Những điểm mới trong đề cương chính sách tài chính và kinh tế của Nhật Bản

Bản đề cương bao gồm các chính sách chủ chốt nhằm tạo ra chu kỳ tăng trưởng dương và phân phối của cải mà Thủ tướng Kishida đang theo đuổi.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: TTXVN phát
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: TTXVN phát

Theo Thời báo Nhật Bản, hãng tin Kyodo và đài truyền hình NHK, ngày 7/6, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua các định hướng chính sách tài chính và kinh tế cơ bản của năm 2023. Đây là đề cương chính sách tài chính và kinh tế thường niên đầu tiên được thông qua dưới thời chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida.

Bản đề cương này bao gồm các chính sách chủ chốt nhằm tạo ra chu kỳ tăng trưởng dương và phân phối của cải mà Thủ tướng Kishida đang theo đuổi. Bên cạnh đó, văn bản cũng bao gồm kế hoạch tăng năng lực quốc phòng của Nhật Bản nhằm đối phó với một môi trường an ninh ngày càng bất ổn trong khu vực.

Mặt khác, bản đề cương thừa hưởng các nội dung liên quan tới kích thích tài chính mạnh mẽ trong chính sách kinh tế Abenomics của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, nhưng không đề cập cụ thể tới việc làm thế nào để đạt được mục tiêu của Thủ tướng Kishida là thúc đẩy phân phối của cải và giải quyết bất bình đẳng về thu nhập.

Theo văn bản này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tập trung đầu tư vào 4 lĩnh vực, gồm khoa học-công nghệ và đổi mới; nguồn nhân lực; các công ty khởi nghiệp và công nghệ xanh và kỹ thuật số. Đây sẽ là nội dung cốt lõi trong các cam kết tranh cử của liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Kishida và đảng Công minh trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng tới.

Thông qua việc thực hiện các kế hoạch này, Chính phủ Nhật Bản muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu và chuyển đổi số.

Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp 10 lần số doanh nghiệp khởi nghiệp trong vòng 5 năm tới và tăng gấp đôi thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, chính phủ dự định sẽ lập một chương trình giúp 1 triệu lao động phát triển kỹ năng và giúp họ tìm kiếm các công việc mới. Ngoài ra, văn bản cũng kêu gọi xây dựng chiến lược phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.

Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để đầu tư khoảng 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới cho việc cắt giảm khí thải carbon.

Mặc dù Thủ tướng Kishida đã nhiều lần đề cập tới nỗ lực tăng lương cho người lao động nhưng văn bản trên khẳng định rằng chính phủ sẽ tiếp tục những nỗ lực đó và không đưa ra các biện pháp cụ thể. Bên cạnh đó, văn bản này cũng không đề cập tới cam kết trước đó của Thủ tướng Kishida về việc xem xét lại thuế thu nhập từ đầu tư tài chính, vốn thường bị chỉ trích là mang lại lợi ích cho người giàu. Thay vào đó, văn bản cho biết vào cuối năm nay, chính phủ sẽ soạn thảo một kế hoạch thúc đẩy việc chuyển từ tiết kiệm cá nhân sang đầu tư như một phần của các biện pháp nhằm giúp tăng tài sản hộ gia đình.

Hành khách tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Trước đó, trong bài phát biểu nhậm chức vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ xem xét lại hệ thống thuế. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền của Thủ tướng hầu như chưa đạt được tiến bộ nào trong vấn đề này.

Thông thường, đề cương chính sách đưa ra các biện pháp kinh tế mà Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ triển khai nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn và trung hạn. Các bản đề cương trong những năm gần đây chủ yếu tập trung vào giảm tác động xã hội của đại dịch COVID-19. Giờ đây, khi đại dịch đã bước sang giai đoạn ít nguy hiểm hơn, hàng loạt các cuộc khủng hoảng địa-chính trị đã khiến an ninh trở thành vấn đề quan trọng đối với đảng LDP.

Vì vậy trong bản đề cương trên, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ đẩy nhanh việc xây dựng chiến lược quốc gia mới, bao gồm kế hoạch “tăng cường triệt để năng lực quốc phòng trong vòng 5 năm tới". Đây là nội dung sửa đổi đáng chú ý so với dự thảo ban đầu do áp lực trong nội bộ đảng LDP cầm quyền nhằm làm rõ thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản là khoảng 5.400 tỷ yen, chưa bằng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần khẳng định việc ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP theo như đề xuất của LDP vào cuối tháng Tư.

Liên quan tới vấn đề cải thiện cán cân ngân sách, văn bản chỉ khẳng định Chính phủ sẽ "tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu" đạt được thặng dư cán cân ngân sách cơ bản nhưng không đề cập tới thời điểm cụ thể mà Nhật Bản hướng tới để đạt được mục tiêu này.

Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất trong số các nước phát triển lớn, chủ yếu do dân số già hóa khiến chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, Nhật Bản đang đặt mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản (bằng thu nhập từ thuế trừ chi tiêu ngân sách đã loại bỏ chi phí trả nợ) về mức dương trong tài khóa 2026.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE