Quay về eMagazine
Như “lò xo bị nén”, nhu cầu du lịch có thể bật mạnh ngay từ các tháng đầu năm 2022

Như “lò xo bị nén”, nhu cầu du lịch có thể bật mạnh ngay từ các tháng đầu năm 2022

Kết quả khảo sát mới công bố của TAB và Ban IV cho thấy, có tới gần 90% người khảo sát cho biết muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới. Trong đó, có 53,7% muốn đi du lịch vào các tháng đầu năm 2022.
Ngày 11/1, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa tổ chức buổi công bố trực tuyến về kết quả khảo sát xu hướng và nhu cầu du lịch trong giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” sau khi đã tiến hành điều tra xã hội trong 20 ngày đầu tháng 12/2021 với gần 11 nghìn người tham gia.
Du khách TP.HCM: "Đi sau về trước"
Theo kết quả khảo sát, gần 90% số người trả lời muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó, 27% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong đầu năm 2022.
Đáng chú ý, kết quả cho thấy, du khách TP.HCM dẫn đầu về việc sẵn sàng du lịch sớm hơn, vượt qua cả du khách Hà Nội và các tỉnh về xu hướng này. Chỉ khoảng 3% du khách cho biết muốn chờ đợi đi du lịch cho đến khi có thẻ xanh COVID-19.
Cùng với đó, xu hướng du lịch ngắn ngày, theo nhóm nhỏ (gia đình, bạn bè) trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Bằng chứng là có khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày; khoảng 78% số người trả lời lựa chọn đi theo nhóm gia đình (nhất là du khách Hà Nội - 59%) hoặc nhóm bạn bè.
Xu hướng khách đi du lịch ngắn ngày luôn được thể hiện qua 3 cuộc khảo sát của Ban IV và TAB. Tuy nhiên, có tín hiệu tích cực hơn là so với 2 cuộc khảo sát trước, lần khảo sát này, độ dài trung bình được khách lựa chọn dài hơn (4,1 ngày).
Như “lò xo bị nén”, nhu cầu du lịch có thể bật mạnh ngay từ các tháng đầu năm 2022 ảnh 1  
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký của TAB, điều này phần nào cho thấy sự khốc liệt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cao hơn so với các đợt bùng phát dịch lần trước, song cũng thể hiện khách du lịch Việt vẫn có tinh thần tương đối lạc quan, lựa chọn du lịch dài ngày hơn.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này mở ra cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3-4 tiếng chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Về phương tiện di chuyển, 65% du khách, nhất là du khách Hà Nội và TP.HCM vẫn có xu hướng lựa chọn đi du lịch bằng máy bay. Tuy nhiên, do tác động của COVID-19 nhu cầu đi lại bằng phương tiện chung bị giảm (cả máy bay và xe khách giảm 10% so với giai đoạn trước COVID-19), trong khi nhu đi xe riêng tăng lên (8% - tăng hơn trước 43%).
Như “lò xo bị nén”, nhu cầu du lịch có thể bật mạnh ngay từ các tháng đầu năm 2022 ảnh 2 Như “lò xo bị nén”, nhu cầu du lịch có thể bật mạnh ngay từ các tháng đầu năm 2022 ảnh 3
 
Du lịch An toàn là ưu tiên số 1

Theo kết quả khảo sát của TAB, An toàn dịch bệnh và Giá tương xứng với chất lượng là hai ưu tiên hàng đầu cho quyết định đi du lịch.

Theo đó, An toàn dịch bệnh (56%) và giá tương xứng với chất lượng (51%) tác động lớn đến quyết định đi du lịch của du khách. Du khách Hà Nội và TP.HCM mong muốn chính sách linh hoạt cho thay đổi hoặc hủy bỏ dịch vụ (37% và 34%) nhiều hơn du khách các tỉnh khác.

Thêm vào đó, thông tin đầy đủ (21%), chứng nhận an toàn (14%) quan trọng hơn cả điểm đến và sản phẩm du lịch mới.
“Khách du lịch hiện nay đang bị đói về thông tin du lịch an toàn. Chúng ta kêu gọi phát động du lịch an toàn rất nhiều, nhưng, dường như việc này mới dừng lại ở việc kêu gọi, còn làm thế nào để khách tiếp cận được thông tin du lịch an toàn thì có đến 75% số người trả lời nói rất mong muốn có chuyển đổi số trong vấn đề cung cấp thông tin này”, ông Hoàng Nhân Chính nhận định.
Như “lò xo bị nén”, nhu cầu du lịch có thể bật mạnh ngay từ các tháng đầu năm 2022 ảnh 4 

Cũng theo thông tin từ TAB, xu hướng nghỉ dưỡng biển vẫn lớn nhất (chiếm 64%), tiếp đến là xu hướng khám phá thiên nhiên, ẩm thực tăng nhiều so với khảo sát trước kia. Vì thế, trong tốp 15 điểm đến được yêu thích nhất do du khách nội địa bình chọn trong cuộc khảo sát, đứng đầu vẫn là các tỉnh, thành phố có biển, đồi núi hay kết hợp cả hai đặc điểm này như: Phú Quốc (Kiên Giang), Lâm Đồng, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa… 

Theo nhóm nghiên cứu, Kiên Giang, Lâm Đồng và Đà Nẵng luôn giữ là điểm đến hàng đầu thu hút khách du lịch. Trong khi đó, Lào Cai và Quảng Ninh liên tục tăng hạng nhờ việc tiếp thị điểm đến đã thực hiện tốt.

Trưởng ban thư ký TAB đánh giá, kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu du lịch của du khách như “lò xo nén bật mạnh”. Sau thời gian dài giãn cách, người dân rất mong muốn được đi chơi, nghỉ ngơi cùng gia đình, bạn bè.

“Bên cạnh nhu cầu cao của nhóm trẻ tuổi, đối tượng khách trung tuổi, lớn tuổi cũng có nhu cầu cao về du lịch nghỉ dưỡng biển. Khách quan tâm nhiều đến sản phẩm du lịch chất lượng, an toàn chứ không chỉ vấn đề giảm giá. Đây là cơ sở để các công ty du lịch cần lưu ý khi xây dựng sản phẩm”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.

Một điểm lưu ý, dù số lượng khách có nhu cầu du lịch khá cao ngay trong đầu năm 2022, nhưng theo TAB, du khách vẫn còn nhiều mối lo ngại cần được giải tỏa để yên tâm du lịch. Trong đó, lo ngại hàng đầu là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%), nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%).
Trong diễn biến liên quan, ngày 10/11, Ban IV và TAB đã có Công văn đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 gửi Thủ tướng Chính phủ với 4 nhóm đề xuất lớn:
Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128 và trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp Nghị quyết này thì tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để người dân và doanh nghiệp có thể vận hành công việc, cuộc sống trong bối cảnh dịch một cách chủ động, hiệu quả.
Theo đó, các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có cùng quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương mà không nhất quán với quy định chung của Chính phủ.
Thứ 2, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, đi lại, cư trú,... và chú trọng đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập.
Theo đó, thông tin về phòng chống và kiểm soát dịch bệnh cần được cập nhật thường xuyên và được đăng tải trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến, dễ tiếp cận và truy cập. Tuy nhiên cần đảm bảo tất cả các kênh đều cùng đưa nội dung thông tin nhất quán, chính xác và cập nhật. Các địa phương cung cấp 1 đường dây nóng để giáp đáp thông tin du lịch an toàn.
Thứ 3, Chính phủ quan tâm, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng và hiệu quả trong du lịch ở cả 3 cấp độ, gồm trung ương, địa phương và doanh nghiệp để đảm bảo sự kết nối và đồng bộ. Trước mắt cấp trung ương ưu tiên cho việc cung cấp thông tin du lịch an toàn, cấp địa phương ưu tiên cho việc tiếp thị số điểm đến và quản trị điểm đến, hướng tới quản trị hoạt động dựa trên dữ liệu thực.
Thứ 4, Chính phủ ưu tiên thực hiện hoạt động đối thoại công - tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản cùng kế hoạch phục hồi du lịch, trước hết trong giai đoạn 2022 - 2023. Trên cơ sở đó, chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch, công bố công khai, cập nhật thường xuyên kế hoạch này cho tất cả các bên cùng thực hiện.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE