Ngành dệt may Indonesia đối mặt tình trạng xuất khẩu giảm mạnh

Hàng chục nghìn công nhân dệt may Indonesia đang gặp khó khăn trong bối cảnh ngành công nghiệp này đối mặt với sự sụt giảm mạnh xuất khẩu, trong khi hàng nhập khẩu ngày càng chiếm thị phần nội địa.
Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Hiệp hội Doanh nhân Dệt may Tây Java (PPTPJB) cho biết, tính đến tháng 10/2022, ít nhất 64.000 công nhân thuộc 124 công ty dệt ở tỉnh Tây Java đã bị sa thải, trong đó gần 10.000 người mất việc làm do 18 công ty bị đóng cửa.

Các nhà cung cấp cho một số thương hiệu may mặc nổi tiếng thế giới, như Nike và Victoria’s Secret, đã bị ảnh hưởng. Theo PPTPJB, nhu cầu đối với hàng dệt may trong nước đã giảm từ 50-70% kể từ tháng Tư và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm tới.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy ngành dệt may sử dụng khoảng 1,1 triệu lao động vào năm 2020, chiếm hơn 18% tổng số việc làm của các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trên cả nước.

Các công ty dệt may Indonesia đổ lỗi khó khăn này là do xuất khẩu giảm mạnh khi nhu cầu của người tiêu dùng nước ngoài lao đốc, tương ứng với sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng tại các thị trường.

Các vấn đề này phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu trong năm 2022 và 2023 và lạm phát cao kỷ lục ở nhiều quốc gia, khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu cho quần áo để trang trải chi phí nhà ở, năng lượng và thực phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Indonesia (API) Jemmy Kartiwa cho biết, nhiều khách hàng nước ngoài đã yêu cầu hoãn giao hàng từ hai tháng trở lên, song cho hay hiện chưa có đơn hàng nào bị hủy hoàn toàn. Một số khách hàng cho biết hàng hóa của họ đang chất đống nên không thể nhận thêm.

Ông Jemmy cho hay đơn hàng của các công ty dệt may Indonesia đã giảm 30% trong quý III/2022 và tình hình có thể tồi tệ hơn trong năm tới khi nhiều nhà máy cắt giảm hoạt động từ 7 ngày/tuần xuống còn 5 ngày.

Trong khi Indonesia được coi là "điểm sáng" trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, các nhà sản xuất dệt may nước này cho biết thị trường nội địa không thể bù đắp được cho sự sụt giảm nhu cầu xuất khẩu.

Thị trường nội địa đã tràn ngập hàng dệt may nhập khẩu trong bối cảnh các nước sản xuất hàng dệt may lớn khác - chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Bangladesh - tranh giành thị phần trong thị trường toàn cầu đang thu hẹp, trong đó có tại Indonesia.

Ông Nandi, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quần áo May sẵn ở Bandung, cho biết các nhà máy dệt địa phương quy mô nhỏ và phụ thuộc vào nhu cầu trong nước cũng đang gặp khó khăn.

Ông Nandi cho hay các nhà bán lẻ đã tạm ngừng mua hàng của họ do triển vọng tiêu thụ ảm đạm trong năm tới và giá quần áo nhập khẩu rẻ hơn. Nhiều xưởng đã bán hết máy may và một số chủ xưởng buộc phải đóng cửa.

Các nhà sản xuất dệt may cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự. Hiệp hội các nhà sản xuất sợi tổng hợp Indonesia (APSYFI) cho biết hàng nghìn công nhân đã bị cho nghỉ việc không lương.

APSYFI cho hay các công ty thành viên hiện chỉ hoạt động dưới 50% công suất, trong khi một số nhà máy đã giảm sản lượng xuống còn 20%. Một số công ty ghi nhận lượng hàng tồn kho chất đống, buộc phải thuê thêm nhà kho và làm tăng thêm chi phí.

Ông Ferry Hadiyanto, giảng viên thuộc Đại học Padjajaran, cho biết số lượng công nhân bị sa thải thực sự trong lĩnh vực dệt may có thể cao hơn nhiều so với báo cáo do không phải tất cả các công ty đều chia sẻ dữ liệu của họ. Nếu tính cả các trung tâm sản xuất dệt may khác của Indonesia - chẳng hạn như Đông Java, Trung Java và Banten - số liệu sa thải có thể tăng đáng kể.

Các nhà sản xuất dệt may đã kêu gọi chính phủ hạn chế lượng quần áo nhập khẩu từ nước ngoài thông qua các biện pháp kiểm soát nhập khẩu. Chủ tịch APYSFI, ông Redma Gita Wirawasta nhấn mạnh: "Điều cấp thiết nhất mà chính phủ cần làm là cứu thị trường nội địa khỏi hàng hóa nhập khẩu. Mặc dù đã nhận được một số chính sách khuyến khích, nhưng khi thị trường không có, chúng tôi vẫn sẽ gặp khó khăn".

Ông Ignatius Warsito, quyền Phó Vụ trưởng Hóa chất, Dược phẩm và Dệt may thuộc Bộ Công nghiệp, đã từ chối bình luận, trong khi người phát ngôn của Bộ này đã không trả lời yêu cầu bình luận. Trao đổi với báo giới ngày 3/11, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết chính phủ sẽ nghiên cứu vấn đề này.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE