Nhiều yếu tố khiến chuyên gia lo ngại chứng khoán Mỹ đương đầu với áp lực bán

Không giống các đợt thị trường chứng khoán suy giảm trước đây, lần này, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hành động khác. Thay cho việc hạ lãi suất, Fed nâng lãi suất ¾ điểm phần trăm.
Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Thị trường chứng khoán phố Wall và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực sự đã bước vào thực tế mới trong tuần vừa rồi, kết quả nhà đầu tư đương đầu với kịch bản thua lỗ không có hồi kết, theo CNBC.

Trong 11 tuần giao dịch gần nhất, chỉ số S&P 500 đã giảm điểm 10 tuần và giờ đây đang bước vào trạng thái thị trường con gấu. Vào ngày thứ Năm, cổ phiếu của toàn bộ 11 nhóm ngành đóng cửa giảm hơn 10% so với mức đỉnh gần nhất. Trong tuần vừa qua, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones rơi xuống dưới mức 30.000 điểm lần đầu tiên tính từ tháng 1/2021.

Không giống các đợt thị trường chứng khoán suy giảm trước đây, lần này, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hành động khác. Thay cho việc hạ lãi suất, Fed nâng lãi suất ¾ điểm phần trăm vào ngày thứ Tư vừa rồi, đây là đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất tính từ năm 1994, đồng thời Fed cũng phát đi thông điệp sẽ vẫn tiếp tục định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần sau và dự kiến sẽ vẫn giữ vững quan điểm siết chặt chính sách mạnh tay cho đến khi kiềm chế được lạm phát.

Chiến lược gia ngân hàng Bank of America Ajay Singh Kapur trong nghiên cứu gửi khách hàng nhấn mạnh rằng đã đến lúc nhà đầu tư thay đổi chiến lược bởi chính sách của Fed hiện đã theo hướng mới hoàn toàn.

“Trong một thị trường “con gấu”, sự dũng cảm hoàn toàn không cần thiết, thay vào đó người ta cần đến sự thận trọng đối với hoạt động xây dựng danh mục đầu tư, đây chính là cách để bảo toàn vốn và cố gắng trụ lại với thị trường, chờ đợi đến các cơ hội tiếp theo cũng như chu trình lợi nhuận”, ông Kapur viết.

Các cổ phiếu công nghệ, vốn nhạy cảm với biến động lãi suất, chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Ngoài ra còn phải kể đến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang tính chu kỳ ví như cổ phiếu hàng không, du thuyền. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, vốn biến động ngược chiều với giá trái phiếu, tăng vọt trong thời gian gần đây.

Các thị trường tài chính tăng điểm trong thời gian ngắn hạn sau tuyên bố từ Fed, tuy nhiên tâm lý lạc quan đó nhanh chóng biến mất và thị trường đảo chiều giảm điểm ngay phiên ngày thứ Năm. Nhiều chiến lược gia cảnh báo thị trường và tâm lý thị trường sẽ có thể suy yếu, họ viện dẫn đến các ước tính lợi nhuận cho thấy sẽ vẫn có sự tăng trưởng ổn định trong năm tới.

Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Delos Capital Advisors, ông Andrew Smith, nhận xét: “Các nhà hoạch định sẽ cần phải ứng phó với lạm phát càng nhanh càng tốt và càng mạnh càng tốt. Thị trường dường như đã không theo kịp các động thái của Fed”.

Tác động của các đợt nâng lãi suất mà Fed thực hiện lên thị trường lớn hơn nhiều bởi số liệu kinh tế ngày một xấu đi, nhà đầu tư và các chiến lược gia dường như đang mất niềm tin vào khả năng của ngân hàng trung ương trong việc có thể có được việc “hạ cánh mềm”.

Thị trường nhà đất Mỹ dường như đang hạ nhiệt nhanh chóng, số lượng nhà xây mới và hồ sơ xin vay thế chấp giảm sâu. Niềm tin người tiêu dùng đang rơi xuống nhiều mức thấp kỷ lục mới. Số lượng người nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp đang bắt đầu tăng lên khi mà nhiều doanh nghiệp công nghệ đẩy mạnh sa thải. Còn giá dầu trong khi đó không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi rơi xuống dưới mức 100USD/thùng khi mà mùa cao điểm đi lại bắt đầu.

Trong thư gửi khách hàng vào ngày thứ Sáu, chuyên gia kinh tế toàn cầu thuộc Bank of America – ông Ethan Harris cho rằng kinh tế Mỹ đang tiến gần hơn đến suy thoái.

Ngay cả trong nhóm các chuyên gia kinh tế lạc quan, triển vọng khó hạ cánh an toàn cũng đang rất khó, theo nhận định của chuyên gia Michael Feroli thuộc JP Morgan.

Trong nghiên cứu mới đây của mình, ông Feroli nhấn mạnh: “Khả năng có thể “hạ cánh an toàn” khá thấp. Bản thân chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh rằng việc đạt được mục tiêu này sẽ không thể nhanh chóng. Khi mà thị trường lao động còn nhiều hạn chế, nền kinh tế đương đầu với cú sốc giá thực phẩm và năng lượng tăng, rủi ro suy thoái kinh tế trong những năm tới đang lớn hơn. Mô hình nghiên cứu của JP Morgan cho thấy khả năng suy thoái kinh tế trong 2 năm tới là 63% và 3 năm tới là 81%”.

Tuần này, ông Powell sẽ lại ngồi “ghế nóng” khi mà ông trở lại điều trần trước Quốc hội Mỹ về định hướng chính sách, nhiều khả năng ông sẽ không chấp nhận nới lỏng chính sách.

Vào ngày thứ Tư, chủ tịch Fed nói rằng ông và các thành viên ban hoạch định chính sách của ông hoàn toàn quyết định sẽ ngăn kỳ vọng lạm phát. Lạm phát giờ đã trở thành vấn đề chính trị nổi bật, việc Fed nâng dự báo thất nghiệp dự kiến cũng sẽ phải hứng chịu chỉ trích từ các nhà hoạch định chính sách.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE