Người dùng Galaxy S22 tại Hàn Quốc tính kiện Samsung

Tập đoàn Hàn Quốc bị cáo buộc quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng, có thể phải đền bù 250 USD cho mỗi người.
Khách hàng bị Samsung lừa dối trong nhiều năm
Khách hàng bị Samsung lừa dối trong nhiều năm

Theo tờ Korea Herald, sau lùm xùm bóp hiệu năng với các ứng dụng phổ biến, Samsung có thể bị điều tra tại Hàn Quốc vì “vi phạm luật quảng cáo khi marketing cho Galaxy S22”.

Ủy ban Thương mại Công bằng (Fair Trade Commission) của Hàn Quốc sắp mở cuộc điều tra nhắm vào tập đoàn công nghệ lớn nhất quốc gia. Trong quảng cáo của Samsung, Galaxy S22 là điện thoại với hiệu năng tốt nhất từng có, tuy vậy, tính năng Game Optimizing Service được cài đặt trong máy với mục đích làm giảm hiệu năng.

Tính năng Game Optimizing Service là trò lừa của Samsung

Tính năng Game Optimizing Service là trò lừa của Samsung

Samsung Electronics cài đặt sẵn tính năng Game Optimizing Service từ năm 2016 trên nhiều mẫu Galaxy, chủ yếu nhằm ngăn tình trạng quá nhiệt bằng cách giảm tốc độ xử lý của bộ xử lý bên trong. Sự tức giận của người dùng tăng lên khi nhà sản xuất chặn các cách vô hiệu hóa Game Optimizing Service trong Galaxy S22 và người dùng bắt buộc sống chung với tình trạng bóp hiệu năng này.

Thực tế, Game Optimizing Service cũng được áp dụng trên các mẫu smartphone Samsung khác nhưng có thể được gỡ bỏ hoặc vô hiệu hóa, trong khi dòng Galaxy S22 mới đi kèm bản cập nhật One UI 4.0 lại không thể thực hiện được điều này.

Không chỉ cơ quan chính quyền, người dùng Galaxy S22 tại Hàn Quốc cũng chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện Samsung vì bóp méo về khả năng của thiết bị. Khách hàng cảm thấy bị lừa và đòi bồi thường khoảng 250 USD cho mỗi người.

Samsung thừa nhận và nói sẽ cập nhật Game Optimizing Service để người dùng có thể can thiệp vào việc giới hạn hiệu năng này. Trong khi có thông tin Samsung bóp hiệu năng của những app như Netflix hay TikTok, Samsung vẫn đang từ chối hành vi này.

Hàng nghìn người dùng Galaxy S22 tại Hàn Quốc đang chuẩn bị nộp đơn kiện tập thể Samsung. Lý do khởi kiện được nhóm người dùng đưa ra là những điện thoại đang sử dụng bị Samsung cài đặt tính năng Game Optimizing Service tự động làm giảm hiệu năng.

Gần đây, những người dùng bức xúc gặp mặt và chọn Kim Hoon-chan, CEO của công ty luật A part, làm đại diện pháp lý để chuẩn bị vụ kiện tập thể chống lại Samsung Electronics.

Nhóm khách hàng yêu cầu bồi thường 300.000 won và đang tìm kiếm thêm nhiều người khác. “Chúng tôi mua chiếc điện thoại flagship trị giá hơn 1 triệu won vì mong đợi máy xứng đáng với số tiền bỏ ra” nhưng người dùng này cảm thấy bị lừa dối bởi các quảng cáo phóng đại của công ty.

Kim Hoon-chan tiết lộ thêm: “Chúng tôi sẽ buộc tội Samsung Electronics với quảng cáo sai sự thật. Sau khi tập hợp những người dùng quan tâm và chuẩn bị các tài liệu cần thiết, chúng tôi dự định sẽ gửi đơn khiếu nại lên tòa án vào cuối tháng”.

Nhóm này khuyến khích những người dùng điện thoại Samsung khác, như Galaxy S21, Galaxy S20 và Galaxy Tablet, cùng tham gia vụ kiện. Bởi Samsung Electronics cài đặt tính năng Game Optimizing Service trên cả thiết bị không phải Galaxy S22.

Samsung bị tố quảng cáo dối trá

Samsung bị tố quảng cáo dối trá

Người dùng rất tức giận vì những chiếc điện thoại có giá trị lớn nhưng những chức năng xử lý dữ liệu tệ hơn đáng kể so với quảng cáo. Nhiều người dùng Samsung Galaxy phàn nàn rằng Game Optimizing Service tự động giảm hiệu năng khi chơi các tựa game nặng, dẫn đến hiệu năng thiết bị trở nên kém hơn.

1 người dùng sử dụng Galaxy S22 tham gia vào vụ kiện tập thể chia sẻ: “Tôi không chơi game nhưng gặp phải tình trạng giật lag khi sử dụng camera hoặc phát video trên YouTube. Có vẻ như chiếc Galaxy Note 9 trước đây của tôi hoạt động tốt hơn”.

Nếu Samsung Electronics thua kiện, công ty có thể phải đối mặt với chi phí giải quyết rất lớn, chưa kể thiệt hại về mặt danh tiếng.

Từ chối bảo hành

Mới đây, Samsung xác nhận sẽ cho phép người dùng tắt ứng dụng này với bản cập nhật phần mềm tiếp theo. “Game Optimizing Service được cài đặt sẵn trong Galaxy S22 để tối ưu hóa hiệu năng của bộ xử lý trung tâm và bộ xử lý đồ họa khi chơi game trong thời gian dài, biện pháp để tránh quá nhiệt. Để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng, chúng tôi hiện lên kế hoạch sớm tung ra bản cập nhật phần mềm nhằm cung cấp một tùy chọn ưu tiên hiệu năng”, Samsung thông báo.

Tuy vậy, Samsung tuyên bố sẽ không bảo hành với các vấn đề do máy bị quá nóng khi người dùng tùy chọn ưu tiên hiệu năng.

Nhiều người dùng và các hãng truyền thông nghi ngờ rằng hệ thống Game Optimizing Service kiểm soát nhiều ứng dụng hàng ngày như Netflix, YouTube, Spotify và Instagram hay thậm chí là vài ứng dụng hệ thống. Trang tin Android Authority mới đây xác nhận có hơn 10.000 ứng dụng bị Game Optimizing Service điều khiển.

Samsung phủ nhận cáo buộc này: “Game Optimizing Service chỉ hoạt động để hạn chế hiện tượng quá nhiệt khi chơi các game nặng, không kích hoạt trong các ứng dụng không phải game”.

Làm chậm máy khi chơi game, truy cập các ứng dụng phổ biến nhưng Game Optimizing Service lại “chạy hết sức” với những ứng dụng benchmark, vốn dùng để đo hiệu năng của máy. “Công cụ benchmark không phải là ứng dụng game, vì vậy không được đưa vào Game Optimizing Service”, Samsung phản pháo.

Cuộc thăm dò với người dùng cho thấy rằng gần 3 phần 4 số người được hỏi sẽ không mua 1 chiếc điện thoại bị bóp hiệu năng để có thời lượng pin tốt hơn.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE