Ngành sản xuất phân bón “thắng lớn” năm 2020

Năm 2020, các quốc gia đều đặt vấn đề tích trữ lương thực, thực phẩm lên hàng đầu, khiến nông nghiệp phát triển, giá dầu lại giảm, ngành phân bón được hưởng lợi cả đầu vào lẫn đầu ra.

 Nhà máy Đạm Cà Mau phân phối hàng cho các đại lý
Nhà máy Đạm Cà Mau phân phối hàng cho các đại lý
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2020, khối lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 1.162.881 tấn, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 340,562 triệu USD, tăng 39,7% về khối lượng và tăng 27,1% về kim ngạch. 
DCM: CÔNG SUẤT ĐẠT KỶ LỤC, TIÊU THỤ HẾT CẢ HÀNG TỒN KHO
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra tất cả các quốc gia trên thế giới (kể cả Việt Nam) đặt vấn đề dự phòng lương thực lên hàng đầu. Do vậy, tất cả các nước đều thu gom lúa gạo làm giá lúa gạo tăng cao, nông dân rất phấn khởi đẩy mạnh sản xuất canh tác nông nghiệp, kéo tăng nhu cầu về phân bón. 
Bên cạnh đó, trong năm 2020 lần đầu tiên thế giới có mặt bằng giá dầu thấp kỷ lục. Ngành sản xuất phân bón hưởng lợi tù giá khí (nguyên liệu đầu vào) giảm nên chi phí sản xuất thấp, giúp cho các nhà máy phân bón có được hiệu quả kinh doanh tốt hơn. 
Các doanh nghiệp sản xuất urê như Đạm Phú Mỹ và Phân bón Cà Mau đã tận dụng tốt những khó khăn thương mại trong thời kỳ dịch Covid-19 để đẩy mạnh sản lượng bù đắp mức giảm của nhập khẩu.
Cụ thể, trong năm 2020, Đạm Phú Mỹ (DPM) đã đẩy mạnh sản xuất phân bón đạt 868.000 tấn, vượt 11% kế hoạch năm và sản lượng tiêu thụ ước đạt 807.000 tấn, vượt 3% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 840 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch năm.
Phân bón Cà Mau (DCM) cũng vượt kế hoạch từ 5-7% các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân ure và doanh thu năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 657 tỷ đồng, vượt 29% kế hoạch và tăng 42%. Riêng quý IV, Phân bón Cà Mau ước lợi nhuận đạt 163 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó TGĐ Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, năm vừa rồi nhà máy phân bón DCM sản xuất đạt 923 ngàn trong khi công suất thiết kế của nhà máy là 800 ngàn tấn (đạt 115% công suất). Đấy là công suất kỷ lục, về mặt kinh doanh cũng vượt 1 triệu tấn. Ngoài việc tiêu thụ hết công suất kỷ lục 115% của nhà máy, công ty còn tiêu thụ thêm 90 ngàn tấn phân tồn kho từ năm 2019 chuyển qua.
Để làm được điều này DCM đã củng cố các hệ thống phân phối thị trường chủ lực Tây Nam bộ và kế đến là Campuchia. Đây cũng là một năm kỷ lục DCM xuất khẩu phân bón sang thị trường Campuchia, hàng năm chỉ xuất khẩu sang Campuchia khoảng  70 - 80 tấn/năm nhưng năm qua đạt 160 ngàn tấn, tăng gấp đôi. Thị phần của DCM ở Campuchia khoảng 55  - 60% chi phối thị trường này. 
“Thâm nhập thị trường Campuchia, chúng tôi phải cạnh tranh rất gay gắt với phân bón nhập khẩu từ Thái Lan. Lâu nay Thái Lan có chân hàng khá là vững và ổn tại Campuchia. Triết lý kinh doanh của người Thái cũng rất tốt, họ đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của nông dân Campuchia mà ít quan tâm đến giá nên họ có đủ các chương trình khuyến mãi. Ví dụ, mua 1.000 tấn phân bón được tăng 1 chỉ vàng, mua 5.000 tấn thì mức thưởng tăng bậc thang rất hấp dẫn. Để có thể tiếp cận tốt thị trường Campuchia chúng tôi đi từ các nhà phân phối, những người có tầm ảnh hưởng ở bên đó", bà Hiền chia sẻ.
NHẬP KHẨU: TĂNG VỀ LƯỢNG, GIẢM VỀ KIM NGHẠCH
Năng lực sản xuất phân ure của 4 nhà máy lớn là Ninh Bình, Hà Bắc, Phú Mỹ, Cà Mau khoảng 2,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước khoảng 1,8 triệu tấn, 500 ngàn tấn bị dư cung. 
Tập quán mua bán xuất khẩu ure là hàng xá, mà hàng xá thì phụ thuộc rất nhiều vào cái phương pháp tạo hạt. Hiện nay, Phân bón Cà Mau là nhà máy duy nhất trong số 4 nhà máy sản xuất urê có phương pháp tạo hạt bằng áp lực làm cho độ cứng vật lý của hạt rất tốt, sử dụng được cho các vùng canh tác lớn, sử dụng thiết bị cơ giới lớn bón phân. Chính vì vậy, DCM đã đi tiên phong mở rộng thị trường xuất khẩu phân bón.
Bà Hiền cho biết, ngoài thị trường Campuchia, năm qua DCM đã xuất khẩu phân bón ra các thị trường khác đạt khoảng 148 - 150 ngàn tấn. Cộng dồn cả năm 2020, tổng lượng xuất khẩu phân bón đạt xấp xỉ 300 ngàn tấn. Đây cũng là một trong những năng động trong khâu kinh doanh bán hàng, bởi vì thị trường urê của Việt Nam là dư cung. "Đó là cái sự năng động trong kinh doanh bán hàng, sự vươn lên sáng tạo của khối sản xuất”, bà Hiền nói. 
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu phân bón tăng 0,11% về lượng nhưng giảm 9,18% về kim ngạch so với năm 2019, đạt 3,8 triệu tấn, trị giá 951,53 triệu USD. Giá trung bình năm 2020 đạt 250,18 USD/tấn, giảm 9,28% so với giá trung bình của năm 2019 (275,76 USD/tấn).
Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 41,74% trong tổng lượng phân bón nhập khẩu của cả nước và chiếm 38,73% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này, đạt 1,59 triệu tấn, trị giá 368,53 triệu USD trong cả năm 2020, tăng 3,79% về lượng và giảm 3,34% về trị giá so với năm 2019.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường Nga đạt 110,19 triệu USD, chiếm 11,58%; Israel đạt 55,29 triệu USD, chiếm tỷ trọng 5,81%. 

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE