Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi kể về “con đường tàn khốc” khi thành lập Huawei

Ông Nhậm nói về thời kỳ đầu phát triển của Huawei với mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông, đi từ con số 0 tới vị thế dẫn đầu thế giới.
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi kể về “con đường tàn khốc” khi thành lập Huawei
Huawei vừa công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2021. Theo đó, công ty đạt doanh thu 152,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23,146 tỷ USD), giảm 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ mảng kinh doanh tiêu dùng giảm do việc bán thương hiệu thiết bị thông minh Honor vào tháng 11/2020. Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng khiến lĩnh vực smartphone của Huawei gặp khó, giảm mạnh về thị phần về doanh số. 
Tuy vậy, hoạt động kinh doanh viễn thông của Huawei vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển lâu dài và bền vững của tập đoàn. Từ vị thế của người xuất phát muộn, Huawei vượt qua tất cả đối thủ để trở thành hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, với 31% thị phần, gấp đôi hãng đứng thứ hai trên thị trường là Nokia với 17% thị phần. 
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi kể về “con đường tàn khốc” khi thành lập Huawei ảnh 1
Huawei là hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất
Chủ tịch luân phiên Eric Xu chia sẻ Huawei đang giúp các nhà mạng trên khắp thế giới triển khai mạng 5G, đáp ứng nhu cầu của người dùng và các ngành công nghiệp. Huawei tiếp tục tăng cường đầu tư vào lĩnh vực phần mềm để tăng dần tỷ trọng của phần mềm và dịch vụ trong tổng doanh thu của công ty. Trong quý 1/2021, công ty bắt đầu tạo nguồn thu nhập từ bản quyền sáng chế là 600 triệu USD.
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển thần tốc của mảng viễn thông, 5G của Huawei. Hơn 30 năm trước, buộc phải rời quân ngũ sau đợt cắt giảm quân số, ông Nhậm mơ hồ về tương lai. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài CNBC, Nhậm Chính Phi kể lại, khi thành lập Huawei, ông chưa hiểu được bối cảnh của đất nước đang cải cách mở cửa. Khi đó, Trung Quốc cắt giảm nhân sự trong quân đội vì lực lượng phình to. 
“Chúng tôi - những người thuộc đội quân không chính quy bị cắt giảm đầu tiên, lính đường sắt và các lính kỹ sư cơ sở hạ tầng thuộc quân đội phi chiến đấu cũng bị cho ra khỏi ngành. Sau khi giải ngũ, chúng tôi bị chia đến nhiều nơi. Khi đó, nền kinh tế thị trường bắt đầu manh nha. Tôi chuyển đến Thâm Quyến - tuyến đầu của nền kinh tế thị trường mở cửa. Khi đó, tôi không biết làm gì, cảm thấy khó thích ứng. Ngay từ đầu, tôi mắc sai lầm khi làm việc ở một doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, tôi rời khỏi đơn vị và tìm lối đi khác nhưng chưa biết là lối đi nào”, ông Nhậm kể lại.
Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi kể về “con đường tàn khốc” khi thành lập Huawei ảnh 2
 Ông Nhậm Chính Phi
Ông Nhậm nhận định thông tin viễn thông sẽ phát triển và Huawei có thể tìm thấy cơ hội trong mảng này vì thị trường rất lớn. “Khi đó, chúng tôi nghĩ rằng có thể làm một cái gì đó nhỏ nhỏ, kiểu gì cũng có thể bán được. Nhưng viễn thông là mạng lưới công trình để kết nối với toàn thế giới, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn, chẳng thể vào mạng lưới để bán hàng. Trên thực tế, chúng tôi dấn thân vào một con đường tàn khốc với hàng loạt tiêu chuẩn cao. Một công ty nhỏ, không có vốn, không có công nghệ phải đối mặt với vô vàn khó khăn”, ông Nhậm nhớ lại.
Nhà sáng lập Huawei nhớ lại những ngày gian khó: “Tôi được đào tạo về kiến trúc, phải tự học công nghệ, điện tử. Tôi nghĩ đơn giản mình tìm một cơ hội việc làm để hỗ trợ gia đình. Tôi suy tính rằng ngành công rất lớn, nghĩ rằng chúng tôi có thể kiếm được một chút tiền, vào rồi mới biết ngành công nghiệp này quá tàn khốc. Tuy nhiên, tôi không còn đường lùi. Công ty có tổng cộng hơn 20.000 nhân dân tệ, khoảng 3.300 USD và phải trả nhiều chi phí khác nhau khi làm văn phòng. Khi làm xong thủ tục đăng ký kinh doanh, chúng tôi không còn tiền”.
Ông Nhậm Chính Phi nhớ lại khi Huawei vẫn còn là “con sâu bướm”, Ericsson là công ty rất lớn. “Sau hơn 20 năm, CEO của Ericsson có hỏi tôi: “Sao anh to gan thế”, dám đối đầu với rào cản cao của ngành công nghiệp truyền thông. Tôi trả lời ông ấy: “Vì tôi không biết ngưỡng cao đến đâu và khi vào rồi, không rút lui được nữa”, ông Nhậm kể.
Ông Nhậm kể lại quá trình lập nghiệp bắt đầu từ phát minh thiết bị đo kiểm đơn giản: “Sau khi gia nhập quân đội, chúng tôi xây dựng nhà máy sợi hóa học Liêu Dương ở Đông Bắc, lúc đó các thiết bị tiên tiến trên thế giới được nhập từ Pháp về, trình độ kiểm soát tự động hóa rất cao. Khi đó, chúng tôi không thể kiểm nghiệm thiết bị nước ngoài, Trung Quốc lúc đó cũng không mua được thiết bị kiểm tra. Tôi phát minh ra một thiết bị được coi là phát minh lý thú, được nhà nước coi là một thành tựu lớn”.
Tiếp đó, Huawei của ông Nhậm đi theo mảng thương mại, bán máy móc. “Sau khi đối tác không cho làm đại lý nữa, chúng tôi sử dụng kinh nghiệm bán máy có được để làm thiết bị chuyển đổi, chỉ có thể sử dụng cho 40 người dùng trở xuống, dùng cho khách sạn, đơn vị nhỏ. Từ 20.000 máy đo và các máy hiện sóng, chúng tôi dần dần bước vào mảng viễn thông”, ông Nhậm kể.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE