Quay về eMagazine
Nhóm ngành xây dựng bất ngờ chiếm ngôi "á quân" trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 1

Nhóm ngành xây dựng bất ngờ chiếm ngôi "á quân" trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 1

Với khối lượng 7.130 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng, nhóm ngành xây dựng bất ngờ vượt qua nhiều nhóm khác như ngân hàng, chứng khoán... để đứng vị trí thứ 2 về phát hành TPDN, chỉ xếp sau bất động sản.

Theo báo cáo mới công bố của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 01/2022, bất động sản và xây dựng là hai nhóm ngành có khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 14.470 tỷ đồng và 7.130 tỷ đồng, chiếm 55,8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Trong nhóm ngành bất động sản, CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhất với 3.930 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm. CTCP Phát Triển Đất Việt đứng ở vị trí thứ hai với 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Ở nhóm ngành xây dựng, CTCP Xây Dựng Minh Trường Phú và CTCP Đầu Tư Xây Dựng Tường Khải lần lượt phát hành 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng, cả 2 mã trái phiếu đều có kỳ hạn 01 năm.

Với nhóm ngành ngân hàng, điểm đáng chú ý là có 3 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (3.623 tỷ đồng), các trái phiếu này đều có lãi suất thả nổi (tham chiếu trung bình LSTK 12 tháng của 4 ngân hàng nhóm "big 4" cộng biên độ 0,5-1%, kỳ hạn từ 7 đến 10 năm và nhằm mục đích tăng vốn cấp 2.

Nguồn: VBMA

Nguồn: VBMA

Theo dữ liệu tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng đầu năm, đã có tổng cộng 7 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm tới 4/5 số lượng doanh nghiệp phát hành.

Cụ thể, đó là các đợt phát hành của: CTCP Du Lịch Thành Thành Công (500 tỷ đồng), CTCP Tập Đoàn Đầu Tư Địa Ốc Nova (1.300 tỷ đồng), CTCP Xây Dựng Coteccons (500 tỷ đồng), CTCP Bamboo Capital (500 tỷ đồng) và NHTMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam BIDV (3.623 tỷ đồng) với tổng giá trị 6.423 tỷ đồng và 16 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 19.500 tỷ đồng.

Như BizLIVE đã thông tin, trong năm 2021, thị trường TPDN đã có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị đạt 595 nghìn tỷ đồng.

Trong đó có 937 đợt phá thành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570 nghìn tỷ đồng (chiếm 95,8 tổng GTPH). Cùng với đó là 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26,34 nghìn tỷ (chiếm 4,6% tổng GTPH) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trước đó, những tháng cuối năm 2021, thị trường TPDN đã ghi nhận sự ganh đua quyết liệt giữa hai nhóm bất động sản và ngân hàng trong cuộc chiến phát hành TPDN.

Với khối lượng phát hành lớn, lên tới 9.970 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng, lần lượt của VPBank và VIB trong tháng 12, kết thúc năm 2021, nhóm ngân hàng đã trở lại vị trí dẫn đầu về phát hành TPDN sau 2 tháng tụt xuống vị trí thứ 2, xếp sau bất động sản.

Theo thống kê của VBMA, năm 2021 đã ghi nhận sự tăng trưởng thần tốc của thị trường TPDN, lên tới 42% so với cùng với khối lượng phát hành đạt kỷ lục 658.009 tỷ đồng, gấp hơn hai lần tổng khối lượng TPCP phát hành trên thị trường trong năm.

Đáng chú ý, tỷ trọng phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng gần 4,6%, đa phần là phát hành riêng lẻ, chiếm tới hơn 95%.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA đánh giá: “Dù mới chiếm 16% GDP nhưng tốc độ phát triển thị trường phát triển doanh nghiệp Việt Nam nhanh nhất châu Á trong 15 năm trở lại đây”.

Trước diễn biến "nóng" của thị trường TPDN, chỉ sau gần một năm có hiệu lực, cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã phải đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.

Theo đó, Dự thảo mới được xây dựng với hướng bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng nếu phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán; Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành…

Đồng thời, Dự thảo bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE