Quay về eMagazine
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021

Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021

2021 là một năm khó quên khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh và tác động đến mọi mặt của cuộc sống người lao động. Trong bối cảnh khó khăn đó, các chính sách an sinh chăm lo cho người lao động tiếp tục được đẩy mạnh.
BizLIVE điểm lại một số dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh trong năm 2021:
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực
Năm 2021 đánh dấu cột mốc mới trong lĩnh vực lao động việc làm khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực thi hành; với 7 chương, 220 điều, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến quyền lợi của người lao động như: 
Chỉ còn quy định 2 loại hợp đồng là hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Bổ sung hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử hoặc lời nói.
Bổ sung 4 trường hợp người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động gồm người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ; người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do.
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình  mỗi năm 3 tháng đối với nam,. 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Điều chỉnh tăng số giờ làm thêm trong tháng không quá 40 giờ. Giữ nguyên số giờ làm thêm trong năm là không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm như quy định tại Bộ luật Lao động 2012.
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 1
Bộ luật Lao động 2019 được các đại biểu nhấn nút thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP
Tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất 10 năm
Quý 3/2021 là đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam, kéo theo diễn biến thị trường lao động việc làm nước ta đối diện thực trạng thiếu việc làm tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, trong thời gian này, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải giãn nghỉ việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%. 
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 3 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp trong quý này vượt xa con số 2% như thường thấy. 
Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động rơi vào tình cảnh thất nghiệp, không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như trước đó.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi trong quý 3 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%).
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 2
Dịch COVID-19 tác động mạnh đến thị trường lao động. (Ảnh minh họa)
Lao động và cuộc di cư lịch sử
Năm 2021, một cuộc di cư lao động chưa từng có trong lịch sử đã diễn ra trên diện rộng, mang tính thời điểm và căng thẳng bởi COVID-19.
Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, trong thời gian cao điểm dịch từ tháng 7 đến 15/9 đã có khoảng 1,3 triệu lao động về quê tránh dịch, chiếm 60% là người dân di chuyển từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê. 
Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục. Tính đến ngày 15/12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. 
Trong tổng 2,2 người di cư, nữ chiếm 839.500 người, chiếm 37,5% tổng số, người từ 15 tuổi trở lên là gần 1,6 triệu người, chiếm 70,9%. Số người về các tỉnh, từ Hà Nội là 447.100 người; từ TP.HCM là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.
Đến nay, Tổng cục Thống kê cho biết, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, đã có sự dịch chuyển trở lại lao động về các trung tâm kinh tế lớn. Nhưng theo ghi nhận của Tổng cục này đó chỉ là sự dịch chuyển với các doanh nghiệp lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 3
Người lao động đi xe máy về quê trong đợt dịch thứ tư.
Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho hơn 28 triệu đối tượng
Ngày 1/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 68 xác định chương trình có tổng giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đến nay, theo báo cáo của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện theo Nghị quyết 68 toàn quốc đã mở rộng trên 33.505 tỷ đồng.
Gói an sinh hỗ trợ trên 28,26 triệu lượt đối tượng, bao gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 27,88 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Riêng TP.HCM đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỷ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng).
Về kinh phí hỗ trợ, theo tính toán dự kiến ban đầu không bao gồm kinh phí do địa phương bố trí để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù, còn tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ đến nay đạt 52,32% kế hoạch dự toán.
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 4
Hơn 28 triệu đối tượng đã nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ. (Ảnh minh họa)
Gần 13 triệu người hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
Gói hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116 được Chính phủ ban hành ngày 24/9 đã kịp thời hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đến nay cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.
Cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp đã rà soát và gửi danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đến 364.875 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 12.165.786 lao động thuộc diện được hỗ trợ.
Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người. Có 28.827 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.800.278 lao động (gồm 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 30.069 tỷ đồng cho 12.698.562 người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân. 
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 5
Gói hỗ trỡ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã đến tay người lao động. (Ảnh minh họa)
Tiếp tục lùi cải cách tiền lương
Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 trong đó Quốc hội chính thức thông qua lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương đến 1/7/2022 và sẽ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. 
Như vậy, đến tháng 7/2022, lương cán bộ, công chức vẫn giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng nhân với hệ số hiện hưởng.
Trước đó, tháng 5/2018, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thông qua Nghị quyết 27 cải cách chính sách tiền lương. Thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2021.
Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp….
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương đến 1/7/2022, thay vì năm 2021.
Tại Hội nghị 4 khóa XIII, Trung ương cũng đồng tình lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. 
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 6
Đến tháng 7/2022, lương cán bộ, công chức vẫn giữ nguyên ở mức 1,49 triệu đồng/tháng nhân với hệ số hiện hưởng. (Ảnh minh họa)
Số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ngành BHXH Việt Nam đã phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH hơn 16,5 triệu người, tăng 2,1% so với năm 2020, đạt 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia BHTN gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia BHYT hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỉ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Đáng chú ý trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).

Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực Lao động - An sinh năm 2021 ảnh 7
Số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021. (Ảnh minh họa)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE