống sâu hơn nữa, chỉ còn chưa đầy 90USD/thùng với giá dầu WTI tại Mỹ.

Trong vòng 9 tuần gần đây, giá xăng đã không ngừng giảm xuống ngưỡng chỉ còn chưa đầy 4USD/gallon trên phạm vi toàn nước Mỹ, giá nhiên liệu máy bay và dầu diesel cũng đang hạ nhiệt. Như vậy giá của nhiều loại mặt hàng ví như thực phẩm hay máy bay cũng giảm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để vui mừng. Giá năng lượng sẽ có thể tăng nhanh và dễ dàng như khi nó giảm, một cách bất ngờ và đột biến.

Tại Trung Quốc, nơi mà các biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch COVID-19 hiện đang được áp dụng trên quy mô lớn, cuối cùng các thành phố rồi cũng sẽ phải mở cửa trở lại để đón nhận các hoạt động thương mại và đi lại khi nhu cầu tăng cao. Việc Mỹ và một số nước đồng minh xả dầu từ kho dự trữ chiến lược sẽ chấm dứt vào tháng 11/2022, dự trữ dầu rồi cũng sẽ phải được bù đắp lại.

Một sự kiện đơn lẻ, ví như cơn bão vào khu vực vận chuyển dầu tại Houston và khiến cho hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu ở vịnh Mexico trong vài tuần hoặc vài tháng, sẽ có thể khiến cho giá nhiên liệu tăng vọt.

Thảm họa kiểu này có thể gây sốc toàn nước Mỹ và thậm chí cả kinh tế toàn cầu bởi giá năng lượng là nền tảng căn bản cho giá cả của mọi loại hàng hóa được sản xuất và vận chuyển, dù rằng đó là ngũ cốc hay vật liệu xây dựng.

Giá dầu sẽ có thể hạ nhiệt nếu Iran đồng ý tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Iran bỏ bớt đi một số yêu cầu của mình. Như vậy nếu Iran thực sự trở lại thị trường năng lượng thế giới, nguồn cung sẽ tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng dầu/ngày.

Không chỉ vậy, khả năng lãi suất cơ bản đồng USD không ngừng được điều chỉnh tăng cao không khỏi khiến cho nhiều nhà đầu tư dự báo về kịch bản suy thoái kinh tế và nhu cầu suy giảm dù rằng thất nghiệp hiện đang thấp và lợi nhuận doanh nghiệp vẫn vững vàng.

Chủ tịch quỹ ESAI Energy, bà Sarah Emerson, phân tích: “Tôi nghĩ giá dầu sẽ có thể giảm sâu hơn nữa. Chúng tôi có nhiều yếu tố tác động cùng thời điểm. Chúng ta có thông tin Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô trong quý 3/2022, chúng ta có mùa tiêu thụ xăng cao điểm kết thúc, nỗi lo về tăng trưởng kinh tế đi xuống lớn dần và nguồn cung lên mạnh”.

Tuy nhiên bà Sarah cũng khẳng định: “Tất cả các yếu tố nói đến ở trên không phải để phủ nhận kịch bản giá dầu sẽ tăng trở lại bởi xét đến việc thời gian Mỹ và các nước đồng minh xả kho dầu kết thúc. Ngoài ra, cần phải tính đến khả năng châu Âu sẽ dùng dầu để thay cho khí đốt trong trường hợp thiếu khí đốt vào mùa đông lạnh giá”.

Giá nhiên liệu, loại giá mà người tiêu dùng có thể chứng kiến nó tăng giảm hàng ngày, giữ vai trò rất quan trọng trong các nhận định về kinh tế: “Bản thân việc giá năng lượng cao thấp không phải quá quan trọng, thế nhưng nếu nhìn vào tác động lên niềm tin người tiêu dùng, dường như bạn sẽ cảm thấy khá bi quan về tình hình thế giới nói chung”.

Ước tính tổng số khoảng 3,5% tổng chi tiêu của người Mỹ dành cho xăng, theo tính toán của quỹ RBC Capital Markét công bố vào tháng 6/2022. Người lao động thu nhập thấp và ở các vùng nông thôn hiện đang sử dụng các phương tiện đi lại cũ, hao tốn xăng và phải đi quãng đường đi làm xa hơn đặc biệt chịu tổn thương nặng nề bởi giá xăng cao.

Nhìn chung, giá nhiên liệu hiện kém quan trọng hơn so với trong quá khứ bởi người dân đang lái các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, nhiều người thậm chí còn chủ yếu làm việc tại nhà. Thế nhưng khi mà người dân phải chi tiêu nhiều hơn vào xăng hoặc dầu diesel, họ sẽ có bớt tiền hơn để chi tiêu vào các loại mặt hàng khác.

Khi giá dầu giảm, chi phí của nhiều loại hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp trong đó có các sản phẩm hóa chất và thuốc trừ sâu, nhìn chung sẽ giảm theo. Chi phí vận tải vì vậy trở nên tiết kiệm hơn. Tuy nhiên khi giá tăng trở lại, giống như thời kỳ năm 2008 hoặc thập niên 1970, nó thường khiến cho nhiều loại giá cả hàng hóa khác tăng lên và như vậy gây sức ép lên nền kinh tế nói chung.

Việc dự báo về giá năng lượng cho đến nay vốn khá khó khăn bởi có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó phải nói đến kỳ vọng của những người mua và bán các sản phẩm năng lượng, tình hình chính trị của nhiều nước sản xuất dầu ví như Venezuela, Nigeria hay Libya, cũng như quyết định đầu tư của nhiều nhà điều hành doanh nghiệp năng lượng nhà nước và tư nhân.

Thị trường năng lượng hiện đang gửi đi những tín hiệu trái chiều. Trong các dự báo công bố vào tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố nhu cầu xăng toàn cầu sẽ yếu hơn so với tính toán trong năm nay và năm sau. OPEC cho rằng nhu cầu toàn cầu ước tính trong năm 2023 sẽ khoảng gần 103 triệu thùng dầu/ngày.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE