Những thách thức phía trước tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản

Ông Ueda bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình vào thời điểm quan trọng đối với ngân hàng trung ương này khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài dưới thời người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda đã bộc lộ nhiều điểm tiêu cực.
Ảnh: The Financial Times
Ảnh: The Financial Times

Ngày 9/4, Giáo sư Kazuo Ueda đã chính thức đảm nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Ông Ueda bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình vào thời điểm quan trọng đối với ngân hàng trung ương này khi việc nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài dưới thời người tiền nhiệm Haruhiko Kuroda đã bộc lộ nhiều điểm tiêu cực. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách của vị tân "thuyền trưởng" BoJ là xử lý các tác động tiêu cực đó, đồng thời vạch ra lộ trình mới cho ngân hàng trung ương này nhằm hiện thực hóa mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% mà ông Kuroda vẫn chưa làm được trong gần 10 năm tại nhiệm.

Vị thống đốc đầu tiên từ giới học thuật

Giáo sư Ueda, năm nay 71 tuổi, là Thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật thời hậu chiến ở Nhật Bản. Ông từng giữ chức Ủy viên Hội đồng Chính sách BoJ từ năm 1998 đến năm 2005, thời điểm Nhật Bản đang phải đương đầu với giảm phát. Trong thời gian đó, BoJ đã đưa ra nhiều chính sách táo bạo như đưa lãi suất về 0% vào năm 1999 và nới lỏng định lượng vào năm 2001. Bên cạnh đó, ông cũng từng giảng dạy tại Khoa Kinh tế của Đại học Tokyo.

Ngay trước khi ông Ueda nhậm chức, trong phiên họp thường kỳ cuối cùng dưới thời Thống đốc Kuroda hôm 10/3, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định duy trì việc mua vào không giới hạn JGB kỳ hạn 10 năm nhằm bảo vệ mức trần lợi suất trái phiếu ở mức 0,5%. Với quyết định này của BoJ, số phận của kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ của BoJ sẽ được định đoạt bởi tân Thống đốc Ueda. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo nhiều khả năng ông Ueda sẽ chưa điều chỉnh ngay lập tức chính sách tiền tệ của BoJ nếu tình hình kinh tế và lạm phát ở Nhật Bản chưa thay đổi.

Dự báo này được đưa ra trên cơ sở các phát biểu của tân Thống đốc trong phiên điều trần tại Hạ viện hôm 24/2. Tại phiên điều trần, ông Ueda khẳng định "việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng là thích hợp" nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% cho dù chính sách này đang gây ra "nhiều tác dụng phụ". Theo ông Ueda, mặc dù Nhật Bản đang hồi phục sau đại dịch nhưng vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn xung quanh nền kinh tế và thị trường tài chính. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở quanh mức 4%, cao hơn so với mục tiêu 2% của BoJ, chủ yếu do chi phí đẩy chứ không phải do nhu cầu mạnh. Vì vậy, ông Ueda cho rằng "sẽ cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu 2% một cách bền vững và ổn định. Trước tình hình kinh tế và giá cả hiện tại cũng như triển vọng trong tương lai, ông nói chính sách tiền tệ hiện tại của BoJ là phù hợp.

Chính sách tiền tệ thận trọng

Cùng với các điều kiện nội tại của nền kinh tế Nhật Bản, môi trường bên ngoài hiện nay cũng không thuận lợi để ông Ueda điều chỉnh chính sách tiền tệ, nhất là khi những tuần gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đang hết sức lo ngại về sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank ở Mỹ. Ông Norihiro Fujito, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, cho biết tác động của tình trạng hỗn loạn thị trường gần đây do ngân hàng đổ vỡ gây ra là "cực kỳ lớn". Vì vậy, theo ông Fujito, BoJ có thể sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng được thực hiện dưới thời ông Kuroda tại các cuộc họp chính sách thường kỳ trong quý II/2023.

Mặc dù vậy, giới phân tích dự báo về lâu dài, BoJ sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình, nhất là khi đa số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đều đã tăng lãi suất để chống lạm phát. Điều quan trọng là khi nào BoJ sẽ bắt đầu đưa ra những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ.

Liên quan tới vấn đề trên, kết quả thăm dò do nhật báo Nikkei thực hiện vào giữa tháng 2/2023 cho thấy đa số các nhà phân tích kinh tế đều dự báo BoJ sẽ thu hẹp chính sách tiền tệ siêu lỏng trong năm nay sau khi thay đổi vị trí lãnh đạo lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Cuộc thăm dò này có sự tham gia của 20 nhà phân tích chuyên theo dõi về các động thái của BoJ. Trong cuộc thăm dò này, tất cả các nhà phân tích đều dự báo BoJ có thể sẽ xem lại công cụ kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu vào một thời điểm nào đó trong năm 2023.

Ưu tiên cho mục tiêu lạm phát 2%

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn bị chia rẽ về thời điểm BoJ đưa ra quyết định về vấn đề này. Cụ thể, có 8 nhà phân tích cho rằng BoJ sẽ xóa bỏ việc kiểm soát đường cong lợi suất JGB ngay lập tức. Bên cạnh đó, có 7 người khác lại cho rằng BoJ sẽ nâng trần lợi suất JGB dài hạn lên cao hơn so với mức 0,5% hiện nay, và 5 người nhận định BoJ sẽ điều chỉnh đường cong lợi suất JGB ở các kỳ hạn 2 năm hoặc 5 năm thay vì kỳ hạn 10 năm.

Ông Nobuyasu Atago, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán Ichiyoshi, nhận định BoJ "có thể sẽ thực hiện những thay đổi đó vào mùa Hè năm nay trước khi tình hình kinh tế ở phương Tây xấu đi". Trong khi đó, ông Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán UBS, cho rằng để ngăn chặn đà tăng của lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm, BoJ "sẽ công bố gia hạn mua trái phiếu và áp dụng chính sách lãi suất âm".

Mặc dù vậy, hầu hết các nhà phân tích dự đoán việc dừng thực hiện chính sách lãi suất âm sẽ xảy ra muộn hơn so với việc dừng kiểm soát đường cong lợi suất. Đáng chú ý, có tới 14 nhà phân tích dự báo BoJ sẽ không bỏ lãi suất âm trước năm 2024, trong khi chỉ có 4 người dự báo điều đó sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó trong năm nay. Ông Kazuo Momma, chuyên gia kinh tế tại Công ty Mizuho Research & Technologies, cho rằng chính sách lãi suất âm "đang có tác động tiêu cực đến các chức năng trung gian tài chính nên BoJ sẽ thực hiện đánh giá toàn diện vào nửa cuối năm 2024 trước khi bỏ chính sách này".

Về khả năng sửa đổi tuyên bố chung năm 2013 giữa Chính phủ Nhật Bản và BoJ, kết quả thăm dò cho thấy có tới 15 nhà phân tích dự đoán tuyên bố chung này sẽ được sửa đổi trong năm nay. Ông Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura, nhận định mục tiêu lạm phát 2% mà tuyên bố chung năm 2013 khẳng định cần phải đạt được càng sớm càng tốt có thể "sẽ được coi là mục tiêu trung và dài hạn".

Cũng trong phiên điều trần ở Hạ viện hôm 24/2, tân Thống đốc BoJ tuyên bố ông muốn biến 5 năm tới thành khoảng thời gian để BoJ hoàn thành sứ mệnh đạt được sự ổn định về giá cả, vốn là vấn đề lâu dài đối với cả ngân hàng trung ương này và bản thân ông trong hơn 25 năm kể từ khi Luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới có hiệu lực.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng đây là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với ông Ueda, nhất là khi lạm phát ở Nhật Bản đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Cụ thể, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trong tháng 1/2023, CPI cơ bản của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát ở Nhật Bản liên tục ở trên mức cao nhất trong 40 năm và là tháng thứ 10 liên tiếp cao hơn so với con số mục tiêu 2% của BoJ. Điều quan trọng là lạm phát hiện nay ở Nhật Bản chủ yếu là do chi phí đẩy lên không bền vững.

Có thể thấy, trước mắt tân Thống đốc BoJ là một khoảng thời gian không hề dễ dàng. Tuy nhiên, "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Nếu thành công trong việc dẫn dắt BoJ vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay, ông Ueda sẽ vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm để trở thành một trong những lãnh đạo BoJ thành công nhất.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE