Ngân hàng Trung Quốc có thể thiệt hại đến 350 tỷ USD do khủng hoảng bất động sản

Cuộc khủng hoảng leo thang của các dự án triển khai chậm gây tổn hại niềm tin của hàng trăm nghìn người mua nhà, tạo ra cuộc tẩy chay các sản phẩm cho vay thế chấp tại hơn 90 thành phố của Trung Quốc.
Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Các ngân hàng Trung Quốc đương đầu với kịch bản thua lỗ thế chấp tồi tệ nhất khi mà niềm tin trên thị trường bất động sản Trung Quốc suy giảm, giới chức nước này cố gắng ngăn chặn căng thẳng leo thang.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng leo thang của các dự án triển khai chậm đã làm tổn hại niềm tin của hàng trăm nghìn người mua nhà, nó tạo ra cuộc tẩy chay các sản phẩm cho vay thế chấp tại hơn 90 thành phố của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro hệ thống quy mô lớn hơn. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng Trung Quốc quy mô 56 nghìn tỷ nhân dân tệ ra sao.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ nhân dân tệ tức 356 tỷ USD tương đương 6,4% các khoản thế chấp hiện đang đương đầu với rủi ro. Cùng lúc đó, ngân hàng Deustche Bank AG cảnh báo ít nhất khoảng 7% các khoản vay mua nhà đang có vấn đề. Cho đến nay, nhóm các ngân hàng niêm yết đã công bố ước tính khoảng 2,1 tỷ nhân dân tệ các khoản thế chấp có vấn đề chịu ảnh hưởng bởi việc tẩy chay.

Giáo sư ngành tài chính tại trường kinh doanh thuộc đại học Hồng Kông, ông Zhiwu Chen, khẳng định: “Các ngân hàng đang “mắc kẹt”. Nếu họ không giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn tất dự án, họ sẽ còn mất nhiều hơn nữa. Nếu họ làm như vậy, tất nhiên họ sẽ làm cho chính phủ hài lòng, nhưng cũng đồng nghĩa rằng họ sẽ chịu ràng buộc nhiều hơn với các dự án bất động sản bị trì hoãn”.

Chịu tác động bởi các yếu tố bất lợi từ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tình trạng gián đoạn hoạt động kinh tế do COVID-19 và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, Bắc Kinh đang đặt sự ổn định về tài chính và xã hội lên cao nhất. Cho đến nay, đã có những nỗ lực để kiềm chế khủng hoảng trong đó phải kể đến việc ân hạn với các khoản thế chấp cũng như việc ngân hàng trung ương đưa ra quỹ để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp bất động sản. Dù bằng cách nào đi nữa, các ngân hàng vẫn giữ vị trí trung tâm trong nỗ lực giải cứu của nhà nước.

Ngành ngân hàng có nhiều liên quan nhất với ngành bất động sản. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ước tính có khoảng 39 nghìn tỷ nhân dân tệ các khoản thế chấp và khoảng 13 nghìn tỷ nhân dân tệ các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 3/2022.

Thị trường bất động sản mang đến sự ổn định tài chính tại Trung Quốc, theo khẳng định của giám đốc điều hành tập đoàn Teneo Holdings – ông Gabriel Wildau.

Khi mà giới chức đang cố gắng kiềm chế rủi ro, những ngân hàng cho vay nhiều trong lĩnh vực bất động sản có thể chịu thêm áp lực. Vay thế chấp chiếm khoảng 34% tổng các khoản vay tại Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc tính đến cuối năm 2021, cao hơn ngưỡng 32,5% theo quy định áp với các ngân hàng lớn nhất.

Ước tính khoảng 7% các khoản thế chấp sẽ bị ảnh hưởng nếu tình trạng vỡ nợ lan rộng, theo chuyên gia phân tích thuộc Deustche Bank – bà Lucia Kwong. Ước tính này có thể sẽ vẫn hạn chế bởi xét đến việc cho đến nay thông tin về các dự án chưa hoàn thành không được công bố rộng rãi.

Nhằm hạn chế tác động, Trung Quốc có thể sử dụng nguồn vốn dư thừa và dự phòng khoản vay tại 10 ngân hàng lớn nhất, ước tính tổng số lên tới khoảng 4,8 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo của Francis Chan và Kristy Hung – chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence.

Các ngân hàng địa phương, trong đó bao gồm các ngân hàng ở thành phố và nông thôn có thể sẽ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn các ngân hàng nhà nước, dựa trên thông tin từ các đợt giải cứu trước đây cũng như do mối liên quan chặt chẽ hơn của họ với chính quyền địa phương.

Cho đến nay, các ngân hàng Trung Quốc đã huy động được lượng vốn kỷ lục từ các đợt bán trái phiếu trong nửa đầu năm bởi họ chuẩn bị cho khả năng chất lượng các khoản vay đi xuống. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục khi mà kinh tế đi xuống.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE